Quy hoạch Hà Nội và những vết sẹo rỗ

Quy hoạch Hà Nội và những vết sẹo rỗ

Hà Lam
Hà Lam lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 16/10/2021 - 06:00

Sau nhiều tháng phải hạn chế đi lại, ở yên trong nhà do giãn cách xã hội, một tuần nay, người dân Hà Nội vui mừng khi Thủ đô đã dần trở lại bình thường mới, chứng kiến đường phố tấp nập, quán xá sáng đèn. Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi người dân lại phải đối mặt với điệp khúc ngập lụt, tắc đường. Trận mưa lớn ngày 10 - 11/10 do ảnh hưởng của bão số 7 đã khiến nhiều tuyến đường ngập sâu trong biển nước, ùn tắc giao thông kéo dài. Hành trình đi làm và về nhà của người tham gia giao thông trở nên gian nan hơn bao giờ hết khi phải vật lộn tìm lối thoát tại những điểm ùn tắc và ngập lụt trong làn mưa lạnh.  

Quy hoạch Hà Nội

Bước ra đường vào giờ đi làm hoặc tan tầm, đặc biệt là những ngày mưa, mới hiểu thế nào là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Hà Nội. Cái sự tắc đường, ngày nắng đã gọi là “thứ đặc sản” mà bước ra cửa đã phải chôn chân “nếm trải”, khi phải vượt qua mấy “nút cổ chai”, luồn qua mấy ngã tư đèn đỏ ken đặc người, chen lên mấy cầu vượt kín mít xe…, hít không ít khói bụi mới đến được nơi cần đến. Còn ra đường ngày mưa, kèm gió lạnh thì đích thực là đang dẫn mình vào hành trình khổ ải khiến người ôn nhu cũng trở nên cáu gắt. Đường hóa bãi đỗ xe, như muốn thử thách khả năng chịu đựng và tính kiên nhẫn của người tham gia giao thông. 

Đường Hà Nội tắc cứng trong mưa
Một tuyến đường tại Hà Nội "chết cứng" trong trận mưa ngày 11/10. Ảnh: Internet.

Nhìn từ trên cao, các con phố Nguyễn Chí Thanh, Chùa Bộc, Xã Đàn, Hồ Đắc Di, Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt Ngã Tư Sở, đường Láng, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng... không khác gì những đoàn tàu bị đứng bánh. Từng dòng xe kẹt cứng, nhích từng chút, từng chút một. Giữa “biển” xe khổng lồ là hàng trăm gương mặt mệt mỏi, dù ướt như chuột lột vẫn phải “đánh vật” trên đường, cố thoát khỏi đám đông để đến nơi cần đến. 

Khung cảnh hỗn loạn xảy ra ở nhiều tuyến đường khi xe máy len lỏi vào làn dành cho ô tô, cố “đè đầu” phương tiện khác để nhích lên dù chỉ vài cen ti mét, rồi ùn ùn lên vỉa hè tìm lối thoát. Đến khi không còn khoảng trống nào để di chuyển, đành ngậm ngùi dầm mình trong làn mưa lạnh. Có người không đủ kiên nhẫn chờ đợi nên bấm còi inh ỏi, rồi bất lực đấm mạnh hai tay vào đầu lái, kẻ mệt nhoài úp mặt xuống xe, lại có người không kìm được cơn bực trong người mà chửi bới, gắt gỏng khi có ai đó lỡ quẹt phải xe: “Đi kiểu gì thế”; “Không có mắt à”...

Tại các điểm ùn tắc, có những người lái xe cứu thương không khỏi sốt ruột khi tiến không được, lùi không xong, không cách nào để đến đón người cần cấp cứu nhanh hơn, rồi cũng đành chôn bánh chờ đợi. Nhiều tính mạng con người đang phụ thuộc vào tốc độ nhanh chậm của việc giải tỏa kẹt xe. 

Tắc đường ở Vũ Trọng Phụng.
Tắc đường ở Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân vào giờ tan tầm ngày mưa khiến dân văn phòng "ngao ngán". Ảnh: IT

6h tối, trong cơn mưa ào ạt, có cặp vợ chồng trẻ sống ở chung cư trên đường Nguyễn Tuân, họ đã nhìn thấy cửa sổ nhà mình, tức là chỉ còn 200m nữa thôi là có thể về nhà, nhưng vẫn phải chật vật dầm mưa, nhích từng cm một. Và hỡi ôi, đến 9h tối, họ mới vượt qua được quãng đường “kinh hoàng” đó để về đến nhà… Buổi sáng, cũng trên hành trình ấy, họ cũng phải chôn chân ngoài đường cả tiếng đồng hồ mới có thể đến nơi làm việc. 

7h tối, từ trên tầng 18, tòa chung cư tại đường Vũ Trọng Phụng, chị Hằng (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cảm thấy “ngao ngán” khi nhìn xuống dòng xe chật kín không nhúc nhích trong cơn mưa nặng hạt, đành ở lại cơ quan làm việc thêm 30 phút mới xuống dắt xe về. Những tưởng sẽ thoát khỏi cảnh ùn tắc nhưng cũng phải mất thêm hơn một tiếng “chơi vơi” ngoài đường mới về đến nhà, dù chỉ cách đó 3km. Đài báo thêm một ngày mưa, Hằng cũng như những dân công sở khác đều thở dài khi nghĩ đến cảnh phải lao ra đường từ sớm và về nhà lúc muộn, mệt và đói lả.

“Phố thị say, nhìn hay hay

 Sao tôi mắt cứ cay cay, như mấy người không gặp may.

 Phố thị đông, người đông đông,

Tôi như đứa nhóc lông bông, chơi xa mà không về nhà…”

(Phố thị - Tăng Nhật Tuệ)

Ùn tắc giao thông khiến đường về nhà xa hơn và không ít người “không gặp may” mắt cứ “cay cay”.  Nhưng cái sự chật vật, mệt nhoài đó của người dân phố thị Hà thành không chỉ dừng lại ở câu chuyện tắc đường.

Hà Nội vào mùa mưa còn có “đặc sản” thứ hai là ngập lụt, phố biến thành sông sau những trận mưa lớn. Nếu chẳng may ở ngoài đường vào đúng trận mưa nặng hạt, những bức xúc, khó chịu, mệt mỏi nói trên tăng lên gấp bội. Người người thở dài dắt xe, xắn quần lội trong dòng nước bì bõm. Ở những con phố ngập sâu hơn, nước còn tràn cả vào nhà dân. 

“Hà Nội mùa này phố cũng như sông” - điệp khúc ấy đã lặp đi lặp lại hàng chục năm nay tại hàng loạt tuyến đường, khu phố, đặc biệt là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Nhiều tuyến phố đã trở thành rốn ngập của Hà Nội như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long,Tôn Thất Tùng, Lê Trọng Tấn, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Khâm Thiên, Thái Thịnh,  Xuân Đỉnh, Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế…

Ngập đường Hà Nội
Ngập đường Hà Nội
Tắc đường ngày mưa
Ngập đường Hà Nôi

Nhiều tuyến đường Hà Nội ngập nặng trong mưa. Ảnh: IT

Vài năm trước, càng ở những tuyến đường mới mở, những khu đô thị mới hình thành, tình trạng ngập úng lại càng tăng nặng. Ở những tuyến phố cũ, phố cổ, khu vực quanh Hồ Gươm, khả năng thoát nước nhanh, rất hiếm khi xảy ra tình trạng ngập. Tuy nhiên, hiện nay, một trận mưa lớn cũng đã có thể nhấn chìm nhiều tuyến phố cổ, phố cũ trong biển nước. Tràng Tiền, Tràng Thi, Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Hàng Lược … vốn “khô cạn” ngày mưa nay cũng đã chịu chung cảnh ngập sâu, tắc cứng, xe chết máy hàng loạt. Nhiều người ví von tình hình này “có thể mở hội bơi thuyền mở rộng”. Người lại ước “giá như có trực thăng đến đón về nhà”. Thực tế trên cho thấy, câu chuyện ngập úng ở nội thành Hà Nội đã không còn ngoại lệ mà đến mức rất đáng báo động. 

Phố cổ ngập sâu
Phố cổ ngập sâu

Phố cổ, phố cũ cũng ngập sâu trong biển nước sau những trận mưa lớn. Ảnh: IT.

Hà Nội sau 13 năm mở rộng địa giới, thực tế thấy rõ nhất là phát triển đô thị đến đâu thì tình trạng ngập, tắc ngày càng gia tăng đến đó. Những khu đô thị được quy hoạch mới 100% cũng đã không ít lần “chìm nghỉm” trong biển nước. Chưa có giải pháp nào cho tình trạng ngập lụt nội đô ngoài việc đổ lỗi cho “ông trời” - “do mưa lớn kéo dài”. Cái lợi duy nhất của việc mở rộng hay làm thêm đường là khiến giá đất tăng, còn tình trạng tắc đường không mấy thuyên giảm. Theo các chuyên gia, Hà Nội đang phải trả giá đắt cho việc quy hoạch đô thị theo kiểu “rách đâu vá đó” và tình trạng phá vỡ quy hoạch cùng cơn lốc “bê tông hóa” đã khiến mọi tính toán về hạ tầng đô thị trong tương lai bị đảo lộn. 

Tắc đường, úng ngập chỉ là những hệ lụy dễ nhìn thấy nhất trong vô vàn những hệ lụy khác được gây ra bởi hàng loạt những bất cập trong bài toán quy hoạch và quản lý quy hoạch của Hà Nội, cần sớm được nhìn nhận và tìm ra lời giải. 

Dáng dấp của đô thị Hà Nội trong 10, 20, 50 năm sau sẽ phụ thuộc vào nỗ lực trong công tác quy hoạch của ngày hôm nay, khi bức tranh hiện tại đã quá nhếch nhác, lem nhem và gần như quá tải ở cả khu phố cổ và phố mới.

Quy hoạch Hà Nội

Quy hoạch Hà Nội

Sự phát triển nóng đã khiến Hà Nội đang có những con đường phải gồng mình gánh hàng loạt chung cư cao tầng. Những tòa cao ốc chọc trời mọc lên một cách thiếu kiểm soát, “bóp nghẹt” hệ thống hạ tầng đã khiến người dân đô thị như đang len lỏi giữa rừng bê tông khổng lồ, xám ngắt, ngột ngạt. 

Một trong những điểm nóng về sự quá tải là con đường Nguyễn Tuân (đoạn từ Ngụy Như Kon Tum - Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Dù chỉ dài 720m, rộng 6m nhưng trên tuyến đường này có tới hơn 20 chung cư cao tầng với khoảng 6000 căn hộ đã và đang mở bán. Nếu tính trung bình mỗi căn hộ ở các dự án trên có 3 - 4 người ở, sau khi các dự án được lấp đầy, dân số tại khu vực này có thể tăng lên hàng chục nghìn dân, tương đương với tổng dân số của cả một phường. Các khối chung cư đã “lấn chiếm” hầu hết khoảng thở của không gian đô thị, tạo áp lực mạnh lên hạ tầng khiến tuyến đường đã trở thành cơn ác mộng của các cư dân nhiều năm qua khi thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường, ngập lụt và không gian sống bí bách, chật chội. 

Đường Nguyễn Tuân
Đường Nguyễn Tuân

Quá tải hạ tầng tại đường Nguyễn Tuân. Ảnh: IT.

“Con đường bé tí như con ngõ thế này mà giờ ngước lên đâu cũng thấy chung cư. Trước đây còn dễ thở một chút, giờ bước chân ra đường thực sự rất mệt mỏi. Ngày nào cũng phải chen chen, chúc chúc. Họ cứ xây nhà cao lên trước, rồi mới đi mở đường. Nên cái tin mở rộng đường này được nghe lâu lắm rồi mà giờ vẫn thế. Trong khi đó, nhiều dự án chung cư cao tầng khác đang tiếp tục mọc lên tại đây. Với tình trạng này, giờ có mở rộng gấp đôi e rằng cũng chẳng thấm vào đâu”, ông Nguyễn Danh Bắc (58 tuổi), cư dân khu vực này bức xúc nói. 

Tại tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, tốc độ phát triển lan rộng của rừng bê tông còn “chóng mặt” hơn. Theo quy hoạch, tuyến đường này được xây dựng để giảm tải áp lực cho tuyến đường huyết mạch Nguyễn Trãi nhưng kể từ khi thông xe năm 2010, hàng loạt các dự án cao ốc quy mô lớn đua nhau mọc lên dọc hai bên trục đường. Ước tính, đến thời điểm hiện tại có khoảng 50 dự án chung cư, khu đô thị đã và đang đè nặng lên tuyến đường 2,7km này. Chỉ tính riêng đường Lê Văn Lương đã có tới 33 dự án chung cư cao 25 - 35 tầng, đa số các dự án đã đưa vào sử dụng. 

Trung bình mỗi dự án có khoảng 700 - 2.000 hộ dân. Một số khu đô thị lớn dọc tuyến đường còn có quy mô dân số lên tới 2- 3 vạn người. Áp lực dân số dồn nén lên hạ tầng cực kỳ lớn, đặc biệt là khi quỹ đất dành cho giao thông, hay các không gian công cộng như công viên, hồ nước… không thay đổi mà ngày càng hao hụt. Dù vậy,  “cuộc đua” xây cao ốc tại khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với thực tế này, đường Tố Hữu sẽ khó có thể gánh vác được việc giảm tải cho đường Nguyễn Trãi mà đang tạo nên một điểm tắc nghẽn đáng báo động khác. Khi các khu đất trống còn lại hai bên đường được lấp đầy, sẽ không khó để hình dung tương lai tồi tệ của con đường này, có thể ví như “con đường đau khổ” bậc nhất Thủ đô, oằn mình gánh những khối bê tông khổng lồ. 

Đường Lê Văn Lương - Tố Hữu
Đường Lê Văn Lương, Tố Hữu

"Rừng bê tông" tại đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Ngập Lê Văn Lương
Ngập đường Tố Hữu

Quá tải hạ tầng khiến đường Tố Hữu ngập nặng trong trận mưa lớn ngày 11/10. 

Đường thông đến đâu, nhà mọc đến đó, thậm chí những có những con đường còn mới chỉ chớm “nằm trên giấy” thì các dự án bất động sản đã rục rịch triển khai. Cuộc chạy đua giữa đường và nhà cứ diễn ra không hồi kết. Nhưng thực tế thì thắng thua đã rõ, khi lượng cao ốc cứ ùn ùn mọc lên, còn những con đường vốn là điểm cộng hút khách của dự án bất động sản thì nay lại đang bị chính những dự án này bóp nghẹt.

Đó là chưa kể đến bộ mặt nhếch nhác, lộn xộn của các tuyến đường mới mở khi tình trạng các dãy nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên chen chúc để “ké” mặt đường trên diện tích chật hẹp. Dây cáp điện xoắn vào nhau như mạng nhện, rồi lại bối thành từng chùm treo lơ lửng. Những dãy nhà san sát nhau tận dụng từng mét đất, chỉ cần cháy một nhà là cháy luôn cả dãy phố. Nhà bên này đập đi xây lại, nhà bên kia không tránh khỏi bị vạ lây mà nứt toác. Dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tạo diện mạo đẹp hơn, văn minh hơn cho các tuyến phố nhưng chỉ như nước đổ lá khoai. Rồi cứ thế vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ đành đi xuống lòng đường. Xe máy lại buộc phải chen vào làn ô tô... 

Còn với những cư dân mua nhà tại các khu đô thị mới, ngoài những nỗi khổ chung là tắc đường, ngập lụt... thì họ còn phải đối mặt với nhiều nỗi ám ảnh kinh hoàng khác. Đặc biệt là sau khi nhận nhà và đi vào sinh sống thì giống như vừa mắc phải “một cú lừa”. Ngoài việc chất lượng chung cư không được như quảng cáo, thì có một khái niệm đáng sợ hơn với các cư dân mang tên “điều chỉnh quy hoạch”, đúng hơn là “điều chỉnh băm nát quy hoạch”.

Công viên dang dở tại Hà Nội
Nhiều công viên, mảng xanh nằm trong quy hoạch khu đô thị vẫn nằm chờ triển khai nhiều năm trong khi chủ đầu tư đã hoàn thiện phần nhà ở để bán. Ảnh: Dự án công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang.

Một công thức đã trở nên quen thuộc của nhiều chủ đầu tư làm dự án khu đô thị đó là, xây nhà bán trước, hạ tầng xã hội làm sau. Dẫn đến một thực trạng là “bỏ quên” hoặc cắt xén các tiện ích chung, công trình công cộng, diện tích công viên, cây xanh. Rồi từ đó, xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng gia tăng mật độ xây dựng, tức là nhồi nhét thêm các tòa cao tầng để gia tăng lợi nhuận. 

Có những khu đô thị được quảng cáo là chung cư cao cấp với hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước, bể bơi… hay những không gian sống “đẳng cấp Singapore" nhưng khi người dân vào ở nhiều năm, ngoài chung cư cao tầng, các diện tích chung khác vẫn là bãi đất trống bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Trong khi người dân mua căn hộ, thực tế là “mua” không gian sống, “mua” cả những giá trị chung ấy. Những không gian đô thị đúng nghĩa như “viễn cảnh” được các nhà đầu tư đặt ra để thu hút khách hàng thực tế không nhiều. 

Đó là lý do khiến những cuộc “nội chiến” xảy ra thường xuyên giữa cư dân và chủ đầu tư. Thay vì được sống trong một không gian sống chất lượng, đảm bảo sự hài lòng thì lại phải đánh đổi thời gian, công sức để đi đòi lại quyền lợi vốn thuộc về mình. Có những tòa nhà luôn đỏ băng rôn, rồi rộ lên những hô hào phản đối, rồi có cả những lá đơn kêu cứu của cư dân khi khu đô thị bị điều chỉnh quy hoạch theo hướng ngược: Nhắm vào chỗ đất dành cho không gian xanh, khoảng thở, khu vui chơi để tăng mật độ xây dựng. Rất chật vật. Nhưng các cư dân đa phần là bất lực và đành chấp nhận một cuộc sống khác hoàn toàn so với hình dung ban đầu. 

Linh Đàm và Trung Hòa - Nhân Chính là hai khu đô thị “kiểu mẫu” vốn được mệnh danh là đáng sống bậc nhất, nay đã trở thành những điểm nóng điển hình cho “nạn” điều chỉnh quy hoạch: Hạ tầng bị “bóp nghẹt”, nhếch nhác, ngột ngạt...

10 năm trước, Khu đô thị Linh Đàm đã từng tạo nên một cuộc sống kiểu mẫu đầu tiên ở Thủ đô với những căn chung cư hiện đại, trong một khu đô thị rộng hơn 200ha thoáng đãng, môi trường sống trong lành xanh mát bậc nhất khi có tới 74ha diện tích mặt nước hồ, mật độ công viên cây xanh lên tới 13m2/người. Mỗi căn hộ trong Khu đô thị Linh Đàm bấy giờ trở thành niềm ao ước của hàng triệu người dân Thủ đô. Quy hoạch bán đảo Linh Đàm cũng từng là niềm tự hào của các kiến trúc sư, nhà quy hoạch. Nhưng sau hàng loạt các cuộc điều chỉnh, diện mạo của khu đô thị kiểu mẫu đã bị biến dạng gần như hoàn toàn so với quy hoạch ban đầu. 

Linh Đàm
KĐT Linh Đàm
KĐT Linh Đàm

Khu đô thị Linh Đàm

Diện mạo KĐT Linh Đàm ngày càng bị biến dạng, quá tải so với hình mẫu ban đầu. 

Khu đất 35ha của trung tâm dịch vụ tổng hợp kết nối giữa bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, khu Tây Nam Linh Đàm và cả khu Nam Linh Đàm đã nhường chỗ cho khu nhà ở gồm 12 tòa chung cư cao 36 - 42 tầng nhưng khoảng không duy nhất của 12 tòa nhà chụm vào nhau chỉ vẻn vẹn vài nghìn mét vuông. Chỉ riêng khu nhà ở này đã bổ sung khoảng 30.000 dân cho khu bán đảo Linh Đàm, hơn gấp đôi so với dân số dự kiến trong quy hoạch đầu tiên.

Cùng với tổ hợp HH, khu vực bán đảo Linh Đàm có 16 tòa nhà cao 11 tầng xây dựng từ năm 2001, có khoảng gần 2.000 căn hộ; các tòa VP2, VP3, VP4, VP5… được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015, 2016 có khoảng gần 2.000 căn hộ. Khu vực dự án nhà ở Bắc Linh Đàm và Bắc Linh Đàm mở rộng có khoảng trên 3.500 căn hộ. Và, khu vực dự án Tây Nam Linh Đàm ước khoảng trên 3.000 - 4.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà thương mại. Lượng nhà chọc trời trở nên dày đặc, cao vút, vượt lên những hàng cây xanh tạo nên một bức tranh ngột ngạt với những hộp diêm bê tông khổng lồ. 

Sau khi các tòa nhà chung cư giá rẻ được đưa vào sử dụng, dân số tại đây đã lên tới trên 70.000 người, gần bằng quy mô dân số của đô thị loại III. Trong khi đó, diện tích cây xanh giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 4m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chí của đô thị kiểu mẫu mà Bộ Xây dựng ban hành.

Với mật độ dân số khủng khiếp, nhiều năm qua, hạ tầng giao thông của khu vực trở nên quá tải, bên cạnh đó là thực tế thiếu trường học, thiếu sân chơi cho trẻ em, mất an ninh trật tự. Từ khu đô thị đáng sống, nay gần như trở thành khu đô thị “đáng sợ”.

Khu đô thị Linh Đàm
Khu đô thị Linh Đàm

Linh Đàm từ khu đô thị "đáng sống" dần trở thành nơi "khó sống". 

“Tắc đường ở cửa ngõ vào Linh Đàm đã là nỗi kinh hoàng lâu nay rồi. Mỗi ngày có hàng vạn lượt phương tiện từ Linh Đàm đổ ra và từ cửa ngõ phía Nam Thủ đô đi vào Nguyễn Hữu Thọ khiến tuyến đường này luôn ách tắc. Dân số thì đông, hạ tầng chỉ có thế. Lối ra vào chung cư thì ken đặc người. Hầm để xe cũng chật ních. Hàng quán, chợ cóc bày biện la liệt khắp không gian tầng 1 của các tòa chung cư nên lúc nào cũng đông đúc, lộn xộn. Xe cộ, quán nước ngổn ngang, nhem nhuốc trên vỉa hè. Rồi rác thải, rồi hôi thối. Đủ cả. Cư dân chúng tôi cũng không ít lần “chạy bạt vía” vì cháy nhưng công tác phòng cháy chữa cháy cũng chưa đâu vào đâu...”, bà Dương Thị Lan (48 tuổi), cư dân sống tại Linh Đàm bực dọc kể khi được hỏi về những vấn đề bất cập trong không gian sống ở khu đô thị này. 

Bà Lan cho biết, các cư dân, đặc biệt là những người mua nhà đầu tiên, ai cũng bức xúc nhưng chỉ biết bất lực nhìn khu đô thị liên tiếp bị điều chỉnh quy hoạch và từng ngày, từng ngày bị tước đi “vương miện” kiểu mẫu. Trước thực tế xuống cấp về môi trường sống và hạ tầng xã hội, nhiều hộ dân đã chuyển đi nơi khác, người không có điều kiện thì đành chấp nhận cuộc sống nửa phố nửa quê này, dần cũng thành quen. 

Trung Hòa - Nhân Chính cũng có chung một kịch bản tước danh “kiểu mẫu” giống như Khu đô thị Linh Đàm: Quá tải, xuống cấp, nhếch nhác, lộn xộn; ngộp thở với cao ốc, quy hoạch ban đầu bị “đánh sập”. 

Đi qua Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính lúc này, khó có thể nhận ra dáng dấp của không gian sống lý tưởng một thời của giới nhà giàu Hà Nội. Thay vào đó là một bộ dạng bát nháo, cũ mới chen nhau. Hạ tầng hiện đang xuống cấp trầm trọng do phải “gồng mình” gánh sức ép của hàng chục tòa cao ốc mọc lên như nấm.

Quy hoạch Hà Nội và những vết sẹo rỗ- Ảnh 25.
Trung Hòa Nhân Chính

Cảnh nhếch nhác tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt năm 1998 với mật độ xây dựng hơn 34%, khu đô thị có 8 toà nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Sau 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính tăng lên gấp đôi với 16 toà nhà cao tầng, chiều cao từ 17 đến 34 tầng. Chất lượng cuộc sống người dân ở khu Trung Hòa - Nhân Chính đang bị đi xuống. Một số khu đất vốn được duyệt là công viên, cây xanh, khu thể thao nay trở thành nhà hàng, quán bia, sử dụng sai mục đích. 

Mặc dù vẫn đang trong tình trạng xuống cấp, áp lực dân số và mật độ xây dựng dày đặc nhưng đầu năm 2019, chủ đầu tư lại kiến nghị xây thêm một tòa cao ốc cao 18 tầng trên khu đất được quy hoạch dành để xây dựng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ vốn đang bỏ hoang nhiều năm. Việc điều chỉnh quy hoạch thay vì chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất sang làm công viên, cây xanh, hay nhà trẻ, trường học trong bối cảnh các hạ tầng này đang thiếu hụt trầm trọng thì lại muốn điều chỉnh để tăng thêm bê tông cao tầng. Bức xúc và lo ngại trước việc mật độ xây dựng đã tăng gấp đôi nhưng việc điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, hàng trăm hộ dân đã phải viết đơn kiến nghị bày tỏ sự phản đối. 

Thời điểm hiện tại, ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, việc thiếu hụt trầm trọng hạ tầng xanh, bãi đỗ xe, trường học… đã không còn là nguy cơ mà trở thành thực tế đáng báo động. 

Việc gia tăng dân số, quá tải hạ tầng đã khiến bộ mặt khu đô thị này trở nên lem nhem, lộn xộn. Không gian công cộng bị lấn chiếm. Vỉa hè, lòng đường đầy rác. Chợ cóc mọc lên ngay giữa các tòa nhà mà nhiều người khi đi vào ngỡ như đang lạc vào một chợ quê nào đó, hàng quán bày bán la liệt từ sáng sớm cho đến chiều tối. Trên các tuyến phố, nhiều hàng nước, quán ăn chiếm dụng hết vỉa hè của người đi bộ.

Mặt khác, do hầu hết các tòa nhà ở đây đều chỉ có 1 tầng hầm. Vì thế, hiện nay khi nhu cầu sử dụng xe máy, ô tô của cư dân tăng cao, dẫn đến việc thiếu chỗ để trong tầng hầm nghiêm trọng nên đa phần các phương tiện phải gửi tại bãi trông giữ ngoài trời hoặc dưới lòng đường.

- “Từ khi tòa nhà có mấy quán ăn, văn phòng mở ra, nhân viên, khách đến tấp nập suốt ngày thì khu nhà ở lúc nào cũng đông đúc, ồn ào cả ngày. Chỗ để xe lúc nào cũng chật cứng. Ngay cả vỉa hè trước đây rộng và thoáng là thế, nay cũng bị chiếm làm bãi gửi xe, rất chật chội, bí bách".

- “Khu đô thị này đã quá nhiều nhà cao tầng rồi. Mật độ dân số đã thuộc hàng cao nhất. Nhiều khu chung cư đã xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi rất sốt ruột và lo lắng khi có vẻ như việc điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ, vẫn chưa dừng lại”. 

- “Có nằm mơ cũng không nghĩ rằng, khu đô thị kiểu mẫu một thời mà chúng tôi bỏ ra 4 - 5 tỷ đồng để mua nhà lại rơi vào cảnh bí bách, ngột ngạt như hiện nay. Mang tiếng khu đô thị cao cấp một thời mà giờ đây gì cũng thiếu. Từ trường học, bệnh viện đến sân chơi, khu sinh hoạt cộng đồng. Mùa hè, cư dân phải tranh nhau từng m2 không gian cảnh quan để hóng gió”.

- “Vào giờ cao điểm, từ 7 - 9h sáng và từ 5h đến 7 rưỡi tối, những tuyến đường quanh khu đô thị luôn chật cứng xe. Với sự phát triển mật độ dân số như hiện nay thì liệu rằng có đủ cơ sở hạ tầng để phục vụ cho người dân hay không?”

- “Nhà tái định cư trong khu đô thị cứ sửa chữa xong chỗ này, mai mốt tường lại bị bong tróc, thấm dột và mốc loang lổ ở chỗ khác. Mưa dột, thấm mốc. Thật khổ không còn gì bằng!”...

Đó là bức xúc của nhiều cư dân tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Với họ, ước vọng về một chốn an cư hoàn hảo, văn minh với không gian xanh mát đã bị dập tắt hoàn toàn. Thay vào đó là nỗi ám ảnh mang tên điều chỉnh quy hoạch - “kẻ tội đồ” đã gây ra hàng loạt hệ lụy làm biến dạng hình hài của một khu đô thị kiểu mẫu.

Trung Hòa Nhân Chính
Ở Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, việc thiếu hụt trầm trọng hạ tầng xanh, bãi đỗ xe, trường học… đã không còn là nguy cơ mà trở thành thực tế đáng báo động. 

Một số khu đô thị khác mới được xây dựng cũng đã và đang khiến các cư dân đứng ngồi không yên khi đối mặt với nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Như khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội),  mật độ xây dựng ban đầu chỉ từ 30 - 33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa. Đây là những điểm cộng của dự án, là lý do chính để hàng nghìn cư dân đã chọn dự án làm chốn an cư. Tuy nhiên, năm 2017, bản điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu đô thị được phê duyệt theo hướng nhồi chung cư, khu công cộng biến mất khiến các cư dân không khỏi bất ngờ, bức xúc và lo lắng. 

Cụ thể, một số lô đất trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng chỉ trên 20,5% thì nay tăng lên gấp đôi. Bên cạnh việc tăng mật độ xây dựng, một số ô đất có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất dịch vụ thương mại văn phòng, nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình gấp 3 lần. Những lô có chiều cao trung bình 7 tầng cũng được điều chỉnh lên 27 tầng, cộng thêm 3 tầng hầm…

Đặc biệt, một số lô có chức năng xây dựng trạm biến thế điện, không được xây dựng tầng cao nhưng nay bị điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng cộng 2 tầng hầm.

Nhiều công trình đã thi công xây dựng trước khi được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch trong khi đó nhiều hạng mục có trong quy hoạch ban đầu lại chưa được chủ đầu tư triển khai xây dựng như các công trình tiện ích nhà trẻ, trường học, công trình thể thao. 

Hàng trăm hộ dân đã phải xuống đường, căng băng rôn nhiều lần để phản đối việc điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư, nhất là việc không hỏi ý kiến cư dân khi thực hiện khiến khu đô thị đứng trước nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch tổng thể, đi theo vết xe đổ của Linh Đàm…

Điều chỉnh quy hoạch băm nát đô thị

Đó chỉ là những minh chứng điển hình cho hàng loạt những bất cập tại các khu đô thị mới hiện nay. Người mua nhà như đứng trước một canh bạc may rủi, bởi mỹ từ có cánh và hình ảnh đẹp đẽ về khu đô thị mà họ được giới thiệu thường chỉ xuất hiện trong những lời quảng cáo còn thực tế lại phũ phàng. Không cách nào kiểm chứng được bởi những thay đổi, biến dạng thường xuất hiện sau khi chủ đầu tư đã bán xong nhà. Ngày càng nhiều những đô thị bị nén cao độ ở trung tâm mọc lên, trong khi hạ tầng không thể “phình” theo. Lòng tin của người mua ngày càng bị xói mòn. Bởi chẳng thấy có điều chỉnh quy hoạch nào là tăng cây xanh hay khu vui chơi trẻ em mà chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Quy hoạch cũ chưa kịp “ráo mực” đã bị điều chỉnh sang quy hoạch mới.

Và dường như đã trở thành quy luật, những khu đô thị tiện ích “gì cũng có”, sau một thời gian lại hóa thành những khu đô thị nhiều “không”: Không gian ngột ngạt, không đủ hạ tầng, không bãi đỗ xe, đặc biệt là không trường học. Tại Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư xây dựng đô thị nhưng không xây trường học diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, nhiều khu đô thị đã hình thành được 10 - 15 năm nhưng trường học vẫn không có đang tạo ra những hệ luỵ trong xã hội.

Một loạt các khu đô thị đã được báo chí điểm mặt chỉ tên như: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, khu đô thị Xuân Phương – Viglacera, khu đô thị Thành phố giao lưu, khu đô thị Đoàn Ngoại giao, khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, khu nhà ở để bán Quang Minh Vinaconex 2, khu đô thị mới Vân Canh, khu nhà ở Thạch bàn, khu đô thị Đặng Xá, khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu đô thị mới Cầu Bươu…

Tắc đường
Tắc đường Hà Nội

Khu vực nội đô Hà Nội đang ngày càng phình to trong manh áo chật hạ tầng.

Hà Nội, sau khoảng 13 năm mở rộng. Càng mở rộng, càng kẹt cứng. Cơ chế “trong đẩy, ngoài hút” dường như đang đi theo chiều ngược lại. Quy hoạch đô thị vệ tinh "giậm chân tại chỗ". Nội đô gần như quá tải. Với tình trạng xây dựng tràn lan, thiếu kiểm soát, Hà Nội đang dần đánh mất bản sắc trong việc tạo dựng không gian đô thị. Nhất là khi cuộc đua “bê tông” không chỉ dừng lại ở những con đường mới, khu phố mới mà cả những khu phố cổ, phố cũ, nơi đang được “đóng khung” để bảo vệ. Và rồi, không ai khác, người dân chính là đối tượng gánh chịu những hậu quả của bài toán quy hoạch lôm côm. Cụ thể hơn, khi người dân phố mới đang đau đầu với các vấn nạn đô thị hóa và tình trạng điều chỉnh quy hoạch thì người dân phố cổ cũng đang bị mắc kẹt trong chuỗi bi kịch mang tên phát triển và bảo tồn trong quy chế quản lý quy hoạch bảo tồn phố cổ, phố cũ. Sự xâm lấn của bê tông đang khiến lớp vỏ kiến trúc phố cổ bị biến dạng. Đằng sau đó là những mảng sáng tối đan xen…

Quy hoạch Hà Nội

Một ngày nọ, giữa những ồn ào, tấp nập của khu phố cổ, có hai bạn trẻ là tân sinh viên trường Văn hóa mang trong mình tâm thế hồ hởi đi khám phá một địa danh rất nổi tiếng ở Hà Nội. Trong mường tượng của những người trẻ ưa khám phá lần đầu đến Thủ đô, phố cổ là những con phố trầm mặc, cổ kính như trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. 

Đó là lý do mà hai bạn trẻ này đã đi lòng vòng từ Hàng Bông, Hàng Đào… đến Hàng Buồm, Hàng Lược… vẫn ngơ ngác hỏi nhau: “Sao đi mãi không đến phố cổ nhỉ”. Đành tạt qua bên đường thắc mắc với bà hàng nước: “Cô ơi, cho cháu hỏi phố cổ ở đâu ạ”? Và câu trả lời khiến họ không khỏi ngạc nhiên: “Phố cổ ở đây chứ ở đâu nữa. Đang đứng ở phố cổ đây rồi lại còn hỏi. Hihi”.

Cùng với sự phủ bụi của thời gian cũng như những nhu cầu phát triển khó cưỡng, các phố cổ, phố nghề đã không thể giữ mình, khiến hình ảnh về những con phố trầm mặc với những nhà phố ngói đỏ mái nghiêng, san sát nhau đã gần như chìm vào dĩ vãng, chỉ còn nép mình hoặc nhấp nhô giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại. Các dãy biệt thự mang kiến trúc đặc trưng của người Pháp xưa cũng chỉ còn là những mảnh ghép chắp vá, lem nhem. 

Phố cổ Hà Nội
Phố cổ Hà Nội

Diện mạo khu phố cổ Hà Nội đang dần bị biến đổi.

Ở thời điểm hiện tại, bộ mặt phố cổ, phố cũ đã trở nên nhếch nhác, lộn xộn. Hàng loạt công trình khách sạn “khủng”, có chiều cao vượt trội, sơn màu trắng sáng “nổi bần bật” đang ồ ạt mọc lên, phá nát quy hoạch của nhiều tuyến phố vốn đang được đóng khung để bảo tồn như: Khách sạn Lucky 3 Hotel tại 81 Hàng Bông, Silk Path Hotel tại 201 Hàng Bông, The Light Hotel 128 - 130 Hàng Bông, Hana Amazing Hotel tại 14 Ngõ Trạm, Golden Cycle Hotel tai 25 - 27 Ngõ Trạm...

Tại phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), câu chuyện về các công trình vượt tầng phá vỡ quy hoạch phố cổ cũng đã trở thành điểm nóng nhiều năm nay. Hàng loạt công trình vi phạm đã bị báo chí điểm tên, chỉ mặt, chính quyền thừa nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những nỗ lực xử lý vi phạm chỉ nằm trên… giấy tờ. Các công trình “khủng” vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa của khu phố cổ, như ở Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu… Đáng nói, các công trình sai phạm cũ chưa bị xử lý thì các sai phạm mới đã mọc lên. Nhiều con phố nay không khác gì những công trường xây dựng. 

Tuy nhiên, sự lem nhem của phố cổ hiện nay không chỉ do các công trình cao ngất ngưởng, băm nát quy hoạch nói trên. Dân số tại phố cổ ngày càng tăng, trong khi diện tích nhà ở, đất đai lại không thể “nở” ra. Vì nhu cầu sinh hoạt, các hộ dân không còn cách nào khác ngoài việc phải sửa chữa, cơi nới. Đây cũng là một trong những “thủ phạm” quan trọng. 

Tại các con phố thuộc khu bảo tồn, tôn tạo cấp 1 của quy hoạch bảo tồn phố cổ như phố Hàng Gà, Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Bổ, Lò Sũ, Mã Mây, Gia Ngư…, hầu hết các căn nhà cũ đều đang bị người dân cơi nới, sửa chữa theo “muôn hình vạn trạng”. Đi dọc phố Lò Sũ, Mã Mây, cũng không khó để nhìn thấy những căn nhà mặt phố đang “đeo ba lô” nhếch nhác; những “chuồng cọp”, “chuồng chim” bằng rào sắt, mái tôn có vẻ kiên cố được dựng lên bịt kín lối thoát hiểm của căn nhà. Tất cả tạo nên một nếp sống ngột ngạt, khó hình dung. Những căn nhà ống xưa kia vốn là một nét kiến trúc đặc trưng thì nay đã trở nên rất “thảm hại” trước sự chia năm xẻ bảy và cơi nới vô tội vạ. 

Phố cổ Hà Nội
Những căn nhà ống xưa kia vốn là một nét kiến trúc đặc trưng thì nay đã trở nên rất “thảm hại” trước sự chia năm xẻ bảy và cơi nới vô tội vạ. 

Trao đổi với người dân tại đây về việc sửa chữa, cải tạo nhà, họ đều cho rằng phải sửa chữa thì mới ở được. Tuy nhiên, việc sửa chữa, cơi nới của các hộ dân đa phần là không phép vì thủ tục hành chính về xây dựng phức tạp, phiền hà.

“Căn nhà này trông thế nhưng 20 người ở đấy. Trước có một thế hệ, giờ đến ba thế hệ cùng chung sống. Mấy chục năm, người thì ngày càng nhiều, nhưng nhà thì lại càng cũ và chật hơn. Không sửa, không cơi nới như thế này thì lấy đâu ra chỗ ở, chỗ sinh hoạt cho từng ấy con người”, bà Lan, một người dân sống tại căn nhà số 60 Mã Mây, chia sẻ.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gà, Gia Ngư… Không khí ngột ngạt, bí bách buộc người dân phải nghĩ cách nới rộng không gian sống nhưng lại “e ngại” xin phép chính quyền. Dẫn đến tình trạng kiến trúc mặt tiền phố cổ gần như đã bị phá nát, không còn nguyên vẹn. Và đây là lý giải của họ: 

“Nhu cầu về chỗ ở, chỗ sinh hoạt với chúng tôi bây giờ là rất lớn nên tất yếu phải sửa chữa, xây mới. Nhưng xin giấy phép xây dựng thì cán bộ phường bảo không được, nên đa phần đều tiến hành cơi nới. Mà đã làm kiểu cơi nới thì nguyên vật liệu phải nhẹ, gọn và tính tiện dụng phải được đặt lên hàng đầu. Lúc đó làm sao có thể để ý đến mẫu kiến trúc thế nào cho đúng”.

“Diện tích nhà chỉ có thế, đã nhỏ lại còn đông người ở. Đấy là chưa kể vôi vữa, vật liệu xây dựng cũng chỉ có tuổi thọ nhất định nên dẫn đến bị nứt nẻ, bong tróc. Vì thế mà chúng tôi buộc tiến hành sửa chữa, cơi nới. Mỗi nhà một nhu cầu, thẩm mỹ khác nhau, nên sửa chữa cũng không theo mẫu thống nhất nào".

“Do nhu cầu sinh hoạt nên buộc người dân ở đây phải sửa chữa, cơi nới nhà nhưng đa phần đều tự ý. Khi sửa xong rồi thì chính quyền đến lập biên bản sai phạm và phạt cho tồn tại, tức là nộp tiền phạt xong thì vẫn được sử dụng mà không bị phá dỡ".

Việc sửa chữa, cơi nới một cách tùy tiện, thiếu định hướng “không theo mẫu thống nhất nào”, “không để ý đến mẫu kiến trúc nào cho đúng”, “đa phần đều tự ý” như trên đã khiến bức tranh phố cổ hiện tại không thể lộn xộn hơn. 

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nghịch lý trong bảo tồn phố cổ ở thời điểm hiện tại là một mặt, cơ quan Nhà nước đang bất lực trước sự thay hình đổi dạng của các con phố, một mặt thì người dân lại quá chủ động trong việc tự giải quyết nhu cầu cơi nới, mở rộng không gian sống.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ

“Về mặt quy hoạch, chúng ta chưa làm được việc ngăn chặn sự thay hình đổi dạng của phố cổ. Hiện nay, nhìn vào 36 phố phường của Hà Nội thì không còn nhận ra được những con phố cũ nữa. Nếu có chăng chỉ giữ lại được 1 vài tuyến phố. Đó chính là thất bại đầu tiên của bảo tồn phố cổ. Thêm nữa, chúng ta chưa đưa ra một kế hoạch, một lộ trình cụ thể về mặt bảo tồn, dẫn đến việc người dân cứ tự làm theo ý mình, cơi nới hay xây nhà vượt tầng nhưng chúng ta cũng không quản lý được. Việc đập nhà cũ đi rồi xây mới hoàn toàn cũng vậy. Thậm chí, người dân có tinh thần giữ lại cái cũ nhưng lại không được định hướng, hướng dẫn sát sao là phải giữ như thế nào cho hợp lý”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Sự phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, ẩm thực cũng đã khiến cho các con phố ngày càng đông đúc và tấp nập. Nhưng đằng sau bức tranh đó, là sự mất dần hồn vía của phố cổ, là sự bất lực của những người dân đang chới với trong hành trình phát triển, đô thị hóa và cả câu chuyện bảo tồn. 

Phố cổ Hà Nội
Sự phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, ẩm thực cũng đã khiến cho các con phố ngày càng đông đúc và tấp nập. Nhưng đằng sau bức tranh đó, là sự mất dần hồn vía của phố cổ, là sự bất lực của những người dân đang chới với trong hành trình phát triển, đô thị hóa và cả câu chuyện bảo tồn.

Quá trình cải tạo và xây mới công trình liền kề một cách vô tội vạ xuất phát từ việc quản lý quy hoạch nửa vời - bảo tồn không được, phát triển cũng chẳng xong đã dẫn đến nhiều bài học đau lòng. Một trong số đó là tình trạng các căn nhà cũ, biệt thự cổ bị đổ sập. Các biệt thự cổ cỡ 2 đến 3 tầng đều nằm trên các móng nông, sau rất nhiều năm, khả năng chịu tải của công trình có hạn, trong khi có những biệt thự hiện có cả chục hộ dân sinh sống, chỉ cần một tác động hay tháo dỡ cũng dẫn tới phá vỡ trạng thái cân bằng vốn có. Và sau liên tiếp các vụ sập nhà, những người dân đang sinh sống tại phố cổ đều phải sống trong tình trạng bất an, lo lắng bởi không loại trừ khả năng, căn nhà mình đang sống cũng có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là khi nhiều căn nhà đang rất báo động về chất lượng. 

Chưa hết, phía sau những mặt tiền đắt giá ở những khu phố cổ, phố cũ vốn được coi là “đất vàng”, “đất kim cương” còn là những câu chuyện dài, đang chất đầy những mảng đối lập “cười ra nước mắt” chưa được giải quyết. 

Những con ngõ sâu hun hút như những địa đạo tối đen dẫn đến một “cuộc sống khác” đối lập hoàn toàn với dáng vẻ nhộn nhịp tấp nập của phố cổ. Nếu không tận mắt chứng kiến, thật khó để hình dung ở một nơi được cho là trung tâm “đắt đỏ” nhất của TP. Hà Nội lại có những không gian sống không thể nào tệ hơn mà nếu gọi đó là nhà thì phải cho vào trong ngoặc kép. 

Ngõ sâu phố cổ
Những con ngõ sâu như địa đạo trở nên phổ biến ở phố cổ.

Tay cầm chai nước vừa mua, ông Chu Văn Cao (73 tuổi) lò dò đi vào con ngõ tối đen có địa chỉ ở 63 Thuốc Bắc. Con ngõ rộng chưa đầy 1m, hai bên là các mảng tường tróc lở, hoen ố, xuống cấp. Sâu trong con ngõ tối tăm, quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời này là những “căn nhà” chồng xếp lên nhau của 18 hộ dân (nay còn khoảng 10 hộ còn bám trụ). “Nhà” của ông Cao thuộc hàng bé nhất với diện tích chỉ vỏn vẹn 2m2, chiều cao chưa đầy 1,4m, không khác gì một hầm địa đạo nổi trên mặt đất, được dẫn lên bởi một chiếc cầu thang nhỏ hẹp. Bên trong có một chiếc đèn bàn luôn bật, một chồng sách báo và các vật dụng cần thiết. Toàn bộ tường gạch đã cũ mèm, nhiều đoạn đã tróc lở, ngả màu. Nhưng thật không ngờ, “chiếc hộp” này là chốn đi về của hai bố con ông Cao gần 30 năm nay. 

“Trời nắng thì ở trong này nóng không khác gì cái lò. Trời mưa thì lại thấm dột, ẩm ướt. Vào nhà thì phải cúi đầu. Ngủ thì phải nằm nghiêng, dậy thì phải khom lưng.Thay quần áo thì phải nằm ra sàn. Không có tí ánh sáng nào ở trong này nên ban ngày cũng phải bật đèn”, ông Cao miêu tả về cuộc sống trong “căn nhà” đặc biệt của mình. 

Nếu được xếp kỷ lục, có lẽ “nhà” của bố con ông Cao sẽ đứng hạng nhất, không chỉ về diện tích mà còn cả sự thiếu thốn đủ bề. Các hộ khác cũng không ngoại lệ, nhiều hộ có 3 - 4 người cũng phải sống trong không gian chỉ khoảng 6 - 8m2 hàng chục năm qua. Nhưng dường như họ đã quá quen thuộc với cuộc sống tối tăm, chật hẹp này, nói đúng hơn là không có cách nào khác ngoài việc tự thích nghi với hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi sự xuống cấp của các dãy nhà này trở nên ngày càng trầm trọng, cái họ phải đối mặt không chỉ là sự chật vật, khổ sở vì không gian bí bách mà còn là những mối nguy tiềm ẩn về sự an toàn tính mạng. 

Nhà phố cổ
Nơi ở của ông Chu Văn Cao tại 63 Thuốc Bắc. 

Sống ở phố cổ đã gần cả đời người, đến nay nhìn lại những sự đổi thay theo dòng chảy của quá trình phát triển đô thị, ông cụ đã ngoài 70 phân trần:

“Ngày xưa dân số ít lắm. Bây giờ quá nhiều. Ở đâu các nơi đổ về. Nhà cửa phố xá mọc lên như nấm. Mấy hôm trước vẫn thấy còn đất trống giờ đã xây nhà rồi. Vì nhiều nơi làm quá, thành ra thấy nó nhanh. Nhưng phát triển gần như tự phát. Thả nổi. Ông nào có nhiều tiền thì đi nhanh. Mạnh ai nấy làm.

Như tôi đây cựa mình còn không được thì nói đâu đến làm nhà. Ngoài kia phát triển hiện đại văn minh, trong này thì dường không phát triển, nói đúng hơn là đi “giật lùi”. Không ai người ta bỏ tiền ra đi xây trong này cả. Còn chúng tôi, kinh tế đã thấp thì lấy tiền đâu ra mà cải tạo chỗ ở cho thoải mái hơn.

Bây giờ phấn đấu đến vài ba năm nữa để được thế này thì tốc độ phát triển nó đã đi đến tận đâu. Mình không với theo được. Nhưng sự phát triển thiếu kiểm soát thì những người ở “đáy” xã hội phải hứng chịu hết. Từ trong đây, đi qua con ngõ tối tăm kia đã khác nhau hoàn toàn. Sự phát triển thiếu cân đối, thiếu khoa học đã dẫn đến chênh lệch ngày càng lớn”, ông Cao nói. 

Và rồi, sự quá tải về dân số đã dẫn đến sự “phình to” về hạ tầng ở phố cổ, phố cũ. Ngập úng là câu chuyện đã nhìn thấy, còn tắc đường thì xảy ra triền miên. Phố cổ bây giờ không khác gì “phố khổ”. Sống ở trung tâm dù tiện trăm bề nhưng bất tiện cũng trăm bề. Nhiều người đã bán nhà chuyển đi nơi khác, nhưng đa phần người dân vẫn đang cố bám trụ lại, chen chúc trong những căn nhà siêu nhỏ và những con ngõ siêu hẹp, phần vì còn luyến tiếc sự hào nhoáng của phố xưa, phần vì không còn cách nào khác. Kế hoạch giãn dân phố cổ, dù đã được đặt ra từ hàng chục năm về trước nhưng hiện vẫn chưa đâu vào đâu. 

Khi được hỏi về chính sách của Nhà nước, đặc biệt liên quan đến vấn đề giãn dân phố cổ đã được nhắc đến nhiều năm nay, ông Cao cho biết, “cái đó là chính sách lớn của Nhà nước, nghe nói lâu rồi nhưng làm thì chưa thấy. Nói trên đài phát thanh thì rất hay nhưng thực tế thì… Đôi khi người ta chỉ làm tượng trưng thôi”. 

Tuy nhiên, đề cập đến việc nếu được đề nghị di dời ra khu đô thị Việt Hưng (khu đô thị được xây dựng để giãn dân phố cổ) chẳng hạn, thì ông Cao lại nói rằng: “Bao giờ người ta đi hết thì tôi mới đi chứ không xung phong đi trước. Ở đây cái gì cũng tiện. Không khí phố xá cũng khác. Nên của tôi có một chút con con thế này thôi cũng là vô giá. Ra ngoài kia không biết sẽ thế nào. Nên phải chờ người ta lội qua sông xem nông sâu thế nào đã, lỡ đang đi thì bị sụt xuống thì sao”. 

Băn khoăn của ông Cao cũng là nỗi niềm chung của đa phần người dân đang sống “chen chúc” trong không gian chật hẹp ở phố cổ. Không ai khác, họ đang mắc kẹt trong câu chuyện quy hoạch phát triển và bảo tồn. Và như ông Cao nói, hậu quả của sự phát triển quá tải, thiếu kiểm soát, không ai khác, chính họ - những người dân đang bị bỏ lại phía sau quá trình phát triển phải gánh chịu. Kể cả việc thiếu hụt không gian sống, hay những cảnh ngập úng, tắc đường...

Lê Quyên
16/10/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top