Aa

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Kỳ vọng về diện mạo mới cho Hà Nội

Thứ Hai, 11/04/2022 - 06:30

Sau hàng chục năm chờ đợi, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt và bàn giao cho 13 quận huyện.

Sắp tới, nhiều cây cầu sẽ được xây mới, diện mạo nhiều khu vực bao năm xập xệ sẽ đổi khác…

Chống lũ, chỉnh trị sông Hồng

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có diện tích khoảng gần 11.000ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông là hơn 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 sẽ vào khoảng 300.000 người.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Theo quy hoạch, sẽ phân đoạn quản lý phát triển gồm 3 phân đoạn chính. Cụ thể, từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long là khu vực phát triển không gian sinh thái. Từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì là khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng đa chức năng, với các công trình công cộng, văn hóa, thương mại dịch vụ.

Từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái trọng tâm với các khu vực nông nghiệp trồng rau, hoa màu, cây cảnh, thủy sản. Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng. Đặc biệt, đồ án xác định xây dựng mới 6 cầu đường bộ qua sông gồm cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo. Đây được dự kiến không chỉ thay đổi về mặt giao thông đô thị mà còn giúp cho hệ thống thoát lũ trên sông Hồng được vận hành tốt hơn.

Theo quy hoạch được thông qua, các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc 4 quận trung tâm Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng sẽ được tồn tại bảo vệ, trừ một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn sẽ phải di dời. Ngoài việc đưa ra định hướng đối với các khu dân cư, quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng tại khu vực 6 bãi sông. Tại các bãi này được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5%, những bãi sông được đề xuất xây dựng các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp, phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng theo 6 bãi sông, cụ thể:

- Bãi Tàm Xá - Xuân Canh là khu vực dân cư tập trung với 34,06ha (khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng không được vượt quá 61,2ha.

- Bãi Thượng Cát - Liên Mạc là khu vực dân cư tập trung với 36,46ha (khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 3,45ha.

- Bãi Hoàng Mai - Thanh Trì là khu vực dân cư tập trung với 425,04ha (khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng diện tích tối đa 53,15ha.

- Bãi Chu Phan - Tráng Việt là khu vực dân cư tập trung với 220ha (khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 12,7ha.

- Bãi Đông Dư - Bát Tràng là khu vực dân cư tập trung với 103,96ha (khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 3,15ha.

- Bãi Kim Lan - Văn Đức la khu vực dân cư tập trung với 72ha (khu vực mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có). Khu vực có thể nghiên cứu xây dựng: diện tích tối đa 18,95ha.

Việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, cần nghiên cứu các thiết chế văn hóa ở các trục không gian văn hóa kết nối giữa các địa phương.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Để có hướng dẫn cụ thể ở từng khu vực, UBND TP Hà Nội đã bàn giao Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cho các quận huyện để các đơn vị này xác định chỉ giới, pháp lý có liên quan tổng hợp vào phương án phòng chống lũ và đê điều sông Hồng, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Các quận, huyện sẽ tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để chỉnh trang đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ. Xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng nêu rõ, về việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, cần nghiên cứu các thiết chế văn hóa ở các trục không gian văn hóa kết nối giữa các địa phương, gồm: Hệ thống trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng; trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây hồ Tây - hồ Tây - Cổ Loa; tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô; công trình văn hóa cấp thành phố, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, công viên vui chơi giải trí, quảng trường lớn kết hợp tượng đài, công viên chuyên đề, các dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch; không gian sinh hoạt văn hóa được xây dựng mới kết hợp với tổ hợp công trình công cộng đa chức năng và không gian cây xanh công viên…

Quy hoạch cũng khuyến khích các mô hình kiến trúc công trình đẹp, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu lũ. Khai thác hiệu quả cảnh quan khu vực làng nghề truyền thống phục vụ kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái dọc sông Hồng. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng, di tích lịch sử như đình, chùa, nhà thờ... được bảo tồn, tôn tạo và quản lý theo quy định. Hình thức kiến trúc, chiều cao, khoảng cách công trình xung quanh di tích không được làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích. Tổ chức các khu nhà ở hiện đại chất lượng cao đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, theo hướng mật độ xây dựng thấp, cao tầng ở các khu vực: Phía Bắc sông Hồng đoạn R3-R4, thấp dần về hai bên; phía Nam sông Hồng đoạn R3-R4, hạn chế tối đa bố trí công trình cao tầng, quản lý đặc biệt tại trục không gian hồ Tây - Cổ Loa...

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam: Hy vọng vào kỳ tích “đô thị xanh” thời hiện đại

Sau khi đồ án được phê duyệt, thành phố cần có các quy định chặt chẽ, minh bạch. Chính quyền các quận, huyện một mặt tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các công trình lớn, nhưng phải có đủ năng lực để đảm bảo họ thực thi đúng pháp luật, không làm phá vỡ cảnh quan.

Mấy ngày trước tôi đã hỏi một số người dân khu vực sông Hồng, họ đều ủng hộ những ý tưởng của đề án là không xây đô thị sầm uất như Seoul ở Hàn Quốc, mà làm trục không gian xanh. Ngoài Hàn Quốc, trên thế giới, đã có nhiều quốc gia xây dựng thành công khu đô thị 2 bên bờ sông như Venice, Paris, Amsterdam… Hà Nội nên học tập những mô hình này một cách có chọn lọc, đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Nếu thực hiện được thành công các ý tưởng trong đồ án Quy hoạch đô thị sông Hồng lần này, Hà Nội sẽ lập nên kỳ tích “đô thị xanh” thời hiện đại.

Kiến trúc sư Phùng Việt Dũng - Công ty CP quy hoach Phúc An: Cần những công trình văn hóa lớn

Tôi rất tâm đắc với Quy hoạch phân khu sông Hồng đã đặt ra việc cải tạo lại toàn bộ không gian 2 bên bờ sông thành trục cảnh quan, không gian văn hóa, lá phổi xanh. Quy hoạch cũng thực hiện được mục tiêu chỉnh trị sông Hồng, phòng chống lũ kết hợp với hệ thống giao thông, các tuyến đê và cầu. Làm sao đảm bảo cho người dân đang sinh sống ở 2 bên bờ sông có điều kiện sống tốt hơn, ổn định hơn, hạ tầng xã hội cũng như môi trường sống được cải thiện hơn…

Đồ án đặt mục tiêu xây dựng hàng loạt cây cầu nối 2 bờ cùng đường giao thông dọc sông, tạo ra hệ thống giao thông mới của Thủ đô. Hy vọng Hồng Hà, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo, Tứ Liên, Ngọc Hồi, Mễ Sở… sẽ là những cây cầu có kiến trúc hiện đại xứng đáng với tầm vóc đô thị hiện đại. Từ không gian này, những công trình văn hóa, giải trí lớn cần xuất hiện để Hà Nội tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Bởi hoạt động của đô thị hiện đại gắn với dòng sông mới thực sự mang đến hơi thở thời đại. Thêm vào đó, việc gắn kết hồ Tây - Cổ Loa bằng tạo lập tuyến trục không gian qua sông Hồng cũng là một trong những giải pháp kết nối không gian lịch sử bằng thủ pháp đô thị hiện đại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top