Từ thực tế xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều thành phố lớn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định tại Hội nghị Toàn quốc quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021 - 2025: Quy hoạch trong xây dựng NTM cần thực hiện sớm để tránh lãng phí trong quá trình đô thị hoá.
Câu chuyện quy hoạch từ những con đường
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, quy hoạch xây dựng nông thôn mới (ở cả cấp huyện và cấp xã) đã giúp bộ mặt nông thôn có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành công nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Nhờ quy hoạch xây dựng nông thôn mới mà cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đã được quan tâm và cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đồng thời, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương…
Hiện, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai xây dựng quy hoạch xây dựng vùng huyện, nhưng đến nay, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch ở các địa phương mới đạt được khoảng 1/3 kế hoạch đề ra; mức độ ở các địa phương rất khác nhau.
Tuy nhiên sau một thời gian triển khai cũng bộc lộ ra một số cần phải rà soát lại. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra đó là chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể cho công tác quy hoạch tại các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị. Nhiều khu vực cận đô thị phát triển một cách tự phát. Thời gian thực hiện quy hoạch để các xã, huyện trở thành đô thị có thể kéo dài nhiều năm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân và lãng phí nguồn lực đầu tư.
Việc rà soát và điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nông thôn chưa được thực hiện đầy đủ bởi một số ràng buộc về các quy định của Luật xây dựng, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực nông thôn chưa có sự tham gia của Nhà nước trong kiểm soát về hình thức, chỉ tiêu kiến trúc nhà ở nông thôn…
Như vậy quy hoạch trong xây dựng NTM từ xã lên đô thị sẽ như thế nào để tránh lãng phí vì thực tế này ở nhiều thành phố lớn đã thấy được điều này.
Về vấn đề này, tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đưa ra ví dụ về vấn đề giao thông: Nếu xây dựng nông thôn mới đường rộng từ 3 - 5 m, nhưng khi công nhận NTM khu vực đó lên phường thì vẫn con đường đó nhưng phải rộng lên 8m. Vậy nên chăng chúng ta có thể tính luôn dự kiến khu vực này sẽ lên đô thị thì các yêu cầu về quy hoạch phải tính ngay từ đầu, như vậy sẽ không làm mất thời gian cũng như tiền bạc.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà ở dân cư, đường xá, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xã hội cũng cần phải quản lý sao cho chặt chẽ để vẫn đảm bảo được sự phát triển của xã hội nhưng và giữ gìn kiến trúc truyền thống của mỗi vùng quê.
Ngoài ra, theo chỉ thị 04/CT - TTg của Thủ tướng về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống có nhiều chỉ tiêu được điều chỉnh trong đó đến 2030 đạt tối thiểu 80% điểm dân cư nông thôn thôn được ban hành quy chế quản lý kiến trúc. Câu hỏi đặt ra là: Vậy quá trình quy hoạch nông thôn mới cần điều chỉnh lại như thế nào cho phù hợp?
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá
Từ những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 cần đặt ra những vấn đề cụ thể hơn.
Đầu tiên, việc nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện các quy hoạch gắn với việc thực hiện bộ tiêu chí NTM các cấp cần được quan tâm để đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quy hoạch là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững, bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời đẩy mạnh đô thị hóa khu vực nông thôn trên nền tảng kế thừa kết quả xây dựng NTM; hạn chế tối đa trong việc xáo trộn trong đầu tư xây dựng.
Tiếp đến, công tác quy hoạch sản xuất trong quy hoạch xây dựng NTM phải gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển nông nghiệp an toàn, theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số trong nông nghiệp để hướng đến "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Cũng tại hội nghị, ThS. KTS Nguyễn Tuấn Minh, Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng các vấn đề như: Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên đặc hữu; Bảo tồn các làng truyền thống… thì kiến trúc công trình công cộng cần đơn giản, mạch lạc, khai thác được giá trị truyền thống như hình tượng hóa nhà rông, nhà dài, nhà sàn, cách điệu các chi tiết hoa văn dân tộc.
Còn theo đại diện tỉnh Bình Thuận thì để đảm bảo quy hoạch trong xây dựng nông thôn không lãng phí thì Bộ Xây dựng cũng cần tổ chức tập huấn hoặc có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các nội dung đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chí quy hoạch xã nông thôn mới: tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bảo vệ môi trường nông thôn…
Trong khi đó, đại diện tỉnh Thanh Hóa đề nghị quy định các yêu cầu thực hiện tiêu chí quy hoạch đô thị trong xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu trong các Bộ tiêu chí xã NTM các mức độ giai đoạn 2021 - 2025; đề nghị Trung ương có cơ chế hỗ trợ kinh phí lập Quy hoạch chung cho các xã thuộc khu vực miền núi và các xã mới thoát nghèo thuộc các huyện đồng bằng.