Quy hoạch đô thị bị “băm nát“: Hàng triệu người dân Hà Nội khổ sở lội trong biển nước

Quy hoạch đô thị bị “băm nát“: Hàng triệu người dân Hà Nội khổ sở lội trong biển nước

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 30/05/2022 - 06:06

Sức ép từ việc phát triển và chỉnh trang đô thị qua mỗi năm đã khiến nội thành Hà Nội trở nên chật hẹp. Những khối bê tông cao tầng san sát nhau được mọc lên không chỉ “bóp nghẹt” khoảng xanh của thành phố mà còn hạn chế khả năng thoát nước sau mỗi cơn mưa, dẫn đến ngập lụt. 

Điều đáng ngạc nhiên là càng ở những khu đô thị mới thì tình trạng ngập lụt lại càng diễn ra thường xuyên. Ngay cả những khu vực nằm ven hồ điều hòa, khi mưa xuống, đường phố cũng “thành sông”. 

*****

 Hà Nội nhắc mãi một điệp khúc “cứ mưa là ngập”

Trận mưa lớn chiều ngày 29/5 khiến nhiều đoạn phố tại Hà Nội bị ngập nặng, hàng triệu người dân khổ sở lội trong biển nước. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao nhiều năm nay Hà Nội không thoát khỏi tình trạng cứ mưa là ngập?

Hiện nay, nhiều khu vực ở Hà Nội như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đang nổi lên những khu đô thị đáng sống với mức giá được cho là cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cư dân ở đây có thể di chuyển dễ dàng, nhất là những ngày mưa to gió lớn.

Chỉ cần một trận mưa kéo dài, nhiều tuyến phố tại đây đã bị nhấn chìm trong biển nước. Đơn cử như đợt mưa ngày 23/5 vừa qua. Nhìn từ trên cao, đường gom đại lộ Thăng Long nhiều nơi đã bị ngập sâu, rác hoà với nước mưa trôi lênh láng khắp mặt đường. Có nơi ngập 40 - 50cm khiến nhiều xe bị chết máy không di chuyển được, người dân phải xắn quần, bì bõm lội nước. 

Bên cạnh đường gom đại lộ Thăng Long, tuyến đường Lê Trọng Tấn đoạn từ lối rẽ vào khu đô thị Nam An Khánh đến cổng Khu vui chơi Thiên đường Bảo Sơn cũng ngập sâu kéo dài khoảng 300m khiến giao thông qua đây gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những người đi xe máy.

Anh Đặng Hoàng Sơn, một người dân di chuyển qua tuyến đường này mỗi ngày chia sẻ, cứ mỗi lần mưa lớn là xác định việc di chuyển từ nhà đến chỗ làm rất khó khăn. Quãng đường từ nhà đến chỗ làm ngày thường chỉ mất 20 phút di chuyển nhưng những ngày mưa ngập thì phải mất một tiếng hoặc hơn.

“Có lúc mưa to, nước ngập sâu hơn 60cm, hàng chục ô tô, xe máy bị chết máy la liệt ở đoạn đường này. Không hiểu việc cấp thoát nước ra sao, nhưng cứ kéo dài như vậy, đặc biệt là vào mùa mưa thì người dân sẽ rất khổ”, anh Hoàng Sơn bức xúc nói.

Anh Nguyễn Đình Việt Đức (29 tuổi, Ninh Bình) cũng bày tỏ: “Mình đã sống ở Hà Nội 7 năm và sống ở khu vực này 4 năm nhưng chưa có một mùa mưa nào mình thoát khỏi cảnh xắn quần, dắt xe đi làm. Mưa nhỏ thì ngập nhẹ nhưng cứ mưa lớn trong vài tiếng thôi cũng đủ nước dâng cao. 

Mà ngập không đã đành, ven đường gom đại lộ Thăng long rất nhiều bãi rác tự phát, mưa xuống nước dâng là rác nổi lềnh bềnh, rất mất vệ sinh”.

Mỗi trận mưa lớn, người dân Hà Nội lại bì bõm lội nước. Ảnh IT

Cứ ngỡ, đô thị càng phát triển, càng hiện đại, những câu chuyện ngập lụt sẽ không còn tiếp diễn, vậy mà tại Hà Nội, điều này đã trở thành một “điệp khúc” quen thuộc mỗi khi mùa mưa đến. Đặc biệt hơn, đây không phải là câu chuyện mới diễn ra một hai năm nay mà đã kéo dài từ năm này qua năm khác. Thậm chí, cùng với quá trình đô thị hoá, tỷ lệ ngập lụt tại Hà Nội ngày càng tăng cao. Vì vậy, nó đã trở thành nổi ám ảnh thường trực với người dân Thủ đô bởi mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, ảnh hưởng tới việc đảm bảo an toàn, vấn đề vệ sinh môi trường, thậm chí là sức khoẻ, tính mạng.

Đã có không ít hội thảo, hội nghị được diễn ra nhằm tìm lời giải cho bài toán khó này. Nhiều dự án với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng cũng được hình thành để xử lý ngập, tuy nhiên cậu chuyện ngập lụt tại Hà Nội gần như không thuyên giảm. 

Đơn cử như năm 2000, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD. Theo tiến độ, đến năm 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên phải đến cuối năm 2016 dự án mới đưa vào hoạt động. Dù vậy đến nay, khi mưa lớn nhiều con đường ở Hà Nội vẫn hoá thành sông như chưa hề có hệ thống tiêu thoát nước.

Đường gom Đại lộ thăng long ngập nặng chỉ sau vài giờ mưa lớn. (Ảnh IT)

Vì sao Hà Nội lại “nhạy cảm” với mưa?

Không thể phủ nhận tác động của biến đổi khí hậu khiến các cơn mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước từ khu vực trung tâm Hà Nội ra bên ngoài khó khăn hơn, thậm chí nước từ bên ngoài có thể tràn chảy vào phía trong, gây ngập lụt cục bộ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra tình trạng “cứ mưa là ngập” tại Thủ đô trong nhiều năm qua là do tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa trên địa bàn thành phố diễn ra quá nhanh, làm tăng diện tích không thấm nước, khả năng điều tiết tại chỗ bị thu hẹp, trong khi hệ thống thoát nước hiện hữu không theo kịp, dẫn đến quá tải. 

Điển hình như khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội nhiều năm trở lại đây phát triển quá nóng, hàng loạt dự án mọc lên như nấm dọc theo các tuyến đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông, Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu. Sự bê tông hóa ngày càng mạnh mẽ đang là một thách thức lớn cho việc tiêu thoát nước. Đặc biệt, khi những bất cập về hạ tầng chưa kịp được xử lý thì mật độ người dân ngày càng đông, tình trạng ngập úng được dự báo sẽ ngày càng nan giải.

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội nhìn nhận, nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy rõ hơn nguyên lý thoát nước là chảy tự nhiên, từ địa hình cao xuống địa hình thấp, từ Bắc xuống Nam, Hà Nội cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc mọc lên ngày càng nhiều các KCN, cùng các toà cao ốc ở những vùng vốn là đất thoát nước như khu hướng Minh Khai, nhà máy Dệt 8/3, các làng xóm, các kho tàng… đã khiến Hà Nội lấp dần những nơi để nước thấm. 

Quá trình đô thị hoá luôn gắn liền với quá trình bê tông hoá và tỷ lệ thuận với việc ngập hoá tại Thủ đô. Khi những khối bê tông mọc lên đồng nghĩa với những khoảng không, đất trống không còn nhiều. Khi mưa lớn với diễn biến kéo dài, nước không có chỗ để trú ẩn, hiển nhiên sẽ tích tụ và lênh láng trên những con đường. Vì vậy, mà ngày qua ngày, việc thiếu dần những diện tích thấm nước, Hà Nội sẽ xảy ra tình trạng ngập lụt liên miên. 

“Sống ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ, tôi cũng chứng kiến nhiều lần lụt lội, thậm chí là lụt ngay ở phố cổ. Có những lần năm 1977, 1978 ở quanh hồ Gươm, nước dâng cao ngập ngang bụng hàng tháng. Thế nhưng người Hà Nội hay lắm, mưa ngập thì làm ầm ĩ lên nhưng tạnh mưa là quên ngay, lại như không có vấn đề gì trong chuyện thoát nước, rồi lại chờ một trận lụt tiếp theo như một điệp khúc cứ lặp đi lặp lại”, KTS Trần Huy Ánh cho biết .

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội KTS Hà Nội 

Ngoài ra, theo KTS Trần Huy Ánh, khi tiếp quản Hà Nội, về quy hoạch thoát nước, cơ bản là trình độ hiểu biết về đô thị của các trường đại học, viện nghiên cứu, viện quy hoạch, và thậm chí cả các cơ quan của Bộ Xây dựng đang hạn chế, không hiểu được sơ đồ gốc của người Pháp, thiếu đi nền tảng về đo đạc bản đồ, tư duy theo lối “chắp vá”, chưa có tính hệ thống. Vì vậy, dù có nhiều công trình thoát nước của Thủ đô được xây dựng, tình trạng ngập lụt vẫn không được giải quyết. 

Chưa kể, câu chuyện ao hồ bị “bức tử” cũng là một vấn đề khiến tình trạng ngập lụt ở Thủ đô diễn biến ngày càng phức tạp. 

“Ở Hà Nội, chuyện ao hồ bị “bức tử” không hề hiếm gặp. Lấp hồ tự nhiên, xoá đi một lá phổi xanh để phân lô bán nền rồi xây lên những toà cao tầng tưởng là thông minh nhưng thực chất là đang tự hại mình, phá vỡ quy hoạch. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều tuyến đường Hà Nội luôn rơi vào tình trạng ngập sâu sau mỗi đợt mưa”, KTS. Trần Huy Ánh chia sẻ.

Tại một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới.

Riêng năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ). Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất (trên 30 hồ), nhưng chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã có 4 hồ bị san lấp. Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể, quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Hồ Tây trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ còn 460ha. Như vậy, từ 2.100ha mặt nước, giờ chỉ còn 1.165ha, tức là Thủ đô đã xoá sổ gần một nửa diện tích mặt nước.

Bên cạnh việc bê tông hoá, "bức tử" ao hồ, theo các chuyên gia, việc chủ đầu tư chỉ quan tâm xây dựng dự án nhà ở để bán mà lơ là việc xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có yếu tố hạ tầng cấp thoát nước là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ngập lụt vào mỗi mùa mưa trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng là biểu hiện của lối quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tổng thể trong việc phát triển đô thị nhiều năm nay.

Đơn cử như khu vực phía Tây, Tây Nam của thành phố, trước đây là các hồ ao, ruộng lúa, không có cốt nền chuẩn, không có hệ thống thoát nước hiện đại mà chủ yếu là hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi cũ, thông qua các kênh mương. Thế nhưng, khi các khu đô thị mới ở đây được mọc lên, việc xây dựng hệ thống thoát nước vẫn không coi trọng, không có hồ điều hòa để khắc phục những nhược điểm này, dẫn đến ngập úng ngày càng nghiêm trọng.

Trả lời tại buổi giao ban Thành ủy, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội cho biết, các khu phố mới mở bị ngập đều nằm trong lưu vực hệ thống thoát nước chưa được cải tạo. Chẳng hạn như các khu đô thị Văn Quán, Dương Nội, Văn Phú tại quận Hà Đông, thuộc lưu vực Hữu Nhuệ.

Theo ông Võ Tiến Hùng, sau khi đi kiểm tra các khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông, đặc biệt các khu đô thị từng bị ngập nặng trong thời gian gần đây, công ty đã phát hiện một số khu đô thị chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của thành phố, trong khi đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Khi phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét các phương án đấu nối hạ tầng. Để được phê duyệt thì phải có thỏa thuận đấu nối cấp thoát nước, điện, viễn thông.

Có thể thấy, bằng nhiều lý do, chính con người đang biến Hà Nội trở nên xấu xí hơn trong mắt du khách và trong chính suy nghĩ của người dân Thủ đô. Câu chuyện quy hoạch nham nhở, chắp vá, thiếu tổng thể, bền vững không được giải quyết, hình ảnh biển nước giữa lòng thành phố sẽ còn tiếp diễn theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. 

Cần quy hoạch tổng thể, bỏ lối tư duy “chắp vá”

Về các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tình trạng ngập úng ở các đô thị, trong đó có Hà Nội, cũng đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và quốc tế đề xuất. 

Theo đó, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch chung đô thị, trong đó có quy hoạch thoát nước với cái nhìn và tư duy “thuận thiên” hơn, cần quan tâm hơn tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, các không gian lớn như lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp... là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tống thể, lâu dài, bền vững. Coi đây là các khu vực hạn chế phát triển đô thị, xây dựng. Đổi lại, đây sẽ trở thành các khu vực sinh thái, cảnh quan… tạo dựng thêm lá phổi xanh cho đô thị Hà Nội.

Ngoài ra, cũng cần rà soát lại quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước trên cơ sở khoa học, thực tiễn và tính khả thi, gắn với quy hoạch chung đô thị Hà Nội đã điều chỉnh theo giải pháp nói trên. Việc đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng mới hệ thống thoát nước phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, quy trình, chất lượng theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, cần hạn chế tới mức tối đa tỷ lệ bê tông hóa trong đô thị, tăng cường độ thẩm thấu, thoát nước tự nhiên trên bề mặt đô thị bằng các giải pháp như tăng độ che phủ thảm cỏ, vườn hoa, công viên, cây xanh. Loại bỏ giải pháp san lấp ao, hồ, cống hóa để phát triển, mở đường đô thị. Dừng phát triển các khu đô thị mới một cách tràn lan khi hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp hoặc không có khả năng đáp ứng.

"Những vấn đề đô thị Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới đã trải qua. Đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần.

Có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên hiệu quả trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm", KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận. 

Tuy nhiên, để làm được những điều trên, ông Ánh cho rằng, trước hết phải tách được nguồn nước thải ra khỏi nước mưa chảy tràn. Đối với nước thải của thành phố, cần có giải pháp khu trú từng vùng để xử lý làm sạch ngay tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm chứ không nên làm tập trung ở quy mô toàn thành phố vừa tốn kém xây dựng/vận hành và ẩn chứa quá nhiều rủi ro về ngập lụt cũng như ô nhiễm nước.

Đối với khu vực ven trung tâm, đô thị mới, khi đẩy mạnh xây dựng đồng nghĩa với triệt tiêu vùng xốp để thẩm thấu nước khi mưa, nên cần đảm bảo nguyên tắc bù lại bằng cách duy trì công viên, sân vận động, hồ điều hòa đúng chỉ tiêu kỹ thuật, nâng khả năng tự thẩm thấu nước khi mưa.

Cần quy hoạch đô thị đồng bộ, không "bức tử" các công viên, hồ điều hoà.  Ảnh minh hoạ

“Nếu có thể, cần phát triển những không gian trống diện tích lớn mang tính dự phòng ứng phó với những tình huống thiên tai. Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì thoát nước theo nguyên tắc tự chảy như hiện nay, cũng cần chú trọng xây dựng các trạm bơm thoát nước cưỡng bức ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… để rút ngắn quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối nguồn thoát nước tiêu úng nhanh hơn.

Ngoài ra, đối với từng khu vực cụ thể trong thành phố, cũng cần có thêm các giải pháp cục bộ chống ngập. Cần quy hoạch nhiều điểm trạm bơm thoát nước, giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như "ắc quy nước" có tác dụng giảm áp lực của mưa lượng lớn, nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành và tận dụng nước mưa. Đặc biệt, để có nguồn đầu tư xây dựng các dự án thoát ngập, Hà Nội nên đẩy mạnh xã hội hóa”, KTS Trần Huy Ánh đề xuất.

Chia sẻ với báo chí, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, để giải quyết bài toán ngập lụt, bên cạnh rà soát, nâng cao chất lượng hệ thống cấp thoát nước, cần những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa, ví như xã hội hóa cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng để đổi lấy một số quyền lợi nhất định nhằm nhanh chóng có thêm các nguồn vốn đề đầu tư cho hệ thống thoát nước.

Đồng thời quy hoạch các vị trí, bố trí những không gian thích hợp, cần thiết để xây dựng các hồ điều hòa, tăng cường năng lực các trạm bơm đầu mối. Ứng dụng các phần mềm mô phỏng về hệ thống thủy văn của đô thị, cho phép mô phỏng, theo dõi các số liệu về mực nước ở trong các cống, hồ điều hòa, ở các công trình đầu mối.

Theo ông Chính, Hà Nội đang phải đứng trước rất nhiều thách thức mới, không chỉ mưa ngập mà còn khô hạn, thiếu đường sá, cây xanh, không gian mặt nước...

“Như vậy, có nghĩa Hà Nội cần một tầm nhìn mới “tinh” hơn, chính xác hơn, thực tế hơn hay nói cách khác Hà Nội cần có một bản quy hoạch mới chứ không thể chắp vá, dựa vào bản quy hoạch tổng thể cũ”, ông Chính khẳng định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top