Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao và du lịch sinh thái. Xây dựng đồng bộ các chức năng thương mại, du lịch; văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí tổng hợp; các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp; phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, thiên nhiên, môi trường sinh thái... để thu hút và phát triển du lịch.
Theo đó, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen nằm trên địa bàn phường Ninh Sơn, phường Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân thuộc thành phố Tây Ninh và một phần của xã Phan thuộc huyện Dương Minh Châu. Quy mô lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen là 3.000 ha.
Yêu cầu nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, dân số, lao động, văn hóa, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, những yếu tố đặc thù khác.
Bên cạnh đó, đánh giá hiện trạng, các yêu cầu về điều kiện hạ tầng, dịch vụ, tài nguyên tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch; các tồn tại, bất cập trong quản lý và phát triển du lịch hiện nay; vấn đề về bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích...; tình hình triển khai thực hiện quy hoạch, các dự án đã, đang thực hiện; xác định, làm rõ các định hướng trong quy hoạch ngành có liên quan.
Đồng thời, phân tích đánh giá hiện trạng phát triển dịch vụ du lịch, đánh giá tiềm năng và khả năng khai thác quỹ đất xây dựng du lịch đảm bảo hiệu quả. Đánh giá các yếu tố hạn chế, tác động, thách thức, động lực phát triển du lịch, nguyên nhân và các vấn đề tồn tại của Khu du lịch.
Phân tích đánh giá vị thế, mối quan hệ vùng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trong kết nối không gian với thành phố Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh Tây Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng Đông Nam Bộ. Xác định mục tiêu, động lực phát triển.
Về định hướng không gian, định hướng tổ chức các khu chức năng trên cơ sở lựa chọn đất xây dựng hợp lý; quản lý, khai thác rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng trong khu vực Núi Bà Đen phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu xem xét, rà soát, đánh giá để khai thác hợp lý các khu vực rừng đặc dụng kém hiệu quả vào mục đích phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Định hướng tổ chức kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, hệ thống quảng trường, khu vực cửa ngõ, công trình điểm nhấn của khu vực; đề xuất ý tưởng quy hoạch trên cơ sở nghiên cứu yếu tố văn hóa, lịch sử và tập quán địa phương.