Aa

Quy hoạch "chồng" quy hoạch, chung cư người sống giữa người chết

Thứ Ba, 22/11/2016 - 02:12

Nói về quy hoạch Thủ đô trong thời gian vừa qua, Đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần phải có sự rà soát lại về thẩm quyền quy hoạch trước tình trạng “quy hoạch chồng quy hoạch”, việc xây dựng vẫn chưa được đảm bảo, thậm chí chung cư người sống giữa người chết

Dự thảo Luật Quy hoạch được Chính phủ trình tại Kỳ họp Thứ 2, Quốc hội Khóa XIV đã thu hút sự tham gia của các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường sáng ngày 21/1.

Tình trạng "trăm hoa đua nở"

Mở đầu phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đã đề cập đến nhiều nội dung như sự cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia, công tác tư vấn lập quy hoạch, hồ sơ trình tự thẩm định quy hoạch…  

Theo Đại biểu này, Dự thảo Luật Quy hoạch cần quy định rõ việc công khai, minh bạch về thông tin để người dân được tham gia, giám sát quy hoạch. Theo đó, cần bổ sung thêm quy định các quy hoạch có liên quan nhiều đến cộng đồng dân cư cần được công bố công khai, rộng rãi để nhân dân biết, tại trụ sở UBND các cấp. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử phạt trường hợp không công khai hoặc thông tin không chính xác, đầy đủ về các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành luật này., Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, do chưa có quy hoạch đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng quy hoạch “trăm hoa đua nở” như thời gian qua".

Theo ông Thắng, Dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định về dự báo trong kế hoạch thực hiện.

"Trong quá trình thực hiện cần phải có hoạt động dự báo hàng năm. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm dự báo nhu cầu hàng năm, trả lời chất vấn về vấn đề này mới đây trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, Bộ có dự báo nhu cầu đào tạo hàng năm nhưng chưa được thực hiện tốt”, ông Thắng nói.

Về vấn đề phản biện trong lập quy hoạch, Đại biểu này cho rằng: “Mọi quy hoạch từ cấp tỉnh trở lên đều phải có hội đồng thẩm định, cơ quan lập quy hoạch hoàn chỉnh quy hoạch, trên cơ sở kết luận của hội đồng thẩm định rồi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Cả cơ quan lập quy hoạch và cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đều phải lấy ý kiến hoặc tham vấn ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau. Tôi nhấn mạnh đến ý kiến tham luận, phản biện phải độc lập và tham vấn ý kiến của nhiều thành phần khác nhau, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật”.

Quy hoạch chồng quy hoạch

Đại biểu Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần phải có sự rà soát lại về thẩm quyền quy hoạch trước tình trạng “quy hoạch chồng quy hoạch” như hiện nay. Nhìn vào thực tế, quy hoạch tồn tại bao năm qua mà vẫn chưa có được các trật tự nhằm đảm bảo tính khoa học và khả thi đồng bộ trong thực tiễn. "Tôi cho rằng, đối với quy hoạch tổng thể của Quốc gia thì cần có một cơ quan cao nhất xem xét phê chuẩn. Điều này cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.

ĐB Nguyễn Chiến, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. ảnh: An ninh Thủ đô

ĐB Nguyễn Chiến, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. ảnh: An ninh Thủ đô

Với thành phố lớn như Hà Nội đã có Luật Thủ đô thì vấn đề đặt ra là Luật Quy hoạch này cũng phải xem xét đến quy định đặc thù của địa phương để có sự sửa đổi điều chỉnh các dự thảo nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật Thủ đô đối với Luật Quy hoạch". 

Nói về quy hoạch Thủ đô trong thời gian vừa qua, ĐB Nguyễn Chiến đánh giá, do Hà Nội sáp nhập với Hà Tây nên đã tạo ra quy mô lớn, đòi hỏi chúng ta có sự rà soát tổng thể. Các cơ quan ban ngành thành phố Hà Nội đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn có sự chồng chéo, “quy hoạch chồng quy hoạch” thậm chí chưa đảm bảo quy định pháp luật.

“Thực tế hiện nay, có những khu chung cư xây dựng mặc dù dân đến ở được một phần thì gây ùn tắc giao thông, cơ sở hạ tầng bất cập, khu vui chơi, an sinh xã hội chưa đáp ứng được, hay chung cư người sống giữa người chết... thì những vấn đề đó chưa được bảo đảm”, ĐB Nguyễn Chiến nêu ví dụ.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương – đoàn Tây Ninh kiến nghị, hoạt động quy hoạch có 3 nhóm hoạt động cần được phân định rõ: nhóm thứ nhất, hoạt động thực hiện chức năng của hệ thống, bảo đảm sự tồn tại của hệ thống. Nhóm thứ hai, cần xây dựng phần vật chất của hệ thống – hoạt động mang tính nền tảng của hệ thống. Nhóm thứ 3 là sử dụng tài nguyên đầu vào và xử lý chất thải đầu ra của hệ thống.  

Trên cơ sở đó, đại biểu Phương kiến nghị, cần quy hoạch hướng cho hoạt động kinh tế bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Hai là quy hoạch xây dựng, định hướng cho hoạt động xây dựng, kết cấu hạ tầng và không gian đô thị. Ba là quy hoạch sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, điều chỉnh quy hoạch cũng cần quy định cụ thể thời gian điều chỉnh kể từ khi phê duyệt quy hoạch hoặc xong mỗi lần điều chỉnh liền kề cho điều chỉnh chung quy hoạch và cho điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhằm tránh sự tùy tiện trong việc điều chỉnh quy hoạch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top