Aa

Quy hoạch đô thị sông Hồng sẽ tác động tới thị trường bất động sản

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 24/09/2021 - 06:00

Các chuyên gia và nhà đầu tư đều nhận định, quy hoạch đô thị sông Hồng sẽ tác động mạnh đến thị trường và giá đất khu vực ven sông Hồng.

Bất động sản Hà Nội đột phá hơn nữa khi có quy hoạch sông Hồng

Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản trực tuyến: “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” tổ chức chiều 23/9, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Vùng Thủ đô Hà Nội, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm của cả nước có thể nói là “đầu tàu” của thị trường bất động sản cả nước.

Và “đầu tàu” ấy, sắp tới hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang rất kỳ vọng vào Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt và ban hành.

Ông Phòng cũng cho biết thêm, hiện nay, VCCI trong vai trò là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp vẫn ghi nhận được sự quan tâm của không ít doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đến cơ hội triển khai các dự án đô thị ven sông Hồng.

Với việc TP. Hà Nội đang rất quyết tâm đẩy nhanh việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Phó Chủ tịch VCCI tin tưởng một khi được công bố, quy hoạch này sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sẽ sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới.

Khi nhắc tới sông Hồng đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, đây là trăn trở và ấp ủ của nhiều nhà quy hoạch Thủ đô Hà Nội. “Nói đây là một “giấc mơ” bởi đã nhiều lần chúng ta bàn tới quy hoạch sông Hồng. Hầu như lần nào chúng ta lập hay điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội cũng đều bàn tới trục hành lang của sông Hồng này, làm sao để trở thành hiện thực thì vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp”, ông Chiến nhấn mạnh.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn.

Ông Chiến cho rằng, quyết định số 257/QĐ-TTg xuất hiện khái niệm “không gian thoát lũ” rộng và “mềm” cho thấy quy hoạch sẽ mềm dẻo hơn rất nhiều, quỹ đất mở rộng so với trước đây.

“Mặc dù Quyết định số 257/QĐ-TTg cho chúng ta huy động nguồn lực từ nhiều hình thức xã hội hoá, BT… nhưng dù hình thức nào muốn hấp dẫn được nhà đầu tư phải chỉ rõ được quỹ đất. Đồng thời đảm bảo được quỹ đất đó về quy hoạch sẽ đảm bảo đầu tư và sinh lời cho nhà đầu tư, Do đó, các nhà quy hoạch phải xắn tay lên chỉ rõ những điều này”, ông Chiến khẳng định.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến sẽ có thể được phê duyệt vào cuối năm 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng. Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, những quảng trường và nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông. Khác với hiện nay, đa số nhà cửa, phố xá đều quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác.

“Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Còn KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng TƯ Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đô thị sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cơ sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông… Vì vậy, một quy hoạch chi tiết với thiết kế đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có bản sắc văn hóa cùng những chính sách phát triển minh bạch, tạo điều kiện trong đấu thầu sử dụng đất, trong đầu tư phát triển bất động sản, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế...

Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản phía Đông

Tại diễn đàn, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland phân tích, sau dịch bệnh, người mua nhà có xu hướng dịch chuyển ra các khu đô thị vùng ven đô, họ chấp nhận đi xa hơn một chút để được sống tại nơi có không gian sống trong lành, đầy đủ tiện nghi.

Và trên thực tế tại các khu vực ven đô, nằm quanh bán kính trung tâm Hà Nội khoảng 5 - 15km, nhất là khu phía Đông của Hà Nội - nơi có quỹ đất lớn, có thế mạnh về cảnh quan, về hệ sinh thái, đã và đang hiện hữu các khu đô thị lớn, được thiết kế như những khu nghỉ dưỡng, với mật độ cây xanh và mặt nước khổng lồ, không gian yên bình giữa thiên nhiên, mật độ cư dân thấp là sự lựa chọn số một giữa mùa Covid-19.

Ông Khiêm nhận định: “Trong quy hoạch đô thị sông Hồng, yếu tố nền tảng cốt lõi vững chắc nhất chính là hạ tầng giao thông. Hiện cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được triển khai sẽ mở thêm 4 làn lưu thông, tăng gấp đôi lưu lượng giao thông. Còn cầu Trần Hưng Đạo nối từ quận Long Biên sang trung tâm Hoàn Kiếm cũng vừa được phê duyệt phương án thiết kế… Khi hạ tầng khu vực bứt phá mạnh mẽ thì giá trị bất động sản cũng liên tục được tăng trưởng theo từng năm”.

Điều quan trọng trong triển khai đô thị ven sông Hồng chính là tạo nên một hạ tầng đáp ứng được nhu cầu.

Ông Khiêm cũng đánh giá, thị trường bất động sản sẽ như một chiếc lò xo bật tung sau mùa dịch bởi rất nhiều tác động khách quan. Bởi nhìn về bối cảnh chung của nền kinh tế có thể thấy vàng, chứng khoán, ngoại tệ, hay là gửi tiết kiệm đã không còn là những kênh đầu tư hấp dẫn nữa. Bằng chứng là chứng khoán tăng giảm thất thường, rất khó đoán định; lãi suất huy động tiết kiệm cũng giảm thêm 0,1 - 0,2%. Trong khi đó, bất động sản chỉ có 2 xu hướng hoặc đứng yên, hoặc tăng giá, nhất là trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại thì xu hướng tăng giá là tất yếu.

Chưa kể, đây còn được xem như tài sản đảm bảo cho tương lai, là của để dành cho thế hệ con cháu. Vậy nên, bất động sản vẫn có hấp lực rất lớn đối với thị trường trong và sau mùa dịch.

Ở góc độ nghiên cứu thị trường, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cao cấp, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, giá bán của các sản phẩm nhà ở thấp tầng ở khu vực phía Đông đang ở mức cạnh tranh so với các khu vực khác ở Hà Nội nhờ sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội bao gồm trung tâm thương mại, bệnh viện cao cấp, công viên, không gian xanh, thoáng đãng trong lành. Bà Hằng cũng cho biết xu hướng giá khu vực này có tăng giá, mức tăng trung bình 7%/năm.

“Nguồn cung nhà ở thấp tầng trong tương lai gần ở khu vực phía Đông là không nhiều, chủ yếu là các khu có quy mô nhỏ. Số lượng các dự án có quy mô lớn thì ít và đang lập quy hoạch. Điểm này có thể tạo ra những thuận lợi cho các dự án đã phát triển, các khu dân cư hiện hữu, các dự án được tiếp tục quy hoạch của khu vực này cũng như các dự án đô thị lớn tại các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh”, bà Hằng cho biết thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top