Aa

Quy hoạch chung Thủ đô cần giải bài toán phát triển đô thị vệ tinh

Thứ Bảy, 14/07/2018 - 14:00

Quy hoạch chung Thủ đô cần giải bài toán phát triển đô thị vệ tinh; Hàng loạt sai phạm tại các khu "đất vàng" ở Cần Thơ; Sắc xanh phủ kín 3 sàn trong phiên giao dịch “thứ 6 ngày 13”; Thị trường chung cư Hà Nội chững lại, có gì đáng lo ngại?;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Quy hoạch chung Thủ đô cần giải bài toán phát triển đô thị vệ tinh

Hà Nội là đô thị lớn của Việt Nam và thể hiện rõ nhất mô hình đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, để thúc đẩy Thủ đô và các đô thị trong vùng phát triển xứng tầm khu vực, không phải chuyện đơn giản.

Theo nhận định của giới chuyên gia, vấn đề kết nối đầu tiên giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Hà Nội và cũng là vấn đề mang tính then chốt, tác động đến các yếu tố khác, đó chính là kết nối về giao thông liên vùng.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS.KTS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - Nông thôn Quốc gia (VIUP) cho rằng, hệ thống giao thông vận tải kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và các đô thị trong vùng Thủ đô đã được xác định trong Quy hoạch Chung xây dựng Hà Nội, cũng như trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô. Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững, nhằm tạo tiền đề cho phát triển cả đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh và các đô thị trong Vùng Thủ đô.

Hệ thống giao thông phải đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng đa phương thức (đường bộ, sắt...) kết nối giữa đô thị trung tâm với đô thị khác cũng như kết nối giữa các đô thị vệ tinh với nhau.

Xem chi tiết tại đây

Hạ tầng giao thông là vấn đề mang tính then chốt để tạo nên liên kết vùng. (Ảnh minh họa, Dũng Minh)

Hạ tầng giao thông là vấn đề mang tính then chốt để tạo nên liên kết vùng. (Ảnh minh họa, Dũng Minh)

Sắc xanh phủ kín 3 sàn trong phiên giao dịch “thứ 6 ngày 13”

Phiên giao dịch “thứ 6 ngày 13” khép lại với những diễn biến hết sức tích cực khi sắc xanh trở lại trên cả ba sàn.

Đóng cửa phiên giao dịch, Vn-Index tăng 11,21 điểm (1,25%) lên 909,72 điểm. Toàn sàn có 205 mã tăng, 70 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,08 điểm (2,07%) lên 102,51 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 77 mã giảm và 59 mã đứng giá. Upcom-Index tăng 0,45 điểm (0,91%) lên 49,27 điểm.

Như vậy, thị trường tiếp tục có một phiên hồi phục nữa khi các chỉ số chính đều duy trì được mức tăng điểm mạnh nhờ vào lực đẩy của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các cổ phiếu ngân hàng vẫn làm khá tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường. Các mã như ACB, CTG, MBB, VCB và VPB đều tăng giá trên 3%.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như VCS, SSI, ROS, MSN, HPG, BVH… đều duy trì được mức tăng giá mạnh. Trong đó, ROS bất ngờ được kéo lên mức giá trần, VCS tăng 9,7% lên 92.500 đồng/CP, HPG tăng 5,5% lên 35.600 đồng/CP. Hôm nay là ngày 606,8 triệu cổ phiếu HPG trong đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 40% về tài khoản nhà đầu tư.

Xem chi tiết tại đây

Thị trường chung cư Hà Nội chững lại, có gì đáng lo ngại?

Theo ghi nhận của của Savills Việt Nam, trong quý II/2018 lượng cung căn hộ đạt khoảng 9.700 căn hộ tăng 77% so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường đạt 28.000 căn, tăng 17% so với quý trước và 14% so với cùng kỳ năm trước. 5 quận dẫn đầu về nguồn cung căn hộ gồm: Từ Liêm (6.000 căn) Hà Đông (4.400 căn) Hoàng Mai và Thanh Xuân (3.500 căn/quận), Tây Hồ (2.500 căn). Ở phía đông, đáng chú ý có dự án HomeLand (quận Long Biên) với nguồn cung khoảng 1.200 căn.

Tỷ lệ hấp thụ cho căn hộ để bán đang đạt 27%. Lượng căn bán được trong quý II tăng hơn so với quý trước là 7.500 căn tương đương với 31%. Cụ thể, những dự án bán được, loại căn hộ có giá 50.000 – 100.000 USD/căn chiếm khoảng 47%, loại căn hộ có giá 100.000 – 150.000 USD/căn chiếm khoảng 37%. Về diện tích, diện tích bán tốt nhất là từ 60 – 75m2.

Đơn cử khu vực Bắc, Nam Từ Liêm đang dẫn đầu thị trường tại Hà Nội với nguồn cung khoảng 6.000 căn, trong đó những dự án có giá khoảng 27-35tr/m2. Khu vực Hà Đông cũng đóng góp khoảng 4.000 căn chủ yếu với giá khoảng 18-22tr/m2. Tuy nhiên, đánh giá chung thị trường đang bán chậm, lượng tồn đọng đang còn nhiều.

Xem chi tiết tại đây

Hàng loạt sai phạm tại các khu "đất vàng" ở Cần Thơ

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về hàng loạt sai phạm tại các “khu đất vàng” ở Cần Thơ. Trong số này, nhiều khu đất không thông qua đấu giá, hoặc bán đấu giá với “giá bèo”…

Theo kết luận, từ năm 2007 đến 2017, TP.Cần Thơ đã cho thuê 489 vị trí đất (tổng diện tích 1.536,51 ha) và giao 1.268 vị trí đất (tổng diện tích 2.803,494 ha). Trong số này, nhiều dự án đã thực hiện giao đất, thuê đất không đúng quy định.

Khu đất 8.181,6m2 tại số 78 đường Nguyễn Trãi (quận Ninh Kiều), trước đây do TP quản lý và cho Cty TNHH MTV Nông súc sản XNK Cần Thơ thuê. Sau đó, TP thu hồi bán đấu giá quyền thuê đất, trả tiền hàng năm, thời gian thuê 50 năm. Đơn vị trúng đấu giá là Cty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam. Việc làm này được xác định trái quy định thay vì cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Đặc biệt, UBND TP. Cần Thơ giảm 30% giá trị mật độ xây dựng công trình không đúng quy định, gây ra chênh lệch so với giá khởi điểm trước khi đấu giá gần 100 tỉ đồng.

Xem chi tiết tại đây

PGS.TS Trần Chủng: “Bệnh tình” nhà tái định cư đang “di căn” sang giai đoạn cuối

Nhà tái định cư (TĐC) thực tế là mô hình đem lại nhiều lợi ích và được xem như một dạng tạm cư ngắn hạn. Song với cách làm và quản lý trong thời gian vừa qua khiến nhiều dự án bỏ hoang gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, có thể coi mô hình này thực sự thất bại. Phóng viên Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) về vấn đề này.

Theo PGS.TS Trần Chủng, để mô hình TĐC có hiệu quả, cần xây dựng chính sách thống nhất và tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là để người dân có quyền lựa chọn hàng hóa mà họ có thể mua được tùy thuộc khả năng tài chính của họ. Nhà nước cần tạo được môi trường để huy động nhiều nhà đầu tư tham gia tạo lập các sản phẩm hàng hóa để người dân có nhiều lựa chọn. Nên dừng việc làm nhà TĐC từ ngân sách Nhà nước bởi nó đã, đang và sẽ có quá nhiều khuyết tật.

Sự hy sinh của người dân khi phải rời bỏ nơi đang sinh sống để nhường đất đai cho các dự án phát triển đất nước là một nghĩa cử cao đẹp, rất đáng trân trọng. Chấp nhận làm lại cuộc sống tại nơi ở mới là phải chấp nhận những thay đổi về phương thức và văn hoá cộng đồng. Từ nếp sống “một mình một nhà” sang các khu “chung cư”, cần có văn hóa “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Các tài sản công cộng như: Thang máy, hành lang, sân vườn… đến sự bền vững của tòa nhà đều phải coi là “của mình” chứ không thể là “của người khác”.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top