Aa

Quảng trường lớn nhất Việt Nam: Sức chứa 200.000 người, là minh chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc

Thứ Bảy, 11/01/2025 - 20:06

Quảng trường Ba Đình lịch sử cho đến hiện tại vẫn là một cái tên khiến ai cũng bồi hồi xao xuyến khi nhắc đến, là một trong những minh chứng lịch sử hùng hồn ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc.

Vì sao lấy lên là Quảng trường Ba Đình?

Trước thế kỷ XX, Quảng trường Ba Đình vốn là khu vực cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long - nơi có nhiều làng nghề buôn bán sầm uất.

Năm 1894, sau khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng một vườn hoa nhỏ gọi là Quảng trường Tròn (Rond Point Puginier), đây là tên gọi được đặt theo một vị linh mục người Pháp có tên Puginier.

Quảng trường lớn nhất Việt Nam: Sức chứa 200.000 người, là minh chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc- Ảnh 1.

Quảng trường Ba Đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Internet

Bác sĩ Trần Văn Lai, người từng đảm nhiệm cương vị Thị trưởng TP. Hà Nội từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 và sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, là một nhân vật say mê lịch sử dân tộc. Với lòng ngưỡng mộ sâu sắc dành cho các anh hùng đã góp công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ông đã quyết định đổi tên Rond Point Puginier thành Quảng trường Ba Đình.

Cái tên xuất phát từ sự cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng chống Pháp vào những năm cuối thế kỷ XIX tại căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Thời điểm đó, Đinh Công Tráng cùng nghĩa quân của mình đã chọn vùng đất thuộc ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ và Mỹ Khê làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Ba làng này đều có một ngôi đình và từ đó có thể nhìn thấy ngôi đình của hai làng kia, vì vậy nó được gọi là căn cứ Ba Đình.

Nơi đây cũng là nơi đã ghi dấu sự chiến đấu anh dũng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng khi chống lại đội quân viễn chinh lớn nhất so với tất cả các chiến dịch khác của họ trên đất Việt Nam dưới thời Đệ tam Cộng hòa Pháp.

Và chỉ sau hơn một tháng được đặt tên chính thức, Quảng trường Ba Đình đã được chọn là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc.

Nơi chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước

Được xem là quảng trường lớn nhất Việt Nam, quảng trường Ba Đình nằm trên trục đường Hùng Vương và trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi đây đã lưu giữ dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc, một trong những mốc son chói lọi phải kể đến là ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quảng trường khi đó rợp một biển người và cờ hoa, ai cũng rạng rỡ, hân hoan, vỡ òa hạnh phúc trong ngày độc lập của dân tộc.

Quảng trường lớn nhất Việt Nam: Sức chứa 200.000 người, là minh chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc- Ảnh 2.

Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của toàn dân tộc. Ảnh: Internet

Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Khoảnh khắc này đã từng được Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: "Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình để đọc bản Tuyên ngôn độc lập vì Người muốn có một thông điệp không chỉ với dân tộc Việt Nam mà với toàn thế giới. Thông điệp ấy gửi gắm đến một thế giới đang chuyển đổi sau khi chủ nghĩa phát xít đã bị tiêu diệt. Trong nội dung bản Tuyên ngôn độc lập, ở phần cuối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền độc lập của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam giành lại được, phù hợp với nguyên lý của nhân loại. Đó là một hiện thực không thể đảo ngược được".

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, để lại nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi trong lòng người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới. Một lần nữa, Quảng trường Ba Đình lại là nơi chứng kiến Lễ Truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Sau này, Quảng trường Ba Đình còn được gọi là Quảng trường Độc Lập hay Quảng trường Hồng Bàng. Tuy nhiên, cuối cùng, cái tên Quảng trường Ba Đình vẫn được lựa chọn để nhớ mãi về sự kiện lịch sử linh thiêng của dân tộc.

Quảng trường lớn nhất Việt Nam: Sức chứa 200.000 người, là minh chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc- Ảnh 3.

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Internet

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam với hơn 32.000m2 và từng có sức chứa lên đến 200.000 người. Nơi đây được thiết kế với các ô cỏ lớn 4 mùa xanh tươi, xen giữa các ô cỏ là lối đi rộng 1,4m.

Ít ai biết, những ô cỏ này không chỉ góp phần làm đẹp cho kiến trúc cảnh quan mà còn giúp giảm nóng cho quảng trường.

Quảng trường lớn nhất Việt Nam: Sức chứa 200.000 người, là minh chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc- Ảnh 4.

Quảng trường được thiết kế với các ô cỏ lớn 4 mùa xanh tươi. Ảnh: Internet

Nguyên nhân do trước kia các chiến sĩ, bộ đội diễn tập từ sáng đến trưa tại đây nên thường rất mệt và nóng do mặt sân bê tông. Loại cỏ được trồng tại đây là cỏ gừng - loại cỏ xanh tốt quanh năm và vẫn có thể chịu được sự dẫm đạp của con người.

Là quần thể kiến trúc đẹp nhất giữa lòng Thủ đô

Phía sau Quảng trường Ba Đình là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng linh thiêng, được xây dựng trên nền của lễ đài cũ mà Bác từng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Quảng trường lớn nhất Việt Nam: Sức chứa 200.000 người, là minh chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc- Ảnh 5.

Quảng trường Ba Đình được xem là quần thể kiến trúc đẹp nhất giữa lòng Thủ đô. Ảnh: Internet

Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác được xem như một quần thể kiến trúc thống nhất, minh chứng cho những tư tưởng sáng người của Người sẽ luôn gắn bó với Tổ quốc Việt Nam.

Ngay chính giữa quảng trường là cột cờ cao 25m, nơi đây trở thành không gian linh thiêng của Thủ đô Hà Nội, là nơi tổ chức các sự kiện long trọng như lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, lễ duyệt binh, mít tinh, báo công, lễ kết nạp Đảng... Hàng ngày, tại Quảng trường Ba Đình sẽ diễn ra lễ thượng cờ và hạ cờ.

Đội hình thực hiện nghi lễ gồm 37 chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, dẫn đầu là quân kỳ Quyết thắng, tiếp theo là 34 đồng chí tiểu binh – tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong bộ quân phục trắng oai nghiêm, các chiến sĩ tiến bước hùng dũng qua quảng trường, hướng về cột cờ trước Lăng Bác. Khi những giai điệu hào hùng của bài Quốc ca vang lên, Quốc kỳ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ.

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên bầu trời hòa bình của Tổ quốc khiến bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng cảm thấy xúc động và trào dâng niềm tự hào vô hạn.

Quảng trường lớn nhất Việt Nam: Sức chứa 200.000 người, là minh chứng cho mốc son chói lọi của dân tộc- Ảnh 6.

Một trong những hình ảnh linh thiêng tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Báo Quân đội Nhân Dân

Sau bao nhiêu năm thăng trầm và biến đổi của lịch sử, Quảng trường Ba Đình đã trở thành mảnh đất linh thiêng ghi lại nhiều dấu ấn trọng đại của dân tộc. Cùng với những kiến trúc tâm linh hiện hữu như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ... thì Quảng trường Ba Đình cũng là một trong những địa điểm tham quan và vui chơi của du khách và người dân Thủ đô.

Cho đến thời điểm hiện tại, sau 80 năm kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Quảng trường Ba Đình vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và văn hóa.

Nơi đây vẫn được xem là trung tâm chính trị - văn hóa của toàn dân tộc Việt Nam, đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, trở thành nơi có quy hoạch, cảnh quan cũng như quần thể kiến trúc đẹp bậc nhất giữa lòng Thủ đô.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top