Aa

Quảng Nam: Quy hoạch 9.516ha hạ lưu sông Thu Bồn để phát triển đô thị

Thứ Sáu, 25/06/2021 - 06:30

Nhận thấy giá trị tiềm năng về dịch vụ du lịch và phát triển đô thị, tỉnh Quảng Nam đã đề xuất quy hoạch hai bờ hạ lưu sông Thu Bồn và phân khu xây dựng ven sông Trường Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề cương nhiệm vụ quy hoạch khu vực ven sông Thu Bồn và Trường Giang. Theo đó, vùng được quy hoạch dọc sông Thu Bồn trải dài từ cầu Cửa Đại đến cầu Giao Thủy thuộc địa phận huyện Duy Xuyên, huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Theo đề cương này, vùng hạ lưu sông Thu Bồn được quy hoạch có tổng diện tích 9.516ha, trong đó diện tích đất hai bên bờ sông và cồn bãi 6.945ha, diện tích mặt nước 2.571ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh kiểm tra quy hoạch phát triển đô thị ven sông Cổ Cò.

Việc đề xuất quy hoạch hai bờ hạ lưu sông Thu Bồn trong thời gian tới nhằm hướng đến việc phát triển dịch vụ du lịch và phát triển đô thị. Các kế hoạch sẽ được triển khai như: xác định các vùng kiến trúc cảnh quan, không gian cho các khu trung tâm, vùng giáp ranh, các tuyến đường chính, quảng trường, trung tâm giới thiệu, biểu diễn sản phẩm, làng nghề, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn; xác định khu vực cấm xây dựng và được phép xây dựng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thống nhất, đánh giá cao đề xuất quy hoạch ven sông Thu Bồn và Trường Giang; giao cho các đơn vị liên quan phải định hướng quản lý tổng hợp vùng bờ, từ đầu nguồn xuống biển; quy mô diện tích đề xuất phù hợp với định hướng, mục tiêu đề ra. Không chỉ đơn giản là quy hoạch cảnh quan vùng hạ lưu mà cần định hướng lớn hơn là xây dựng thương hiệu cho Quảng Nam.

Một dự án phát triển đô thị nằm ven sông Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Trong buổi báo cáo, tỉnh Quảng Nam cũng thông tin bước đầu về quy hoạch phân khu xây dựng ven sông Trường Giang. Cụ thể, khu xây dựng ven sông Trường Giang được chia thành 3 tiểu vùng.

Trong đó, vùng đầu tiên nằm trong đề xuất quy hoạch là vùng phía Bắc thuộc các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Khu vực này được xác định phát triển về nông nghiệp - du lịch. Thứ hai, vùng giữa sông Trường Giang (thuộc địa phận TP. Tam Kỳ) hướng tới phát triển đô thị xanh và an toàn về nước, làm nhiệm vụ chống ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ. Cuối cùng là vùng ở phía Nam sông Trường Giang (thuộc địa phận huyện Núi Thành) sẽ tập trung chủ yếu về phát triển công nghiệp.

UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý một số vấn đề về quy hoạch sông Trường Giang cần được đảm bảo khâu rà soát quy hoạch ven sông, kết nối với các quy hoạch phân khu, đảm bảo tính chỉnh thể của toàn dòng sông. Cầu bắc qua sông phải đảm bảo tính nghệ thuật, kiến trúc cảnh quan phục vụ giao thông và du lịch để đảm bảo điểm nhấn về công trình hạ tầng của sông này.

Sông Cổ Cò, tỉnh Quảng Nam.

Cùng ngày, tỉnh Quảng Nam cũng tiến hành rà soát lại quy hoạch, thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò và khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến TP. Hội An. Ven sông Cổ Cò đã được phê duyệt để phát triển các khu phức hợp, khu du lịch sinh thái ven sông đan xen các khu đô thị, khu ở mới, khu tái định cư. Bên cạnh đó, tuyến ven sông Cổ Cò sẽ quy hoạch cảnh quan chuỗi công viên và vệt cây xanh ven sông, xây dựng tuyến đi bộ.

Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 1.000km sông ngòi tự nhiên với 11 sông chính. Vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch nhiều con sông trên địa bàn để vừa góp phần phát triển đô thị vừa phục vụ du lịch.

Sông Thu Bồn và sông Trường Giang là 2 con sông lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giúp cho các vùng hai bên sông phát triển về kinh tế và du lịch trong nhiều năm qua.

Là một trong những sông nội địa có lưu vực lớn nhất Việt Nam, sông Thu Bồn thuộc vùng có vị trí, điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, nền văn hóa đa dạng, phong phú. Sông Thu Bồn có diện tích lưu vực rộng 10.350km2, vùng hạ lưu sông Thu Bồn thuộc địa phận các huyện Duy Xuyên, huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP. Hội An.

Sông Trường Giang chảy qua địa bàn các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Đây là dòng sông tĩnh, mực nước thủy triều đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy; cao độ mực nước tương đối ổn định, không có tác động nghiêm trọng của mưa trực tiếp; cảnh quan sông nước đa dạng và phong phú, phù hợp phát triển đô thị - đô thị du lịch sinh thái./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top