Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Văn bản 1316/SXD-TTr (ngày 18/2/2020) đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.
Cũng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng đã được đưa ra xem xét và đang hoàn thiện. Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, trước thực trạng quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, cần tìm rõ nguyên nhân và cần có quy định đủ mạnh để xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Thế nhưng, trên thực tế, vấn đề vi phạm TTXD - ĐT đã và đang diễn ra, kéo dài từ năm này qua năm khác và không được xử lý triệt để, gây nên nhiều bức xúc cho người dân TP Hà Nội. Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra, những văn bản chỉ đạo từ cấp Thành phố đến cấp Quận đã được ban hành nhằm tìm ra hướng xử lý, giải quyết triệt để, thế nhưng, dường như chỉ là biện pháp “bắt cóc bỏ dĩa”?!
Theo báo cáo và thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ hơn 3%).
Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số gần 5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13,5 tỷ đồng. Hàng loạt công trình vi phạm qua nhiều năm vẫn không được xử lý triệt để gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố còn 37 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ các năm 2015 và 2016 thuộc địa bàn 15 quận, huyện. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đứng đầu với 8 trường hợp tồn đọng, Hai Bà Trưng có 6 trường hợp, Thanh Xuân 5 trường hợp, Ba Đình và Thanh Trì có 3 trường hợp, Tây Hồ và Sóc Sơn 2 trường hợp; các quận, huyện còn 1 trường hợp vi phạm tồn đọng gồm: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất. Thế nhưng, thực tế số trường hợp vi phạm TTXD tồn đọng ít ỏi đó, có đúng như Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra?!
Quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ – du lịch, trung tâm văn hoá, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội. Nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội với diện tích 24,0km2, Tây Hồ gồm 8 phường: Bưởi, Yên Phụ, Thuỵ Khuê, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Xuân La, Phú Thượng.
Sau 25 năm hình thành và phát triển, đến nay quận Tây Hồ đã trở thành một trong những khu vực có sự phát triển kinh tế bậc nhất của thành phố Hà Nội. Nhưng cùng với sự phát triển vượt bậc đó, quy hoạch đô thị tại quận Tây Hồ cũng nhanh chóng bị phá vỡ, kéo theo nhiều hệ luỵ về trật tự xây dựng, mật độ dân số và hệ thống hạ tầng kĩ thuật. Trong đó, vi phạm trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nổi cộm, kéo dài nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu của PV, hiện tại trên địa bàn quận Tây Hồ ghi nhận những sai phạm về việc người dân lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà trên đất nông nghiệp, đất bãi, lấn chiếm hành lang thoát lũ…Trách nhiệm của cơ quan chức năng là ngăn chặn, xử lý triệt để các sai phạm này ngay từ lúc manh nha để người dân không tiếp tục tái diễn. Thế nhưng, những sai phạm này kéo dài từ năm này qua năm khác không được xử lý hoặc xử lý kém hiệu quả.
Yêu cầu xử lý vi phạm Luật Đê điều liệu có nằm trên giấy?!
Phường Tứ Liên, quận Tây Hồ có 350ha đất thì 300ha nằm ngoài đê, theo quy định, phần lớn diện tích trên nằm trong vùng thoát lũ và an toàn đê điều nên việc xin phép xây dựng phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Nhưng khi TP Hà Nội có chủ trương nghiên cứu dự án hai bên sông, phần lớn diện tích đất cả thổ cư lẫn đất nông nghiệp nơi đây đều đã được xây nhà ở cao tầng san sát. Có thể nhắc đến công trình tại hẻm 50 ngõ 310 Nghi Tàm, công trình này có nguồn gốc đất nông nghiệp nhưng đã xây dựng kiên cố thành ngôi nhà 2 tầng và mới đi hoàn thiện.
Công trình số 55 ngách 172/55 Âu Cơ (ngách 124/55 Âu Cơ kéo dài) phường Tứ Liên, được quây tôn xây dựng trên nền đất nông nghiệp, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Công trình số 115 Đường Nước Phần Lan, phường Tứ Liên, chủ đầu tư “vô tư” xây dựng đến tầng thứ 5 trên đất nông nghiệp. Công trình ngách 35, ngõ 76 An Dương, một số công trình ngách 45, 55 ngõ 124 Âu Cơ, công trình số 62 khu vực Đê Quai, phường Tứ Liên… Thậm chí, trên nền đất nông nghiệp, một quán cà phê có tên Drip Time đã được xây dựng và đi vào hoạt động.
Hoặc như Trạm bê tông Việt Đức nằm trên địa bàn quận Tây Hồ đã “chiếm dụng” hành lang đê sông Hồng nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là hai nhà hàng mang tên Tre Place và Vườn tre quán có địa chỉ tại số 142 An Dương Vương cũng được xây dựng kiên cố, có dấu hiệu vi phạm hành lang đê điều.
Được biết, trong Công văn số 402/UBND-KT, ban hành ngày 6/4/2020, UBND quận Tây Hồ yêu cầu UBND các phường có đê và các đơn vị trực thuộc chỉ đạo xử lý vi phạm luật đê điều. Trước tình hình vi phạm Luật Đê điều xảy ra trên địa bàn các phường có đê có diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng đổ trộm phế thải, lấn chiếm bờ, bãi sông, xây dựng lều lán trái phép, trồng rau, hoa màu, nuôi động vật, để vật liệu, rác thải trên mái đê..., UBND quận Tây Hồ yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND các phường có đê nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. UBND quận Tây Hồ cũng yêu cầu các phường: Yên Phụ, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm Luật Đê điều còn tồn tại trên địa bàn quận tính từ 2010 đến nay.
Giao đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận chỉ đạo các tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường tăng cường kiểm tra địa bàn, kịp thời phát hiện lập biên bản, lập hồ sơ và đề xuất xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều; đôn đốc và phối hợp với UBND các phường xử lý kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm.
PV đã liên hệ với UBND Quận Tây Hồ để tìm hiểu quá trình thực hiện chỉ đạo này, UBND quận Tây Hồ đã giao Đội Quản lý TTXDĐT Tây Hồ cung cấp thông tin, trả lời báo chí. Tuy nhiên, từ ngày 21/5 đến nay, mặc dù đã rất nhiều lần liên hệ, nhưng Đội Quản lý TTXDĐT quận Tây Hồ không hề phản hồi PV.
Nhà xây vượt tầng, chuyện không bao giờ cũ
Câu chuyện xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đã trở thành nội dung chính trong các cuộc họp giao ban của UBND quận Tây Hồ từ nhiều năm nay.
Ngày 6/7/2011, trong họp giao ban, đánh giá kết quả công tác xử lý vi phạm đất đai, quản lý TTXD-ĐT trên địa bàn quận, ông Đinh Trọng Sơn – Phó Chủ tịch UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường, các phòng ban trực thuộc Quận tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý triệt để, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về Quản lý đất đai TTXD-ĐT, không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới.
Thế nhưng, từ năm 2011 đến nay tình trạng xây dựng trái phép, không phép vẫn tiếp tục diễn ra tràn lan. Điều đáng nói, hầu hết những công trình sai phạm này đều được người dân thực hiện, xây dựng hoàn thiện thì mới bị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc để xử phạt. Chẳng khác nào “chuyện đã rồi”.
Có thể kể đến công trình số 70 đường Xuân Diệu (phường Tứ Liên) được chủ đầu tư tự ý xây dựng thêm 2 tầng không phép, nâng tổng số tầng thành 7 tầng. Theo như người dân, công trình này trước đây là khách sạn Paloma quy mô chỉ có 5 tầng.
Nằm trên tuyến đường Âu Cơ, tình trạng các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng trái phép, sai mật độ, vượt số tầng so với giấy phép xây dựng đã được cấp có thể kể đến như công trình số 4 ngõ 433 Âu Cơ, phường Nhật Tân, chủ đầu tư tự ý xây vượt phép 1 tầng, tum; công trình số 9 ngõ 497 Âu Cơ xây vượt 2 tầng, tum; công trình số 1 ngõ 497/23 Âu Cơ được xây với chiều cao lên tới 7 tầng và công trình số 519 Âu Cơ có dấu hiệu vi phạm TTXD với chiều cao khủng.
Ngõ 45 Võng Thị được coi là con ngõ có nhiều công trình xây dựng vượt tầng nhất trên địa bàn phường Bưởi. Như công trình số 2, ngõ 45 Võng Thị đã xây dựng xong phần thô gồm có 7 tầng, 1 hầm, 1 lửng và tầng tum đang được hoàn thiện. Hoặc như công trình số 12, ngõ 45 Võng Thị cũng có chiều cao “khủng”. Đáng chú ý, công trình có chiều cao “vượt trội” này có vị trí ngay gần trụ sở UBND phường Bưởi nhưng không hiểu sao vẫn được xây dựng mà không hề có thông tin thanh kiểm tra, xử lý từ cơ quan chức năng địa phương. Số nhà A16 khu Công Đoàn cũng đang được xây dựng lên đến tầng thứ 8, quy mô lớn, ngang nhiên xây dựng mà chưa có một cơ quan chức năng nào xử lý…
Những vi phạm hiện hữu về TTXD trên địa bàn quận Tây Hồ không phải “ngày một ngày hai” mà đã diễn ra trong một thời gian dài. Để giải quyết và xử lý triệt để cần sự vào cuộc “rốt ráo” của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Thế nhưng, UBND Quận Tây Hồ, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Tây Hồ đã thực hiện đúng và đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình hay chưa, khi để những sai phạm này tồn tại kéo dài nhiều năm, làm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân cũng như môi trường sống và gây áp lực nặng nề lên hệ thống công trình công cộng tại địa bàn quận nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, thực trạng vi phạm trật tự xây dựng đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM là vấn đề tồn tại từ lâu. Trong suốt một thời gian dài, người dân và dư luận không khỏi bức xúc và có những hoài nghi xung quanh công tác quản lý trật tự xây dựng của chính quyền sở tại.
Theo ông Hùng, các cấp quản lý nhà nước phải có thái độ rất kiên quyết trong việc quản lý, xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng. Các tỉnh, thành phố làm sai Bộ xây dựng phải “thổi còi”, báo cáo Thủ tướng; quận, huyện làm sai tỉnh, thành phố phải xử lý; phường, xã làm sai quận, huyện phải xử lý.
Đồng thời, nhà nước cần tập trung nguồn nhân lực, kinh phí lập và duyệt quy hoạch phân khu. Đặc biệt là quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị (hiện mới đạt chưa đến 40%) và công khai minh bạch tạo điều kiện quản lý và triển khai thực hiện, chống được cơ chế “xin - cho” trong cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, Thanh tra xây dựng các cấp cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Thanh tra Bộ Xây dựng cần tập trung thanh tra, làm điểm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM để làm rõ trách nhiệm của các cấp cơ quan quản lý nhà nước...