Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, mục tiêu đến giai đoạn năm 2020 - 2030, dân số thành thị khoảng 6 - 6,2 triệu người, nông thôn khoảng 2,8 - 2,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68% và khống chế được sự gia tăng dân số trong nội đô. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2015, dân số khu vực trung tâm Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao. Trước thực tế này, việc xây dựng các ĐTVT với quy mô tổng dân số khoảng 1,3 triệu người, cùng hàng chục khu đô thị mới là một giải pháp cần thiết.
Ths. Lã Hồng Sơn, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo định hướng quy hoạch của thành phố, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (ĐTVT) và các thị trấn. Trước mắt trong năm 2017 sẽ tập trung xây dựng chương trình phát triển đô thị cho toàn thành phố Hà Nội. Đến nay, 4/5 ĐTVT đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chung là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. ĐTVT Hòa Lạc đang thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
“Toàn bộ khu vực trung tâm được giới hạn từ vành đai 4 trở ra. Trong nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy, khu vực có những vị trí tiềm năng, có động lực phát triển như phía Đông Vành đai 4, Bắc sông Hồng... là những khu vực ưu tiên trọng tâm trong phát triển đô thị. Do đó, sắp tới, TP. Hà Nội sẽ phát triển mạnh phía Bắc sông Hồng, cụ thể là dọc 2 bên đường Võ Nguyên Giáp. Khu vực ưu tiên thứ 2 là giữa đường 5 cũ và mới. Đây là những khu vực các nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm.
Đối với những khu vực phía Đông đường vành đai 4, chúng tôi tập trung vào trục 2 bên Đại lộ Thăng Long, đây là khu vực điểm nhấn của Hà Nội. Khu vực thứ 2 là hai bên đường 32, khu vực thứ 3 là khu vực dọc hai bên đường 70. Mỗi khu vực chọn 3 điểm nhất định để khắc phục sự dàn trải, lãng phí bởi một khi để xảy ra lãng phí thì người chịu nhiều thiệt thòi là đối tượng người mua nhà ở thu nhập thấp”, Ths. Lã Hồng Sơn cho biết.
Cũng theo Ths. Lã Hồng Sơn, sau khi các đồ án quy hoạch ĐTVT được phê duyệt, UBND thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị cho ĐTVT Sơn Tây, Phú Xuyên, Sóc Sơn… Các đồ án quy hoạch ĐTVT là bước cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì quy hoạch phân khu đô thị là chi tiết hóa quy hoạch ĐTVT.
Từ các định hướng đó, các sở, ngành liên quan sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện trên từng lĩnh vực của mình. Ví dụ, ngành Giao thông – Vận tải có kế hoạch đầu tư hạ tầng kết nối ĐTVT với đô thị trung tâm; ngành Xây dựng có kế hoạch phát triển đô thị…
Ths. Sơn cho rằng, trong quy hoạch đô thị và thực tiễn, động lực để phát triển ĐTVT không chỉ là khu vực đô thị trung tâm lớn mà còn là các thành phố lân cận ở xung quanh nó. Động lực để phát triển ĐTVT còn là việc phát huy thế mạnh của đô thị nhỏ, hướng tới chuẩn đô thị cao hơn, có tính hấp dẫn và cạnh tranh hơn khu vực đô thị trung tâm chứ không bị động và phụ thuộc vào nó.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc quy hoạch phát triển ĐTVT có những thuận lợi nhất định như sự hội nhập sâu rộng của Hà Nội nói riêng sẽ tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó có đầu tư vào các ĐTVT. Hệ thống hạ tầng khung giao thông đang dần được hoàn thiện, kết nối đô thị trung tâm với các ĐTVT và từ ĐTVT đến các tỉnh là cơ hội tốt để các ĐTVT phát triển.
Bên cạnh đó, thách thức là điều không thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mới tương đối nặng nề này. Hiện nay, Hà Nội còn nhiều lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách như giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật… việc cân đối ngân sách hàng năm cho các ĐTVT rất khó khăn. Trong điều kiện tỷ lệ điều tiết từ ngân sách trung ương cho Hà Nội giảm từ 42% xuống 35% vào năm 2017, thì vấn đề cân đối ngân sách đòi hỏi phải có biện pháp khả thi để huy động nguồn vốn từ xã hội, từ các doanh nghiệp lớn phục vụ phát triển ĐTVT. Khi hệ thống quy hoạch, hệ thống hạ tầng khung chưa hoàn thiện, việc thu hút các nhà đầu tư BĐS sẽ rất khó khăn.