Aa

ĐBQH Đoàn Thị Hảo: "Cần quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong định giá đất"

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 15/11/2022 - 08:29

“Dự thảo luật chưa làm rõ về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong công tác định giá đất, thẩm định việc ban hành bảng giá đất tại các địa phương”, Đại biểu Đoàn Thị Hảo nêu.

Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai tại Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc bỏ khung giá đất và xác định theo giá thị trường, tuy nhiên chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương tới địa phương, xác định giá đất hàng năm là do cơ quan tổ chức nhà nước hay tổ chức độc lập.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và công tác thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời nêu 5 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện:

Thứ nhất, về phát triển quỹ đất. Dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới trong cơ chế phát triển quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, đảm bảo đồng bộ, giải quyết được nhiều bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ cơ chế để có thể phát huy được nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất. Thực tiễn thời gian qua, mô hình Trung tâm phát triển quỹ đất chưa phát huy được vai trò trong việc tạo lập quỹ đất, hoạt động còn mang tính cục bộ, các cơ chế tài chính cho hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất còn vướng nhiều thủ tục về cấp vốn, hoàn vốn, hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi phí tổ chức đấu giá, đấu thầu.

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn thiếu cơ chế về huy động và phát triển nguồn vốn đủ mạnh, thiếu sự hỗ trợ và tham gia của hệ thống ngân hàng trong việc bố trí nguồn tiền cho tổ chức phát triển quỹ đất.

“Từ những lý do trên, tôi đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đặc biệt là có cơ chế huy động hỗ trợ nguồn vốn cũng như trình tự, thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả. Tại Chương VIII dự thảo luật, nên thiết kế một điều quy định rõ về phương thức thực hiện dự án phát triển quỹ đất”, bà Hảo đề nghị.

Thứ hai, về giá đất. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, Đại biểu Đoàn Thị Hảo nêu quan điểm: “Đây là bước đột phá về tư duy và mang ý nghĩa lịch sử. Tôi tán thành với quy định này và đề nghị: Một là giải thích rõ cụm từ "phù hợp với giá trị thị trường" tại điểm c khoản 1 Điều 163, vì hiện nay việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường gặp nhiều khó khăn, do cơ sở dữ liệu về giá đất chưa đầy đủ, giá đất luôn biến động. Hai là cần có phương pháp để xây dựng giá trị bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong xác định giá đất. Ví dụ, dự thảo luật đưa ra các phương pháp định giá đất mới, như vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn tại khoản 2 Điều 164 và khoản 3 Điều 165. Đây là các khái niệm mới nhưng không quy định giao cho cơ quan nào có trách nhiệm tổ chức xác định vùng giá trị này”.

ĐBQH Đoàn Thị Hảo đề nghị tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong công tác thẩm định, ban hành bảng giá đất tại các địa phương. Ảnh minh họa: Reatimes

Thứ ba, về Hội đồng thẩm định giá đất tại Điều 166. Đại biểu Đoàn Thị Hảo cho rằng, cần quy định cơ chế hoạt động độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất và các thành viên của Hội đồng thẩm định. Tăng tỷ lệ thành viên Hội đồng thẩm định giá đất là các chuyên gia tư vấn độc lập. Đồng thời, xác định rõ quyền đi đôi với trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng thẩm định trong việc đưa ra ý kiến thẩm định giá đất.

Thứ tư, dự thảo luật lần này chưa rõ về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong công tác định giá đất, đặc biệt khi xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh, thẩm định việc ban hành bảng giá đất tại các địa phương.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trung ương trong định giá đất”, bà Hảo nhấn mạnh.

Thứ năm, về tập trung đất nông nghiệp tại Điều 195. Đại biểu Đoàn Thị Hảo cơ bản đồng tình với quy định của dự thảo luật về tập trung đất nông nghiệp và tích tụ đất nông nghiệp. Quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để thực hiện và hoàn thành giấc mơ về cánh đồng mẫu lớn; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Theo quy định tại khoản 4 Điều 195, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

“Tôi đề nghị làm rõ trong trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện dự án tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tập trung đất đai có phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về đầu tư không và quy trình thực hiện như thế nào”, bà Hảo phát biẻu.

Cuối cùng, Đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị quan tâm tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chính xác về đất đai: “Qua thực tiễn thi hành Luật Đất đai tại địa phương cho thấy, việc lưu trữ, tổng hợp số liệu hồ sơ về đất đai gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai chính xác, đầy đủ”.

Cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội): “Vấn đề bỏ khung giá quyền sử dụng đất là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù, giải tỏa để thực hiện dự án lớn, nhỏ. Mong Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để rũ bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả. Cần quy định rõ chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định giá quyền sử dụng đất”.

Nhà nước phải tham gia thu hồi đất, nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): “Về giá đất, dự thảo bỏ khung giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng chưa làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hữu quan trong việc định giá đất. Hội đồng định giá đất cũng rất bất cập. Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu trong phiên giải trình thảo luận Luật Giá, nếu Quốc hội giao cho ngành tài chính định giá, thẩm định giá thì tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để tổ chức thực hiện. Theo tôi, giao cho Bộ Tài chính là hợp lý, thay vì như hiện nay giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Giá đất theo thị trường rất khó xác định. Nơi có giao dịch thì dễ, nếu không có giao dịch sẽ tính sau. Cẩn trọng định giá đất cho phù hợp sẽ không mất thời gian giải quyết khiếu nại của dân. Có đại biểu đề nghị có sự thỏa thuận của người dân với nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận được là tốt, nhưng không được thì dự án sao thực hiện được, vì vậy Nhà nước phải tham gia thu hồi đất, nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top