Thông tư mới 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của TT 43/2016/TT-NHNN về quy định cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo đó, thay vì yêu cầu thắt chặt các khoản vay của công ty tài chính không được vượt quá 30% thì TT này đưa ra lộ trình dài hơi và cởi mở hơn. Năm 2021, tỷ lệ tổng dư nợ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp của một công ty tài chính là 70%, năm 2022 tối đa là 60%; năm 2023 tối đa là 50% và từ đầu năm 2024 là 30%.
Quy định này nếu áp dụng vào thực tế thì sẽ là tháo gỡ cho các công ty tài chính có tỷ trọng giải ngân tiền mặt lớn. Như FE Credit hiện đang là công ty tài chính có tỷ trọng cho vay tiền mặt lớn nhất trên thị trường hiện nay, ở mức 76%; 24% còn lại là dành cho các khoản cho vay mua xe, mua điện thoại và cho vay thẻ tín dụng. Thấp hơn là HDSaison (33%) và Mcredit (76%) có tỷ lệ cho vay tiền mặt thấp hơn nhưng vẫn khá cao.
TT 18/NHNN cũng mở ra cơ hội cho các công ty tài chính hoạt động tại vùng nông thôn với khoản vay trực tiếp lên đến 20 triệu đồng. Khoản vay nhỏ lẻ này sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen tại các vùng nông thôn.
Để bảo vệ người đi vay, TT này cũng bổ sung thêm các điều khoản như thu nợ khách hàng phải phù hợp đặc thù từng khách hàng, không được phép đe dọa khi thu hồi nợ, mỗi ngày chỉ được nhắc nợ không quá 5 lần, nhưng chỉ được nhắc nợ sau 7 giờ và không quá 21giờ trong ngày; cấm bên đòi nợ gửi thông tin khách hàng có nợ đến tổ chức hoặc cá nhân không có nghĩa vụ nợ và công ty tài chính phải bảo mật thông tin khách hàng vay vốn.
TT này ra đời tạo điều kiện cho người dân nhiều cơ hội vay vốn và đẩy lùi tín dụng đen. TT sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.