Aa

Quốc hội thông qua Luật Phòng chống rửa tiền, nỗ lực để Việt Nam không rơi vào danh sách Xám

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 15/11/2022 - 15:15

Với 483/488 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền, gồm 4 chương và 66 điều, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. 

Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật PCRT; có ý kiến đề nghị làm rõ hơn về tính cấp bách, cấp thiết phải trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật trong một kỳ họp; làm rõ dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các cam kết quốc tế liên quan đến PCRT hay chưa và việc sửa đổi Luật PCRT có bảo đảm Việt Nam không bị đưa vào Danh sách Xám hay không?

UBTVQH báo cáo: Theo báo cáo kết quả đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG) về PCRT, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn còn những thiếu hụt, không đáp ứng hoặc mới đáp ứng được một phần tại 27/40 Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF). Với những thiếu hụt này, Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường của FATF. Trong một năm kể từ khi bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường (từ tháng 3/2022-3/2023), nếu không thể hiện được sự tiến bộ và không đáp ứng được các yêu cầu về cải thiện khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ bị đưa vào Danh sách các nước có thiếu hụt nghiêm trọng về PCRT, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (danh sách Xám). Danh sách công khai toàn cầu của FATF và chịu sự giám sát tăng cường của FATF.

Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế của Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính Việt Nam (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) sẽ bị các nước tính phí cao hơn và phải chịu sự rà soát tăng cường có thể làm giảm đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài.

Hiện nay các nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật PCRT liên quan đến 25/40 Khuyến nghị của FATF; dự kiến có 11/25 Khuyến nghị có thể được coi là đáp ứng; 14/25 Khuyến nghị có thể được coi là chỉ đáp ứng một phần do còn liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản pháp luật khác (như: Bộ Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống khủng bố, các quy định xử phạt vi phạm hành chính…) và quá trình tổ chức thực hiện. Điều này thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các thiếu hụt theo khuyến nghị của APG/FATF cũng như đáp ứng thời hạn xử lý thiếu hụt chậm nhất đến tháng 3/2023 và như vậy, FATF sẽ ghi nhận nỗ lực này và cân nhắc không đưa Việt Nam vào danh sách Xám.

Cùng với việc sửa đổi Luật PCRT, để tránh rủi ro bị đưa vào danh sách Xám, đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nội dung khuyến nghị khác tại các các luật có liên quan; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật PCRT theo Kế hoạch hành động quốc gia về PCRT, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi công tác PCRT và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đối với một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo Luật với các quy định của pháp luật chuyên ngành khác có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, UBTVQH báo cáo: Đã chỉ đạo các cơ quan rà soát kỹ lưỡng, đối chiếu các nội dung của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Công chứng, dự án Luật Giao dịch điện tử...; rà soát bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, sự phù hợp với các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính khả thi, sự phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng việc nội luật hóa các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế là cần thiết, tuy nhiên cũng cần cân nhắc bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và tính khả thi của Luật.

UBTVQH báo cáo: Một số khuyến nghị của FATF mặc dù đang được đánh giá mới đáp ứng được một phần, tuy nhiên khi rà soát, Chính phủ báo cáo đây không phải khuyến nghị cốt lõi và việc đáp ứng khuyến nghị khó bảo đảm được tính khả thi, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, do đó Chính phủ đề nghị chưa bổ sung vào dự thảo Luật vào thời điểm hiện tại như đối với khuyến nghị số 15 - công nghệ mới (liên quan đến tài sản ảo); khuyến nghị số 12 về cá nhân có ảnh hưởng chính trị… Như vậy, việc nội luật hóa các khuyến nghị của FATF tại dự thảo Luật đã được xem xét, đánh giá kỹ để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Với các ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh tại dự thảo Luật về vấn đề rửa tiền qua tiền ảo, tài sản ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, UBTVQH báo cáo: Năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp là đầu mối, phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể thực trạng pháp luật về tài sản ảo, đề xuất hoàn thiện thể chế đối với vấn đề này. Hiện nay, các Bộ ngành mới đang triển khai nghiên cứu, đề xuất trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và vì vậy, chưa có đủ cơ sở để quy định ngay các biện pháp PCRT đối với hoạt động này tại dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để có căn cứ bổ sung quy định liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo cũng như hoạt động khác có thể phát sinh trong tương lai, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền chưa được quy định tại khoản 1 và  khoản 2 Điều 4 của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của UBTVQH. UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro rửa tiền nói riêng và rủi ro tài chính nói chung.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top