Aa

Quý 3/2018: Doanh số smartphone toàn cầu sụt giảm 3%

Thứ Tư, 07/11/2018 - 09:30

Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, trong quý 3/2018 doanh số smartphone toàn cầu lần đầu tiên sụt giảm tới mức 3%. Cụ thể, số lượng smartphone xuất xưởng trên toàn thế giới quý vừa rồi giảm xuống chỉ còn 386.8 triệu chiếc.

Doanh số và thị phần smartphone trên toàn cầu Q3/2018. 
 

Sau khi tăng trưởng trung bình 16% trong vòng 5 năm qua, thị trường smartphone toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm với tổng mức giảm 1% trong năm nay. Rất nhiều nguyên nhân khiến thị trường smartphone không thể tiếp tục tăng trưởng. Ngoài Xiaomi và Huawei, tất cả các thương hiệu lớn khác như Samsung, Apple, LG đều sụt giảm doanh số hoặc tăng trưởng không đáng kể trong quý vừa rồi.

Tổng cộng, Samsung đã xuất xưởng được 72.3 triệu chiếc smartphone và đứng ở vị trí thứ nhất. Tuy nhiên, so với năm ngoái doanh số của gã khổng lồ Hàn Quốc đã giảm tới 13%. Với Apple vẫn duy trì sự tăng trưởng ở mức ổn định. Với Huawei, Xiaomi và HMD Global có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Đáng chú ý nhất là Huawei khi doanh số quý vừa rồi đạt tới 53 triệu chiếc, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Xiaomi bán được 33.7 triệu, tăng 25%. Doanh số toàn cầu của Nokia (thuộc HMD Global) tăng trưởng ấn tượng nhất, lên tới 71%.

Bình luận về sự suy giảm của thị trường smartphone, ông Tarun Pathak- Phó Giám đốc tại Counterpoint Research cho biết: “Đây là lần đầu tiên thị trường smartphone trên toàn cầu giảm liên tiếp trong ba quý. Nguyên nhân có thể là nhu cầu mua điện thoại giảm mạnh ở các thị trường như Trung Quốc, Mỹ và Tây Âu. Đồng thời, nguyên nhân còn ở việc thiếu sự đổi mới và cải tiến trong chất lượng xây dựng smartphone dẫn đến việc kéo dài chu trình thay thế điện thoại”.

Bên cạnh đó, ông Pathak còn nói thêm về sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thương hiệu Trung Quốc: “Mặc dù thị trường nội địa suy giảm, nhưng các thương hiệu Trung Quốc như OPPO, Vivo và Xiaomi vẫn đạt được mức cao trong việc bán ra những chiếc smartphone của một quý. Minh chứng là Huawei có thể duy trì hơn 50 triệu lô hàng smartphone và nắm được vị trí thứ 2 trong quý 3/2018. Điều này cho thấy các công ty sản xuất smartphone đang giảm sự phụ thuộc vào đất nước của họ. Và các thương hiệu muốn mở rộng thị trường sang các nước Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu".

Các thương hiệu Trung Quốc cũng đang thể hiện tốt hơn trên thị trường quốc tế so với thị trường trong nước. Đáng chú ý nhất chính là Xiaomi, trong khi tại Trung Quốc hãng này giảm 16% thì trên quốc tế họ lại đạt mức tăng trưởng lên tới 83%. Huawei thì tăng trưởng ở cả Trung Quốc và quốc tế với mức 13% và 60% tương ứng. Cả Vivo và OPPO cũng đều tăng trưởng ở cả hai thị trường nhưng với những con số khá khiêm tốn (1% và 12% cho OPPO, 4% và 14% cho Vivo).

Phân tích về xu hướng thị trường hiện nay, nhà nghiên cứu Shobhit Srivastava cho biết: “Sự tăng trưởng smartphone Trung Quốc ở các thị trường mới được sự trợ giúp từ những người dân ở đây, họ là những người chuộng điện thoại “nước nhà” và khi di cư sang nhiều nơi trên thế giới giúp mang lại doanh thu cho smartphone Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, phải kể đến các dịch vụ từ công ty OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) đã tăng cường tính cạnh tranh bằng cách cung cấp nhiều tính năng “hay ho” cho các smartphone bình dân. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng smartphone ở các thị trường khác, nơi mà các thương hiệu mới đang nỗ lực để duy trì chỗ đứng”.

Ông Srivastava còn nói thêm: “Các OEM của Trung Quốc đang thúc đẩy ASP (chỉ số giá bán trung bình của 1 chiếc điện thoại) ở các thị trường mới với mức giá dao động từ bình dân cho đến tầm trung, bằng cách cung cấp những thông số kĩ thuật tốt nhất với giá cả phải chăng. Những công ty OEM này đang nhắm mục tiêu đến những khách hàng không có khả năng để mua những chiếc smartphone cao cấp. Tuy nhiên, họ vẫn đang gặp khó khăn với bài toán thuyết phục người dùng đổi điện thoại mới trong thời gian ngắn”.

Khi nhìn vào các poster quảng cáo điện thoại Trung Quốc, sẽ bắt gặp các tính năng phổ biến như trí tuệ nhân tạo (AI), camera kép, màn hình tràn viền, cấu hình cao cùng bộ nhớ “khủng”. Đây là những quảng cáo “tinh tế” giúp công ty dễ dàng nâng giá một chiếc điện thoại lên sản phẩm tầm trung, đồng thời duy trì được doanh thu mặc dù số sản phẩm bán ra bị giảm lại. Trong tương lai sẽ còn xuất hiện thêm mạng 5G, giúp các nhà sản xuất kiếm thêm lợi nhuận từ mảng dịch vụ. Hứa hẹn mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho thị trường smartphone. 
Hoàng Anh/Theo Counterpointresearch

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top