Aa

Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong việc “phá nát quy hoạch”

Thứ Tư, 29/05/2019 - 06:01

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể.

Trình chiếu video clip báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trước Quốc hội, ngày 27/5/2019. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Trình chiếu clip báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trước Quốc hội, ngày 27/5/2019. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Vấn đề bức xúc

Xuất phát từ sự quan tâm của cử tri đối với thực trạng phát triển nhanh chóng của các đô thị thời gian qua, Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát về nội dung đất đai đô thị. Đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ ngành, 12 địa phương, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn và khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại đô thị.

Kết quả giám sát cho thấy một vấn đề nhức nhối lâu nay, đó là việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng và thường diễn ra tại các tỉnh, thành phố lớn.

Đáng chú ý là việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.

Báo cáo giám sát chỉ rõ, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị như tại thành phố Hà Nội, tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80% trong khi thiếu liên kết về hạ tầng. Việc co cụm các dự án nhà ở cao tầng đã gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội; địa phương không dành đủ quỹ đất cho giao thông, khiến vấn đề ách tắc càng thêm trầm trọng.

Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tại hai thành phố này, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9% trong khi theo quy hoạch phải đạt 20 - 26% đối với đô thị trung tâm, 18 - 23% đối với đô thị vệ tinh, 16 - 20% cho các thị trấn. Tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (yêu cầu phải đạt 3 - 4%).

Trên cơ sở chỉ ra những bất cập, yếu kém, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 /2020).

Đặc biệt là Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở sản xuất, công nghiệp không cần thiết và gây ô nhiễm môi trường ra ngoài trung tâm các đô thị; bàn giao quỹ đất sau di dời trụ sở cho địa phương quản lý; ưu tiên sử dụng quỹ đất này để phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong đô thị.

Việc điều chỉnh quy hoạch, “phá nát quy hoạch” tại các thành phố lớn không phải là vấn đề mới, nhiều nhà lãnh đạo, chuyên gia đã từng lên tiếng về vấn đề này. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng chỉ ra một loạt bất cập trong quản lý quy hoạch và trật tự đô thị tại các thành phố lớn, trong đó có ví dụ về Khu đô thị Linh Đàm rơi vào cảnh “nuôi rồng thành giun” do quy hoạch bị thay đổi quá nhiều.

Là một chuyên gia về quy hoạch giàu kinh nghiệm, từng tham gia nhiều đồ án quy hoạch các đô thị lớn, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Trần Ngọc Chính cho biết, khi “vẽ” lên Hà Nội, TP.HCM trong bản đồ tương lai, những người làm chuyên môn đã xác định việc đầu tiên cần làm là di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô. Những khu đất phải giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, những khu đất này đã nhanh chóng biến thành những khu dân cư lớn, chất tải thêm vào hạ tầng đã vốn quá tải của đô thị.

Điểm qua những dự án đang gây bức xúc tại Hà Nội, ông Chính cho rằng, các công trình đó trái với lý thuyết đô thị, làm ngược với quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, ngược nguyên tắc không thể tiếp tục để thêm người di chuyển vào vùng đô thị lịch sử…

Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu “nổi tiếng” vì 1km

Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu “nổi tiếng” vì 1km "cõng" 40 toà chung cư cao tầng. Ảnh: Dân trí

Hay như trục hướng tâm của TP. Hà Nội là tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu từng rất thông thoáng trong những năm đầu vận hành, nhưng gần đây thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng. Dọc hai bên tuyến đường này, nhà cao tầng mọc lên dày đặc khiến mật độ dân cư đông, tạo áp lực khổng lồ mà hạ tầng giao thông không kịp đáp ứng.

Lo ngại “lợi ích nhóm”

Tại phiên thảo luận trên diễn đàn Quốc hội ngày 27/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương đã nêu hàng loạt bất cập trong việc quy hoạch, sử dụng đất đô thị. Theo đại biểu, có những khu vực quy hoạch rồi nhưng do sự chi phối của doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo địa phương làm cho quy hoạch thay đổi, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt câu hỏi, trong 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh đó có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo dự án của nhà đầu tư? Ông Nhân dẫn ra câu chuyện chủ trương di dời trường học, nhà máy, bệnh viện tại thủ đô Hà Nội để lấy quỹ đất xây dựng công trình công cộng, hạ tầng xã hội nhưng cuối cùng lại biến thành các dự án nhà ở cao tầng. Điển hình như Trường Y tế công cộng, 138B Giảng Võ trở thành tổ hợp thương mại văn phòng, căn hộ, nhà liền kề, biệt thự cao cấp.

Theo ông Nhân, thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch thì quy hoạch lại bị bẻ cong theo đề xuất của doanh nghiệp mà lý do là gì thì hẳn ai cũng có câu trả lời.

Thẳng thắn hơn, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng việc 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần là để phục vụ lợi ích nhóm. Đối tượng hưởng lợi ích là chủ đầu tư và những người có liên quan.

“Điều đáng lo ngại là dân cứ phản ảnh, báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng vẫn vào kiểm tra, nhưng việc điều chỉnh thì vẫn cứ diễn ra”, đại biểu nói.

Ùn tắc giao thông - một vấn nạn nhức nhối tại Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: TL

Ùn tắc giao thông - một vấn nạn nhức nhối tại Hà Nội và TP.HCM. Ảnh: TL

Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Duy Vượt đánh giá nhiều nơi còn tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết gây ra nhiều hệ lụy. Những quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm mật độ cây xanh. Điều đáng suy ngẫm là nhiều tỷ phú thâu tóm "đất vàng, đất kim cương" tại các khu đất đô thị cùng hàng ngàn héc-ta đất màu mỡ khác chờ thời. "Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, "sân trước sân sau" cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền?", đại biểu Đinh Duy Vượt nêu.

Theo đại biểu, cử tri kỳ vọng các trụ sở cũ, cơ quan đã di dời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, công trình công cộng, tiện ích chứ không phải nhìn thấy các tòa nhà chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó trơ trơ thách thức dư luận. Đại biểu đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lý trong quy hoạch đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng căn bệnh trên, kịp thời bịt lỗ hổng như kiến nghị của Đoàn giám sát.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top