Xây dựng chính sách đặc thù cho các khu kinh tế có tiềm năng lớn
Theo nghị quyết của Quốc hội, năm nay tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Một số chỉ tiêu được chủ yếu được Quốc hội quyết nghị điều chỉnh. Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD.
GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Các giải pháp để đạt tăng trưởng 8%, đó là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển", từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Trong đó cần sớm xây dựng đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng...

Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Báo Chính phủ.
Kiên quyết cắt bỏ cơ chế "xin - cho"
Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cũng là giải pháp quan trọng được đề cập trong Nghị quyết.
Trong đó, năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia...
Song song là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.
Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Quốc hội cũng đề nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.
"Kiên quyết cắt bỏ cơ chế "xin - cho", đầu tư công dàn trải", Quốc hội lưu ý, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Rà soát, xử lý dự án đang vướng mắc
Chính phủ cần rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, TP lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025, theo nghị quyết.
Quốc hội còn đề nghị đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến. Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; Khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế; khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới...
Khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…