Aa

Quy hoạch đô thị khoa học tạo động lực phát triển nền kinh tế tri thức

Thuý Quỳnh
Thuý Quỳnh quynhbui.reatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 14/01/2023 - 06:30

Thành phố khoa học có vai trò là trung tâm nghiên cứu và đổi mới khoa học công nghệ. Quy hoạch và phát triển thành phố khoa học đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, trường đại học và doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học. Tuy nhiên, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, cơ chế đầu tư, xây dựng, quản lý khu đô thị khoa học vẫn chưa hình thành. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung xây dựng khu đô thị khoa học vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Thực tế cho đến nay, Việt Nam chưa có nhiều khu đô thị khoa học được quy hoạch tập trung, phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, kinh doanh sản phẩm khoa học công nghệ cao. Gần đây mới có Đề án phát triển "Khu đô thị Khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035" được tỉnh Bình Định triển khai. 

đô thị khoa học, thành phố khoa học, quy hoạch đô thị, thung lũng silicon, thành phố khoa học trương giang
Khu đô thị Khoa học Quy Hòa là đề án phát triển nhằm đưa Quy Nhơn trở thành khu đô thị đa chức năng đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Sở Xây dựng Bình Định)

Trong khi đó, mô hình đô thị khoa học, công viên khoa học đã được nhiều nước trên thế giới xây dựng và phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Vai trò của đô thị khoa học trong nền kinh tế tri thức

Theo IGI Global, đô thị khoa học (science city) là khu vực định cư đô thị được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển (hạ tầng độc lập hoặc hạ tầng liên kết với các thành phố lân cận), các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cũng như các cơ sở công nghiệp. Nơi đây cũng được xem như một tổ hợp khoa học công nghệ lớn của khu vực và quốc gia. 

Một thuật ngữ khác tương tự như đô thị khoa học nhưng có phần phổ biến hơn là công viên khoa học (science park). Công viên khoa học là khu vực được quy hoạch dành riêng cho các doanh nghiệp, tổ chức, trung tâm nghiên cứu các lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm tăng cường chia sẻ và chuyển giao tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng khả năng cạnh tranh thông qua liên kết. 

Đô thị khoa học hay công viên khoa học tuy có sự khác biệt về quy mô, nhưng đều là những khu vực được quy hoạch và quản lý dành riêng cho hoạt động nghiên cứu, trao đổi, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ tân tiến, phát triển các sáng kiến khoa học mới. Không chỉ được đầu tư về hạ tầng kỹ thuật như giao thông, văn phòng, nhà xưởng, các công ty, tổ chức tại thành phố khoa học còn nhận được ưu đãi về vốn đầu tư, công cụ tài chính hay tiếp cận nguồn nhân lực dồi dào. Thế kỷ XXI cũng đã chứng kiến sự ra đời của một thế hệ công viên khoa học mới với cơ sở hạ tầng "mềm" để chuyển giao và chia sẻ tri thức mạnh mẽ hơn giữa các chủ thể, từ đó mở rộng không gian đổi mới sang trạng thái ảo mà không cần phụ thuộc vào hạ tầng vật lý.

Ở các nước phương Tây, mô hình đô thị khoa học có điều kiện phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về công nghệ của các quốc gia, đồng thời cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều sáng kiến khoa học có khả năng tạo ra bước ngoặt trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể kể đến những công viên, thành phố khoa học tiêu biểu như Thung lũng Silicon tại Nam California, Hoa Kỳ - nơi tập trung những "ông lớn" công nghệ hàng đầu như Meta, Google, Apple, Logitech... Bên cạnh sự có mặt của các doanh nghiệp, nơi đây cũng là khu vực tập trung những trường đại học đào tạo về khoa học kỹ thuật hàng đầu, trong đó có Đại học Stanford - biến Thung lũng Silicon trở thành hình mẫu lý tưởng cho sự kết hợp giữa học thuật và thương mại công nghệ. 

đô thị khoa học, thành phố khoa học, quy hoạch đô thị, thung lũng silicon, thành phố khoa học trương giang
Thung lũng Silicon là điểm đến của hàng nghìn công ty công nghệ và lao động trí thức trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: CEO Today) 

Tại châu Á, thành phố Bangalore cũng được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ, là 1 trong 18 thành phố sáng tạo nhất thế giới do Business Insider bình chọn. Doanh thu từ công nghệ của thành phố này ước tính đạt 17 tỷ USD/năm với số lượng lao động công nghệ chiếm trên 40% tổng số lao động công nghệ toàn quốc. 

đô thị khoa học, thành phố khoa học, quy hoạch đô thị, thung lũng silicon, thành phố khoa học trương giang
Thành phố Bangalore (hay Bengaluru) được coi là trung tâm khoa học của Ấn Độ. (Ảnh: Lonely Planet) 

Những khu vực như đô thị khoa học hay công viên khoa học không chỉ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung mà còn tạo điều kiện cho các công ty công nghệ mới phát triển sản phẩm và hoạt động kinh doanh.

Về cơ bản, đầu tư cho khoa học công nghệ là hoạt động có tính chiến lược nhằm tăng cường nội lực và khả năng cạnh tranh trong thị trường quốc tế của một quốc gia. Khoa học công nghệ tiên tiến giúp rút ngắn thời gian lao động, giải phóng con người bằng máy móc, tăng năng suất, giảm chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm, giúp cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm khác. Khoa học công nghệ còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực từ công nghiệp cơ khí thủ công, tiêu hao nhiều nhiên, nguyên liệu sản xuất sang công nghiệp điện tử hiện đại, giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP. Nhìn chung, khoa học phát triển là động lực tăng trưởng của kinh tế tri thức. 

Trên thực tế, những thành phố khoa học được quy hoạch tập trung có khả năng thu hút số lượng lớn các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thành phố khoa học còn là "mảnh đất màu mỡ" để các công ty khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh và nhóm người lao động tri thức, có trình độ chuyên môn cao tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực.

Đơn cử như Thành phố Khoa học Trương Giang - được phê duyệt quy hoạch vào năm 2017, hình thành từ Khu công nghệ khoa học Trương Giang, gần đây nổi lên như một điểm đến đầu tư, kinh doanh công nghệ hấp dẫn tại khu Phố Đông, TP. Thượng Hải, Trung Quốc. Thành phố Khoa học Trương Giang hiện là trụ sở của hơn 18.000 doanh nghiệp, 53 trụ sở khu vực của các tập đoàn đa quốc gia, 170 trung tâm R&D (Nghiên cứu và Phát triển) có vốn đầu tư nước ngoài và 828 doanh nghiệp công nghệ cao. Trương Giang được ví như "thỏi nam châm" thu hút nhân tài trẻ với 370.000 nhân viên, hơn 6.200 nhân viên có trình độ tiến sĩ và gần 50.000 người có trình độ thạc sĩ. Khoảng 7.500 người là trí thức từ nước ngoài trở về, 4.300 người nước ngoài và hơn 450 chuyên gia có trình độ cao.

Về mặt xã hội, thành phố khoa học phải giải quyết tốt cả hai bài toán nguồn nhân lực và đầu ra việc làm, cũng như chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Nhu cầu nhân lực tại thành phố khoa học là rất lớn, do đó người lao động tại khu vực này thường có thu nhập cao và được hưởng lợi từ nhiều chế độ đặc biệt nhằm thu hút nhân tài của các công ty. Bên cạnh đó, sự mở rộng và phát triển của các thành phố khoa học cũng kéo theo một hệ sinh thái các ngành thương mại dịch vụ khác như chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, ăn uống...

Có thể nói, một thành phố khoa học hiện đại, văn minh là cơ sở phát triển kinh tế dựa trên tri thức, góp phần tăng trưởng bền vững nhờ vào nội lực với năng suất lao động cao và hàng hóa có tính cạnh tranh cao. 

Quy hoạch đô thị khoa học cần chú trọng đến tính liên kết, chính sách và cơ chế quản lý 

Một thách thức lớn đặt ra với quy hoạch đô thị khoa học là làm thế nào để một thành phố thực sự trở thành trung tâm khoa học thay vì chỉ là nơi cung cấp dịch vụ bất động sản? Nói cách khác, một thành phố khoa học không thực chất, chỉ là nơi tập trung cơ học của các công ty công nghệ mà không tạo ra sự liên kết, không có ưu đãi tài chính thì rất khó thu hút lượng lớn nhân lực và doanh nghiệp chất lượng cao. Tính liên kết và chính sách quản lý của nhà nước là hai trọng điểm quyết định mức độ phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu của một thành phố khoa học. 

Thứ nhất, một công viên hay thành phố khoa học cần được xây dựng dựa trên mối liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các công ty, doanh nghiệp, công xưởng. Các chủ thể này cần liên kết và chia sẻ trên cơ sở vừa hợp tác vừa cạnh tranh để tạo ra sự kết nối, phối hợp nhằm giải quyết nhu cầu lẫn nhau.

Như trường hợp của Thung lũng Silicon, sự thành công của công viên khoa học nổi tiếng này phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa nghiên cứu học thuật và sản xuất công nghiệp. Đại học Stanford - một trong những trường đại học tốt nhất thế giới, được gọi là "trái tim của Thung lũng Silicon" vì đây là nơi đào tạo nguồn nhân lực ổn định, hằng năm cung cấp cho Thung lũng Silicon rất nhiều kỹ sư, chuyên gia có trình độ chuyên môn thuộc hàng top thế giới.

Ông Frederick Terman - nguyên Giám đốc, Giáo sư và Trưởng khoa Kỹ thuật tại Đại học Stanford, người được mệnh danh là "cha đẻ của Thung lũng Silicon" đã khuyến khích hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cao bằng nhiều cách như cho phép doanh nghiệp tài trợ và kết hợp nghiên cứu với giảng viên và sinh viên, mở chương trình hợp tác danh dự để trao bằng cấp cao cho các kỹ sư trẻ, cho phép các công ty thành lập trụ sở trong khuôn viên của Stanford. 

đô thị khoa học, thành phố khoa học, quy hoạch đô thị, thung lũng silicon, thành phố khoa học trương giang
Đại học Stanford được thành lập từ năm 1891, là nơi đào tạo ra CEO của những "ông lớn công nghệ" như Google, Netflix. (Ảnh: Money)

Ông Frederick Terman chính là người đã đặt nền móng cho văn hóa cởi mở và hợp tác của Thung lũng Silicon mà nơi khác khó có thể sao chép được. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, tiểu bang New Jersey đã muốn trở thành phiên bản Silicon Valley thứ hai của Hoa Kỳ, do đó họ mời ông Terman thực hiện dự án sao chép với việc xây dựng một trường đại học tương tự Stanford tại tiểu bang này. Tuy nhiên, dự án đã không thành công, bởi các công ty không muốn chia sẻ chuyên gia hay thành quả nghiên cứu với đối thủ, cho dù họ có cùng mục đích. Những nỗ lực tương tự của Giáo sư Michael Porter từ Đại học Kinh doanh Harvard tại thành phố Dallas, tiểu bang Texas cũng chỉ đem về thất bại. 

Thứ hai, vai trò của nhà nước và các cấp quản lý đến sự hình thành và phát triển của đô thị khoa học là vô cùng quan trọng. Bởi nghiên cứu và sản xuất công nghiệp công nghệ cao là bước tiến tất yếu trong bối cảnh hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Hoạt động này cũng cần được đầu tư nguồn lực lớn, do đó không thể phát triển bền vững nếu không có sự quản lý và hỗ trợ từ các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 

Như Thành phố Khoa học Trương Giang của Trung Quốc, sự tăng trưởng của khu vực này là kết quả của định hướng đổi mới có tính chiến lược của quốc gia tỷ dân. Nghiên cứu "Creating a state strategic innovation space: The development of the Zhangjiang Science City in Shanghai" (Tạm dịch: Kiến tạo không gian đổi mới chiến lược quốc gia: Sự phát triển của Thành phố Khoa học Trương Giang tại Thượng Hải) của các nhà khoa học đến từ Đại học London (Vương quốc Anh), được công bố tháng 10/2022 trên tạp chí Taylor & Francis Online, đã phân tích để làm rõ vai trò của nhà nước và các chủ thể nhà nước tham gia vào quá trình hình thành Thành phố Khoa học Trương Giang cũng như biến Thượng Hải thành Trung tâm Đổi mới toàn diện quốc gia. 

Thành phố Khoa học Trương Giang là dự án đô thị khoa học đầu tiên tại Trung Quốc được chính quyền trung ương phê duyệt. Năm 2016, chiến lược xây dựng các Trung tâm Đổi mới toàn diện quốc gia đã chính thức được ban hành. Đến năm 2017, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã ban hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về Cơ sở hạ tầng khoa học Chiến lược Quốc gia. Kế hoạch này đã phân công rõ nhiệm vụ đổi mới quốc gia cấp thành phố, bao gồm: Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại các thành phố được đề cử với cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ; trở thành đầu mối quan trọng trong mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu, thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa; thúc đẩy đột phá trong nghiên cứu khoa học công nghệ; tăng cường tiếng nói của Trung Quốc trong cạnh tranh khoa học và công nghệ quốc tế.

Dựa trên kế hoạch này, 4 thành phố là Thượng Hải, Hợp Phì, Bắc Kinh và Thâm Quyến được chỉ định thực hiện chiến lược Trung tâm Đổi mới toàn diện quốc gia, trong đó Thượng Hải là thành phố thí điểm đầu tiên. Chính quyền TP. Thượng Hải đã lựa chọn Khu công nghệ cao Trương Giang để triển khai chiến lược đổi mới toàn diện và do đó, Thành phố Khoa học Trương Giang ra đời. 

đô thị khoa học, thành phố khoa học, quy hoạch đô thị, thung lũng silicon, thành phố khoa học trương giang
Khu công nghệ cao Trương Giang vào năm 2014, tiền thân của Thành phố Khoa học Trương Giang ngày nay. (Ảnh: Pudong, Shanghai) 

Ngay từ năm 1992 khi thành lập quận Phố Đông, Thượng Hải cũng đã xây dựng Trương Giang như một khu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Năm 1999, thành phố ban hành chính sách "Tập trung vào Trương Giang" để dồn toàn bộ nguồn lực cấp thành phố cho khu vực này. Đến năm 2011, sau khi hợp nhất với Khu thương mại tự do thí điểm Thượng Hải, Khu trình diễn Trương Giang (Zhangjiang Desmontration Zone) - khu vực mở rộng với trung tâm là Thành phố Khoa học Trương Giang đã đạt diện tích lên đến 531km2. 

đô thị khoa học, thành phố khoa học, quy hoạch đô thị, thung lũng silicon, thành phố khoa học trương giang
Biểu đồ thể hiện các chính sách quy hoạch của TP. Thượng Hải trong quá trình hình thành và phát triển Thành phố Khoa học Trương Giang từ năm 1992 đến 2021. (Biểu đồ: Taylor & Francis Online) 

Kể từ khi Thành phố Khoa học Trương Giang được thành lập vào năm 2017, chính quyền Thượng Hải đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các công ty sản xuất xe ô tô - ngành công nghiệp chiến lược của thành phố này, trong đó có siêu nhà máy Gigafactory của Tesla. Điều này đã đặt nền móng cho sự hợp tác giữa SAIC Motor, tập đoàn Alibaba và Công ty TNHH Phát triển Khu Công nghệ cao Trương Giang để cùng thành lập hãng xe nội địa IM Motors vào năm 2020.

Không chỉ hỗ trợ bằng chính sách thúc đẩy hợp tác để chuyên môn hóa chuỗi sản xuất nội địa, chính quyền thành phố cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua nhiều khó khăn, ví dụ như việc chi phí thuê bất động sản tăng cao vào năm 2018 do sự mở rộng nhanh chóng của Thành phố Khoa học Trương Giang trong khi quỹ đất hạn chế. Quận Phố Đông đã cho phép các công ty có số bằng sáng chế đạt yêu cầu nộp đơn xin tăng hệ số sử dụng đất để tận dụng quỹ đất hiện có nhằm tiết kiệm chi phí. 

Để tích hợp quản lý theo chiều dọc và chiều ngang trong cùng một bộ phận, năm 2018, TP. Thượng Hải cũng thành lập Văn phòng Quản lý và Phát triển Thành phố Khoa học Trương Giang (Văn phòng ZJSC). Cơ quan này là sự hợp nhất quản lý giữa cấp thành phố, cấp quận và Cục Quản lý khu Thương mại tự do thí điểm Thượng Hải. Văn phòng ZJSC có nhiệm vụ hỗ trợ các dịch vụ sở hữu trí tuệ, cung cấp hộ khẩu cho người lao động, đưa ra chính sách quản lý vòng đời cho các công ty thuê bất động sản, phê duyệt công ty công nghệ cao và hỗ trợ cấp bằng sáng chế, báo cáo phản hồi chính sách từ doanh nghiệp đến các phòng ban tương ứng. Cơ quan này cũng là pháp nhân ký hợp đồng chính thức với các công ty tư nhân. 

Về tài chính, Tập đoàn Trương Giang, trực thuộc Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Phố Đông (SASAC), được thành lập với quy mô là một doanh nghiệp nhà nước lớn, có vai trò hỗn hợp, thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch không gian và phát triển kinh tế thông qua kinh doanh bất động sản. Tập đoàn huy động tài chính thông qua Công ty TNHH Phát triển Khu Công nghệ cao Trương Giang và quyền quản lý công ty này cũng đã được chuyển giao cho quận Phố Đông. Một mặt, công ty này là công cụ huy động vốn để Tập đoàn Trương Giang phát triển thành phố khoa học, mặt khác công ty này cũng cung cấp các dự án thuộc các ngành công nghiệp chiến lược của nhà nước để thị trường tài chính đầu tư vào.

Chính quyền trung ương cũng thể hiện vai trò trung tâm tại Thành phố Khoa học Trương Giang. Cơ sở hạ tầng nghiên cứu chiến lược, như Cơ sở bức xạ Synchrotron Thượng Hải được đặt tại Trương Giang với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ nhân dân tệ từ ngân sách của chính quyền trung ương, TP. Thượng Hải và Viện Khoa học Trung Quốc.  

Không chỉ với Thành phố Khoa học Trương Giang, kể từ Kế hoạch Phát triển Khoa học và Công nghệ trung và dài hạn năm 2006, vai trò của chính quyền trung ương trong các chiến lược đổi mới quốc gia đã được mở rộng. Thông qua ban hành những kế hoạch chiến lược, Trung Quốc đã và đang tăng cường nội lực bằng cách tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng điểm. Muốn thực hiện điều đó, việc quy hoạch không gian đổi mới sáng tạo đặt trong sự quản lý tập trung của nhà nước là bước đi được đánh giá là hiệu quả và cần thiết. 

Nhà nước nắm vai trò trung tâm trong việc tạo lập thị trường, hỗ trợ sản xuất công nghiệp bằng thể chế, hợp tác giữa các bộ ngành để đa dạng hóa chính sách. Trong khi đó, chính quyền cấp địa phương có nhiệm vụ tìm ra giải pháp vận hành trong phát triển khu đô thị, là cầu nối giữa chiến lược cấp trung ương với các dự án cụ thể. 

Nói tóm lại, để một thành phố khoa học thực sự góp phần vào tăng trưởng nội lực quốc gia, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể nắm vai trò là đầu mối chuyển giao tri thức và sản xuất công nghiệp công nghệ cao như trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, doanh nghiệp, công xưởng. Cùng với đó, cần có sự tham gia, quản lý minh bạch và đầu tư nguồn lực từ chính quyền các cấp, hỗ trợ các chủ thể trong đô thị khoa học phát triển theo đúng định hướng chiến lược, kiến tạo nên một khu vực đô thị hiện đại, văn minh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top