Đó là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công - tại Diễn đàn “Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 31/8/2023.
Khu công nghiệp là thỏi nam châm hút vốn FDI
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công chia sẻ, cách đây 5 tháng, ngày 28/2/2023 tại Hưng Yên, lãnh đạo 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và VCCI đã họp bàn triển khai các nội dung của thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông. Một số nội dung cụ thể đã được triển khai trong các hoạt động liên kết của của địa phương trong khu vực.
“Nhưng như chúng ta đã biết “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, vì vậy trong việc phát triển các khu công nghiệp, phát triển hạ tầng khu công nghiệp chúng ta cũng cần đi cùng nhau, cùng kết nối, liên kết”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, muốn thực hiện mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện thành công công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Như vậy, phát triển các khu công là bước đi không thể thiếu để thực hiện công nghiệp hóa.
“Thực tế thì các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển luôn coi khu công nghiệp là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư”, ông Công chia sẻ. Chủ tịch VCCI thông tin, bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 khu kinh tế và khu công nghiệp, trong đó Hải Phòng 01 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.702 ha. Hải Dương có 24 khu công nghiệp tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Quảng Ninh 5 khu kinh tế (gồm 3 khu kinh tế cửa khẩu, 2 khu kinh tế ven biển) và 16 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha. Đáng nói, các khu công nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông đang sử dụng lượng lao động lớn.
Hải Phòng chỉ tính đến hết năm 2020, tổng số lao động trong các khu công nghiệp là 157.967 người. Hải Dương sử dụng khoảng 102.014 người lao động. Các khu công nghiệp có đóng góp lớn cho thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương. Các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm, thị trường mới, chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế.
Nhìn ra toàn quốc, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; có 397 KCN đã được thành lập và có 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58,7 nghìn ha.
“Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, tính đến hết quý I/2023, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức trên 80%, trong đó khu vực phía Nam trung bình đạt 85% - dẫn đầu cả nước. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn”, Chủ tịch VCCI nói.
Đặc biệt, trung bình các năm gần đây, vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, riêng với lĩnh vực chế biến, chế tạo thì tỷ lệ này có thể lên đến 70 - 80%. Tính đến hết năm 2022, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các khu kinh tế, khu công nghiệp tại Việt Nam đạt khoảng 340 tỷ USD”.
“Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, việc hình thành và phát triển khu công nghiệp đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, việc phát triển mô hình khu công nghiệp đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính” ông Phạm Tấn Công thông tin.
Có thể thấy, tỷ lệ lấp đầy của các KCN trong tiểu vùng hiện mới đạt khoảng 50%; trong đó Hải Phòng cao nhất trục cao tốc với tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 60% (tính đến đến 2021) với tỷ suất đầu tư trung bình đạt 9 triệu USD/ha; Hải Dương dù đã thu hút được 348 dự án (tính đến 30/6/2023) nhưng mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%; Quảng Ninh với 8 KCN đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy mới dừng ở con số 43% - thấp hơn so với bình quân cả nước, số KCN đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng số vốn đạt 4.100 triệu USD và 40 dự án trong nước với số vốn là 21.000 tỷ đồng; Hưng Yên có 261 dự án đầu tư vào các KCN với vốn đầu tư đạt 4.434 triệu USD, tuy vậy tỉ lệ lấp đầy trong các KCN Hưng Yên mới đạt 47,8%.
Khắc phục tồn tại để phát triển
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song theo Chủ tịch VCCI, việc phát triển khu công nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, quy hoạch phát triển khu công nghiệp chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể.
Ở góc độ các tỉnh thuộc trục cao tốc phía Đông, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển KCN tại 4 tỉnh, thành phố còn bộc lộ một số tồn tại: Mặc dầu là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế. Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ngành sản xuất công nghiệp tập trung thu hút, quốc gia thu hút khá giống nhau dẫn giảm sức hút, sức cạnh tranh. Là trục chính tập trung nhiều KCN nhưng Quốc lộ 5 hiện đang trong tình trạng cũ và xuống cấp. Liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn. Ngoài ra, hiện nay quy mô đất công nghiệp, đặc biệt là đất sạch với diện tích lớn cho KCN còn khá hạn chế.
“Đặc biệt, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng xã hội các công trình thiết chế phục vụ cho KCN, CCN như nhà ở công nhân, trường học, bênh viện và trung tâm nghiên cứu chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết đang sử dụng hạ tầng xã hội các khu dân cư và đô thị xung quanh”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Ngày 28/05/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP “Quy định về Quản lý Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp” đề ra “phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”. Nghị định đã định hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay.
Hơn nữa, theo Chủ tịch VCCI, quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành trong trục cao tốc phía Đông đến năm 2030 dự kiến tổng số KCN trên địa bàn 4 tỉnh thành phố là 139 khu, tăng thêm 60 KCN. Tổng diện tích các KCN là 59.441ha, tăng thêm 23.930ha, tức là tăng gần gấp đôi. Hiện trạng các KCN đang được đưa vào khai thác thực tế là 15.913ha với tỷ lệ lấp đầy là 50,45%, tức là diện tích KCN thực sự đưa vào sản xuất là 8.028ha. Đây sẽ là một thách thức lớn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó nguồn lao động và các điều kiện hạ tầng cần được xác định cụ thể để góp phần tăng hiệu quả đầu tư cho các KCN.
"Tôi mong muốn rằng, chúng ta sẽ tìm kiếm được nhiều giải pháp để phát triển và cộng hưởng được những thế mạnh riêng có của từng khu công nghiệp, của từng địa phương. Hy vọng rằng, phát triển, liên kết các KCN trên trục cao tốc phía Đông sẽ là mô hình mẫu trên cả nước. Đồng thời cũng hiện thực hóa được sáng kiến kết nối trục cao tốc phía Đông từ ý tưởng đến thực tiễn”, ông Công kết luận.