Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?

Thứ Ba, 22/10/2024 - 13:00

Lời tòa soạn:

Những năm qua, các dự án công viên nghĩa trang được nhiều địa phương chú trọng đưa vào quy hoạch để thu hút đầu tư. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, định hướng quy hoạch, xây dựng các dự án công viên nghĩa trang tại các địa phương là chủ trương đúng đắn, tốt đẹp, cần được khuyến khích thực hiện.

Thực tế, thị trường bất động sản nghĩa trang đang có những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân địa phương và các vùng lân cận. Tuy nhiên, hiện tại, cũng có không ít dự án nghĩa trang nhiều năm không thể triển khai do nhiều nguyên nhân. Cá biệt, còn có dự án có thông tin phản ánh bán phần mộ, đất nghĩa trang dù chưa xây dựng.

Trên tinh thần tuyên truyền pháp luật và nghiên cứu, phản biện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) triển khai bài viết: "Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?". Nội dung bài viết nêu ra vấn đề bất cập trong quy hoạch dự án Bảo Lạc Viên tại xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 1.

Theo nghiên cứu của phóng viên Reatimes, ngày 13/11/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 770/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu công viên và Nghĩa trang cát táng tập trung tại xã Long Châu, huyện Yên Phong. Khu vực lập quy hoạch chi tiết Khu công viên và Khu nghĩa trang cát táng có tổng diện tích khoảng 117ha, trong đó Khu Nghĩa trang cát táng khoảng 25ha, Khu công viên khoảng 92ha.

Đến ngày 14/5/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp Quyết định chấp thuận Chủ trương đầu tư đồng thời Chấp thuận nhà đầu tư (lần đầu) cho Công ty Công viên tâm linh Bảo Lạc xây dựng dự án Khu nghĩa trang cát táng tập trung tại xã Long Châu (tên gọi khác là dự án Bảo Lạc Viên). Dự án Bảo Lạc Viên có quy mô 25ha, với vốn đầu tư chưa tới 403 tỷ đồng.

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 2.
Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 3.
Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 4.

Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công viên và Nghĩa trang cát táng tập trung tại xã Long Châu, huyện Yên Phong được đăng tải trên cổng thông tin Sở Xây dựng Bắc Ninh.

Quyết định Chủ trương đầu tư trên quy định, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành dự án: Hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường từ quý II/2021 đến quý IV/2021; Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện các thủ tục về đất đai từ quý I/2022 đến quý III/2022; Xây dựng các hạng mục công trình, lắp đặt thiết bị, tuyển dụng lao động từ quý IV/2022 đến quý II/2024; Hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng từ quý II/2024.

Tuy nhiên, đến nay, đã gần hết quý III/2024, dự án Bảo Lạc Viên không được hoàn thành đúng tiến độ đầu tư theo Quyết định chấp thuận Chủ trương đầu tư năm 2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ngoài việc thực hiện không đúng thời gian chủ trương đầu tư, dự án Bảo Lạc Viên còn không nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân. Bởi trong 25ha đất quy hoạch làm dự án Bảo Lạc Viên đa phần diện tích đất quy hoạch là đất trồng lúa, đang được người dân canh tác thường xuyên.

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 5.

Hiện trạng khu đất trồng lúa tại xã Long Châu được quy hoạch làm dự án Bảo Lạc Viên. (Ảnh: Trọng Hiếu chụp vào tháng 9/2024)

Mới đây, nhiều người dân xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã ký đơn tố cáo tập thể gửi tới các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ các thông tin liên quan tới dự án Bảo Lạc Viên. Đồng thời người dân cũng phản ánh nhà đầu tư (chủ đầu tư) dự án trên là Công ty cổ phần Công viên tâm linh Bảo Lạc đã bán đất mộ phần khi chưa thực hiện xây dựng theo đúng quy định tại Chủ trương đầu tư được cơ quan chức năng cấp.

Chia sẻ với phóng viên Reatimes, nhiều người dân xã Long Châu bày tỏ quan điểm không đồng thuận việc xây dựng dự án Bảo Lạc Viên. Ông Nguyễn Hữu Tiếu - một người dân xã Long Châu - cho biết, gia đình ông và nhiều người dân trong xã không đồng ý với việc thu hồi đất trồng lúa của người dân đang canh tác để xây dựng dự án nghĩa trang này. Bên cạnh đó, ông cũng phản ánh, việc tổ chức họp lấy ý kiến người dân trực tiếp bị thu hồi đất dự án cũng chưa minh bạch, rõ ràng.

Cũng theo ông Tiếu, đất được chọn để quy hoạch nghĩa trang Bảo Lạc Viên là đất 2 lúa (trồng 2 vụ 1 năm), người dân đang canh tác. Trong 25ha đất ruộng này, có diện tích đất đã có sổ đỏ, diện tích người dân thầu 30 năm.

"Năm 2023, cán bộ địa phương và một số người bên chủ đầu tư đã về họp với dân 2 lần thì cả 2 lần, nhiều người dân đều không đồng ý bán ruộng", ông Tiếu nói.

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 6.

Nhiều người dân xã Long Châu, huyện Yên Phong phản đối việc quy hoạch, đầu tư dự án nghĩa trang Bảo Lạc Viên trên đất trồng lúa. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Đồng quan điểm không đồng tình xây dựng dự án Bảo Lạc Viên, ông Nguyễn Văn Bình - người dân xã Long Châu - cũng cho rằng, việc thu hồi 25ha đất để làm nghĩa trang Bảo Lạc Viên cũng đồng nghĩa phần lớn người dân trong xã sẽ mất đất canh tác, không có việc làm, ảnh hưởng trực tiếp tới "miếng cơm manh áo". Hơn nữa, ông cho biết, chưa thấy địa phương có kế hoạch chuyển đổi công ăn việc làm cho người dân.

Ngoài ra, nhiều người dân trong xã Long Châu cũng cho rằng, họ không có nhu cầu xây thêm nghĩa trang mới. "Nghĩa trang trong xã vẫn còn thừa nhiều diện tích, chưa sử dụng hết. Do vậy, người dân trong xã Long Châu không có nhu cầu làm thêm nghĩa trang", ông Nguyễn Xuân Cỡn - một người dân xã Long Châu khẳng định.

Về phía nhà đầu tư thực hiện dự án Bảo Lạc Viên, ông Trần Đình Quân - Phụ trách kinh doanh của Công ty công viên tâm linh Bảo Lạc - cho biết, quá trình triển khai dự án đang bị kéo dài do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong suốt giai đoạn đầu triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó do kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt cho dự án trong năm 2023 là 12,69/25ha và mới đây công ty mới được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất bổ sung đủ 25ha. Đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân không đồng ý với phương án bồi thường được phê duyệt dẫn đến tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng.

Ông Quân cho biết, hiện tại, công ty đã phối hợp với các sở ban ngành tỉnh Bắc Ninh để thực hiện gia hạn Chủ trương đầu tư, ngay sau khi được gia hạn Chủ trương đầu tư và hoàn thành công tác GPMB, công ty cam kết sẽ tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra sớm hoàn thành đưa vào vận hành khai thác sử dụng.

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 7.

Mới đây, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 chiều 22/9/2024, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh với chủ đề "Bắc Ninh - Kinh Bắc, khởi sắc đầu tư", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Quyết định số 1589/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh.

Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trở lại quy hoạch dự án Bảo Lạc Viên, theo Quyết định số 770/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu công viên và Nghĩa trang cát táng tập trung tại xã Long Châu, huyện Yên Phong có tổng diện tích khoảng 117ha, trong đó Khu Nghĩa trang cát táng khoảng 25ha, Khu công viên khoảng 92ha.

Theo Đồ án quy hoạch chi tiết trên, khu công viên gồm khu công viên cây xanh đô thị kết hợp với các hồ nước lớn; khu đất công trình thể thao, vui chơi giải trí, công trình thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe phục vụ cho nhu cầu của nhân dân; khu đồi nhân tạo trồng cây xanh cách ly kết hợp với đường dạo nhằm hạn chế tầm nhìn từ khu công viên đến khu nghĩa trang.

Nghĩa trang cát táng (dự án Bảo Lạc Viên) gồm các khu mộ, lô mộ, dãy mộ được liên kết với nhau bằng các trục đường giao thông nội bộ; khu vực lưu tro cốt; công trình dịch vụ tâm linh, tưởng niệm, nhà tang lễ.

Còn theo Chủ trương đầu tư, mục tiêu của dự án Bảo Lạc Viên là đầu tư xây dựng khu nghĩa trang theo hình thức cát táng kết hợp vườn hoa cây xanh, được quy hoạch hiện đại, có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đồng bộ. Khu nghĩa trang này phục vụ nhân dân huyện Yên Phong nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung, không phục vụ các tỉnh thành khác.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, định hướng quy hoạch, xây dựng các dự án công viên nghĩa trang tại các địa phương là chủ trương đúng đắn, tốt đẹp, cần được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, hiện tại, cũng có không ít dự án nghĩa trang nhiều năm không thể triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ vấn đề làm quy hoạch thiếu minh bạch, không nhận được sự đồng thuận của người dân dẫn tới không thể giải phóng mặt bằng, khiếu kiện kéo dài…

Trao đổi với phóng viên Reatimes, chuyên gia quy hoạch - TS.KTS Ngô Doãn Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho biết, công tác quy hoạch nghĩa trang là một sự cần thiết, xóa bỏ những điểm tự phát, đúng hướng văn minh. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã quy hoạch, đầu tư xây dựng những dự án công viên nghĩa trang một cách bài bản, đồng bộ nhằm khắc phục những điểm yếu của nghĩa trang truyền thống và trở thành xu hướng mới của cuộc sống văn minh.

Theo TS.KTS Ngô Doãn Đức, khi làm quy hoạch nghĩa trang, đơn vị làm quy hoạch cần nghiên cứu kỹ, từng bước đưa thông tin ra xã hội và xin ý kiến người dân khu vực liên quan. Qua ý kiến người dân sẽ điều chỉnh, hài hòa.

"Bài toán quy hoạch đầu tư xây dựng nghĩa trang cần đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước (quyền lợi của người chết, trách nhiệm của xã hội). Bởi, một số công viên nghĩa trang được đầu tư xây dựng hiện đại, nhưng ở nông thôn, không phải ai cũng có tiền mua", KTS. Ngô Doãn Đức chia sẻ.

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 8.

Cũng theo TS.KTS Ngô Doãn Đức, trước kia ở đồng bằng, nông thôn, đất nghĩa trang thường được bố trí tự phát, chiếm đất ruộng đang canh tác trồng lúa. Nhưng hiện nay, nhiều dự án công viên nghĩa trang mới đều được lựa chọn quy hoạch tránh những khu vực đất trồng lúa, hướng đến xây dựng ở những vùng đất đồi núi có khả năng canh tác thấp.

Đối với dự án Bảo Lạc Viên tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh, TS.KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, trong những năm qua, nhiều diện tích đất trồng lúa của địa phương này càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho việc phát triển công nghiệp, đô thị. Vậy, tại sao lại quy hoạch dự án nghĩa trang này trên đất trồng lúa mà không lựa chọn vùng đất bán sơn địa, đồi núi, đất canh tác kém hiệu quả?

"Trước kia là do tự phát, nghĩa trang có thể "mọc" trên đất trồng lúa. Nhưng hiện nay, khi đã xây dựng quy hoạch cụ thể, cần lựa chọn những điểm vùng núi làm nghĩa trang, tiết kiệm đất trồng lúa, để người dân trồng trọt tạo ra lương thực", TS.KTS Ngô Doãn Đức nói.

Bắc Ninh đang hướng tới mục tiêu phát triển đến năm 2030, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó, huyện Yên Phong cũng trở thành một thành phố. Do đó, theo TS.KTS Ngô Doãn Đức, việc quy hoạch nghĩa trang Bảo Lạc Viên ở huyện Yên Phong là điều cần được suy xét kỹ càng.

"Đất trồng lúa tạo ra sản phẩm, lương thực là quý nhất. Như vậy, khi người dân vừa mất đất, vừa phải mua đất mộ phần giá cao, thì chắc chắn sẽ không nhận được đa số sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng nghĩa trang", TS. TKS. Ngô Doãn Đức nhìn nhận.

Quy hoạch đất trồng lúa làm nghĩa trang là không phù hợp?- Ảnh 9.

Cũng theo vị KTS này, cần phải nhìn quy hoạch một cách thấu đáo về quyền lợi và trách nhiệm từng người, đơn vị liên quan. Nếu doanh nghiệp dựa theo quy hoạch, "thấy bở mà xí phần", tính bán đất mộ phần là có lợi, nhưng khi bị người dân phản đối mạnh mẽ, dự án không triển khai được, doanh nghiệp cũng thiệt thòi.

"Tôi cho rằng, doanh nghiệp cũng cần lưu lý, không thiếu gì cách để kiếm lợi nhuận. Nếu chọn dự án đầu tư đúng chỗ, người dân sẽ hiểu, đồng tình. Nghĩa trang xây dựng trên một quả đồi, triền núi nào đó để làm cho đẹp thay vì lựa chọn một nơi đồng ruộng người dân đang trồng lúa thường xuyên", TS. KTS. Ngô Doãn Đức chia sẻ.

KTS. Ngô Doãn Đức cho rằng, để tránh xảy ra những quy hoạch không thuyết phục, không được sự đồng thuận của người dân, cơ quan lập quy hoạch cần công khai, minh bạch thông tin về dự án.

Theo nghiên cứu, khảo sát từ thực tế của phóng viên Reatimes cho thấy, với nhiều cải tiến vượt trội so với nghĩa trang truyền thống, vài năm trở lại đây, công viên tâm linh được chú trọng đầu tư và hiện diện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng (Hà Nội), Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), Thiên đức Vĩnh Hằng Viên (Phú Thọ), Vĩnh Hằng Long Thành (Đồng Nai), Sala Garden (Đồng Nai), Hương An Viên (Huế), Hoa viên nghĩa trang Bình Dương…

Điểm chung tạo ra sự thành công của những dự án công viên nghĩa trang trên không chỉ là sở hữu quy mô rộng lớn, có vị trí xa khu dân cư, kết nối giao thông thuận tiện mà còn được quy hoạch ở những vị trí đồi núi trập trùng. Bên cạnh đó, những dự án công viên tâm linh này đều có quy hoạch, pháp lý nên người mua sẽ tránh được viễn cảnh phải di dời mộ phần sau này.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa

Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch hành động triển khai, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch…

Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch; cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300.000 ha đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Đáng chú ý, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.

Đề nghị xử phạt nhà đầu tư dự án Bảo Lạc Viên 400-600 triệu đồng

UBND huyện Yên Phong vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Công viên tâm linh Bảo Lạc.

Theo đó, UBND huyện Yên Phong đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đối với Công ty Bảo Lạc với hành vi kinh doanh bất động sản khi sản phẩm không bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định. Mức xử phạt huyện Yên Phong đề xuất từ 400-600 triệu đồng.

Trước đó, Công ty công viên tâm linh Bảo Lạc đã ký hợp đồng bán đất mộ phần khi dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản tâm linh theo quy định.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top