Aa

Quốc hội chất vấn các bộ trưởng về việc thực hiện lời hứa và cam kết

Thứ Ba, 30/10/2018 - 13:20

Lần này Quốc hội sẽ không chọn “cứng” 4 tư lệnh ngành trả lời chất vấn, mà có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ về việc thực hiện lời hứa và các cam kết trong các kỳ họp trước.

Hỏi nhanh - đáp gọn

Trong ba ngày, bắt đầu từ hôm nay 30/10 đến 1/11, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ là "diễn đàn" sôi nổi được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi qua các buổi tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình Quốc gia. Trong đó, hình thức chất vấn tiếp tục được đổi mới theo phương pháp “hỏi nhanh - đáp gọn”.

Đặc biệt, tại phiên chất vấn ở kỳ họp này, Quốc hội không chọn “cứng” 4 tư lệnh ngành trả lời chất vấn như các kỳ họp trước, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2, Khóa XIV đến nay.

Theo các đại biểu, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Quốc hội. Do vậy, việc đổi mới chất vất tại kỳ họp thứ 6 là rất hợp lý. Bởi sau các phiên chất vấn trước, các bộ trưởng, trưởng ngành luôn có những lời hứa, cam kết được ghi lại. Các ĐBQH cũng luôn theo dõi việc thực hiện lời hứa, cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, phiên chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục có nhiều đổi mới và thông qua việc đổi mới nội dung, cách thức chất vấn, dù chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng chắc chắn sẽ đem lại nhiều hiệu quả tốt hơn.

Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hình thức chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn”, bản thân mỗi ĐBQH được đặt câu hỏi chỉ trong vòng 1 phút nên sẽ phải đầu tư suy nghĩ, lựa chọn từng từ ngữ ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để cử tri dễ nghe, dễ hiểu. Bộ trưởng được chất vấn cũng dễ nắm vấn đề, nội dung câu hỏi hơn.

"Sau 3 câu hỏi của ĐBQH, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có 9 phút để trả lời (mỗi câu hỏi trả lời trong khoảng 3 phút), cách thức chất vấn như vậy sẽ tránh tình trạng Bộ trưởng quá chú trọng vào chất vấn của ĐBQH này mà “bỏ quên” chất vấn của đại biểu khác", bà Hải cho hay.

Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, khi đổi mới chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành được chất vấn cũng rất áp lực. Phải trả lời ngắn gọn trong khoảng thời gian Quốc hội quy định, mà vẫn đầy đủ thông tin, đáp ứng yêu cầu của ĐBQH. Việc này đòi hỏi Bộ trưởng phải nắm vững vấn đề, số liệu, chọn cách diễn đạt logic. "Người chấm thi" ở đây không chỉ có các ĐBQH mà trên sóng truyền hình, báo điện tử tường thuật trực tiếp nên cử tri cả nước theo dõi rất sát sao và sẽ có đánh giá đối với bộ trưởng.

"Tại phiên chất vấn ở kỳ họp này, tất cả các thành viên Chính phủ cùng Thủ tướng Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn các ĐBQH. Điều đó cho thấy, đây là một Chính phủ trọng dân, vì dân theo đúng quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ", bà Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Chất lượng chất vấn được nâng cao

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Đỗ Văn Sinh. Ảnh Viết Tôn

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Đỗ Văn Sinh. Ảnh Viết Tôn

Còn theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, (Quảng Trị), tại các phiên chất vấn kỳ họp trước và cả lần này sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Hiện nay, nếu các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi thì ĐBQH sẽ tranh luận trở lại, hoặc nếu đại biểu hỏi chưa rõ thì có thể giải thích thêm. Như vậy cho thấy, chất lượng chất vấn sẽ được nâng cao, năng lực và trình độ của người hỏi và người trả lời sẽ được thể hiện rõ qua mỗi phiên chất vấn.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Tô Văn Tám, (Kon Tum) cho biết, lần này các thành viên Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ báo cáo kết quả thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn qua các kỳ họp trước cho đến kỳ họp này. Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội sẽ chất vấn tất cả các vấn đề, trong đó tập trung vào lời hứa của các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn trước đó, đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành đến đâu, thực hiện như thế nào và có thực hiện tốt không?.

Ông Tám cho rằng, nếu người được ĐBQH chất vấn các kỳ thọp trước làm chưa tốt thì nguyên nhân vì sao? Lời hứa đó có những tác động khách quan, chủ quan… như thế nào. Từ đó các thành viên Chính phủ phải có kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện tốt hơn lời hứa của mình. "Trong phần trả lời của các thành viên Chính phủ sẽ có những việc đã xử lý, đang xử lý và chưa xử lý. Cần đánh giá sâu, và giải quyết đến đâu, đã dứt điểm chưa và thấu đáo chưa? Cá nhân tôi theo đuổi vấn đề di dân tái định cư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, công trình thủy điện khi thực hiện di dân tái định cư", đại biểu Tô Văn Tám khẳng định.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, lần này Quốc hội đã có sự đổi mới trong chất vấn. Từ đầu nhiệm kỳ cho tới nay, các nội dung chất vấn được quy trình chặt chẽ; đại biểu chất vấn, bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu, giải trình và đưa ra các cam kết. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết, trong quá trình đó sẽ tổ chức giám sát, theo dõi việc thực hiện của các bộ ngành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top