Aa

Quy hoạch quốc gia 2021 – 2030: Tìm ra tiềm năng khác biệt để phát triển bền vững

An Vũ (ghi)
An Vũ (ghi) pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 24/08/2021 - 06:00

Công tác quy hoạch đô thị trong những năm qua không ngừng được hoàn thiện song về tổng thể vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả thấp. Nâng cao chất lượng quy hoạch trong giai đoạn mới sẽ thúc đẩy đô thị phát triển bền vững.

Ngày 19/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thường trực Chính phủ tổ chức. Theo Người đứng đầu Chính phủ, công tác quy hoạch không mới, nhưng việc triển khai Luật Quy hoạch lần này có điểm mới là phải đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từng ngành, địa phương.

“Nếu không bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, địa phương thì rất khó phát triển bền vững, chuyển phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu”, Thủ tướng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, tiến độ lập quy hoạch đang chậm, Thủ tướng yêu cầu phải coi đây nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong năm 2021 và các năm tới, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, bảo đảm chất lượng quy hoạch. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm hiệu quả.

Liên quan đến câu chuyện quy hoạch trong giai đoạn vừa qua và những trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2030, Reatimes xin chia sẻ những quan điểm đánh giá, nhận định của TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.

NHÌN LẠI CÔNG TÁC QUY HOẠCH THỜI GIAN QUA

Trong nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chỉ đạo sát sao cả hệ thống chính trị và các địa phương. Từ đó nhiều địa phương đã chú trọng đến lĩnh vực này trong quá trình phát triển. Ví dụ như Bắc Giang, là tỉnh nhỏ nhưng đã tiên phong thực hiện quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch 2017.

Trong các kết quả đạt được trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, theo tôi có 4 điểm nổi bật:

Thứ nhất, từng bước hoàn thiện, đồng bộ về thể chế cơ chế chính sách từ các Nghị quyết của TƯ đến các luật. Cụ thể, ban hành Luật Quy hoạch 2017; Luật Kiến trúc 2019; Luật Xây dựng 2104 đã có sửa đổi 47 điều để thích hợp cho từng thời kỳ… Các nghị định, quyết định của Chính phủ về tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh bền vững, xây dựng nông thôn mới… Chính từ các đột phá này mà công tác quy hoạch đã được tích hợp, tác động đến định hướng các ngành, lĩnh vực để phát triển hài hòa từng bước hạn chế việc phát triển theo lợi ích ngành.

Trong quy hoạch, phát triển, quản lý đô thị đã có tiếp cận, học hỏi, chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xu thế phát triển đô thị hiện đại.

Điểm nổi bật thứ hai, tốc độ đô thị hóa rất cao, đến năm 2020 cả nước có 859 đô thị, đạt tỷ lệ xấp xỉ 40% (năm 2000 chỉ là 30%), mạng lưới các đô thị được phân bố đều trở thành động lực thức đẩy kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước, tạo điều kiện để Việt Nam trong giai đoạn tới sớm trở thành nước phát triển có công nền công nghiệp hiện đại, thu nhập ở mức trung bình cao.

Thứ ba, trong quy hoạch, phát triển, quản lý đô thị đã có tiếp cận, học hỏi, chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xu thế phát triển đô thị hiện đại, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, đô thị bền vững, đô thị xanh. Nhiều TP đã có kế hoạch xây dựng đô thị thông minh như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Để quản lý đô thị, chúng ta đã nghiên cứu và áp dụng mô hình chính quyền đô thị, hiện đang thí điểm ở Hà Nội, TP.HCM. Những đổi mới này sẽ có hiệu quả rất lớn trong cải cách hành chính, tiếp cận với khoa học công nghệ mới.

Thứ tư, trong phát triển đô thị đã chú trọng đến phát triển xây dựng nông thôn mới trong vùng và trong từng đô thị góp phần tạo bản sắc cho đô thị và giảm khoảng cách giàu nghèo. Tại Hà Nội hiện 100% xã có quy hoạch nông thôn mới, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ hơn 96%). Nhờ kết quả này đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xây dựng, hạ tầng đô thị, quy hoạch, thì vẫn còn những tồn tại.

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, các đô thị thiếu tính liên kết và tính đa ngành (vùng TP.HCM, vùng Thủ đô Hà Nội là những ví dụ điển hình); sự phối hợp đa ngành trong phát triển, quản lý đô thị còn lỏng lẻo. Nhiều dự án, khu đô thị còn chậm triển khai, chưa đưa đất vào sử dụng, tình trạng dự án xây lên còn bỏ hoang nhiều gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, làm xấu đi hình ảnh đô thị…

LUẬT QUY HOẠCH VÀ CÂU CHUYỆN GỠ RỐI TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Xét về hệ thống quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng thì trong đó tích hợp một số lĩnh vực như: đất đai, hạ tầng, kỹ thuật, giao thông, môi trường… Đối với quy hoạch đô thị - đây là một hệ thống gồm quy hoạch phát triển đô thị của cả quốc gia cho đến quy hoạch của vùng, quy hoạch của từng tỉnh, thành phố. Sau quy hoạch chung của từng thành phố thì đến các quy hoạch phân khu rồi đến quy hoạch chi tiết. Theo đó, cần phải nhìn nhận cả hệ thống chi tiết thì mới có thể đánh giá được tình hình quy hoạch của mỗi địa phương, thành phố.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội.

Bên cạnh đó, quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, hay nói cách khác, quy hoạch là khoa học dự báo. Trong những năm vừa qua có những giai đoạn dự báo chưa chuẩn xác, vì thế mà chất lượng quy hoạch còn có những tồn tại.

Tiếp theo là mối quan hệ giữa quy hoạch và kế hoạch. Ở đây còn có sự chưa thống nhất. Ví như Hà Nội quy hoạch 30 năm nhưng thậm chí chưa có sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển không gian với kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới giao thông.

Các nhà đầu tư hiện nay chỉ tập trung vào dự án của mình còn phần ngoài dự án thì do nhà nước làm bằng ngân sách, nhà nước thì lại chỉ xác định trọng điểm là chính, nên dẫn tới nhiều bất cập. Như vậy để thấy rằng, bất cập giữa quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt là thiếu nguồn lực để làm hạ tầng kỹ thuật khung…

Tại Việt Nam, ở cấp TP, cấp tỉnh đã có nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực đồng thời có hiệu lực như: Quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, giao thông, sử dụng đất… Trong mỗi quy hoạch đều đã có sự tham gia của nhiều bộ môn, ví như quy hoạch xây dựng đô thị có giao thông, cấp thoát nước, môi trường, kinh tế đô thị và kiến trúc… Khi đã tích hợp trong một đồ án quy hoạch là nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Nội dung quy hoạch đổi mới, đòi hỏi cần có chỉ đạo, phương pháp nghiên cứu mới.

Để triển khai hiệu quả trước hết cần xác định đầy đủ cơ sở khoa học khi xây dựng nhiệm vụ quy hoạch, lựa chọn thành phần tham gia Hội đồng thẩm định cần có năng lực, khách quan… Việc lấy ý kiến tham gia không chỉ là cấp bộ, từ các địa phương liền kề mà cần quan tâm đến cơ quan các cấp, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Kế đến, cần xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch từ cấp quốc gia đến TP.

Tóm lại, để có một quy hoạch toàn diện, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, phải coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Coi nhiệm vụ này là ưu tiên cần triển khai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ thì mới tạo ra nhiều cơ hội lớn phát triển đô thị theo hướng bền vững.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Quy hoạch đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến nhiều đô thị trên cả nước rơi vào “mớ bòng bong”, hiện tượng tắc nghẽn giao thông, ngập lụt tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình cho việc quy hoạch chạy theo dự án, điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Cần đổi mới hoàn toàn công tác quy hoạch, bám sát vào sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu thực của người dân, chứ không phải nhu cầu của doanh nghiệp để rồi cứ lập quy hoạch lại cho điều chỉnh.

Một quy hoạch tốt chỉ làm được trên nền tảng các thông số kỹ thuật về kinh tế - xã hội và một tầm nhìn chiến lược. Do đó, các số liệu về dân số, kinh tế - xã hội, nguồn lực, đất đai, môi trường... phải được cơ quan có trách nhiệm cập nhật chuẩn xác.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam
KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Từ những hạn chế trong công tác quy hoạch thời gian qua, chúng ta cần phải thay đổi tư duy lập quy hoạch. Bản quy hoạch phải thể hiện được tầm nhìn mới, tinh thần nói thật, làm thật, hướng đến mục tiêu cao nhất chính là cuộc sống hạnh phúc của người dân và phát triển đô thị một cách bền vững.

Những ngày này cả nước ta đang quyết liệt phòng chống đại dịch Covd-19, thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa chiến thắng đại dịch, vừa phát triển kinh tế” mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Những thay đổi và thích ứng của xã hội, và trong quản lý, điều hành từ TƯ đến các địa phương khi xảy ra dịch bệnh sẽ là kinh nghiệm quý giá rất cần được nghiên cứu, bổ sung cho dự thảo Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế TƯ xây dựng, để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về “ Một số chủ trương chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Và nếu được như vậy, tôi tin, sẽ có nhiều kịch bản, giải pháp cho đô thị hóa, cho quy hoạch phát triển đô thị bền vững trong những năm tới, thực hiện thành công “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030”  mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đưa nước ta phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong thế kỷ XXI.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top