Cũng như rất nhiều thị trấn ở phương Tây, lịch sử Westminster gây ấn tượng với những câu chuyện về nước. Vào mùa hè khô nóng năm 1962, Westminster nổ ra tranh luận nguồn nước ở đâu khi thời tiết hạn hán làm nghẹt thở thành phố nhỏ. Lúc này, các quan chức đã phải ban hành lệnh cấm phun nước. Chẳng mấy chốc cư dân nhận thấy nước trong vòi bắt đầu đổi màu và bốc mùi. Hóa ra là vì mạch nước ngầm cạn kiệt nên chính quyền đã phải hút nước từ hồ Kershaw Ditch nhưng không qua xử lý.
Dân chúng đã phản đối dữ dội và lo ngại bệnh tật vì nguồn nước sinh hoạt này. Thậm chí, hơn 100 phụ nữ có con nhỏ đã tập trung tại tòa thị chính để phản đối việc quản lý cấp thoát nước của thành phố. Họ còn vận động thu thập chữ ký để trưng cầu dân ý yêu cầu thành phố phải mua nước sạch phục vụ người dân hoặc có giải pháp lâu dài. Vụ việc căng thẳng đến nỗi khắp các tờ báo lớn đều đăng tải hình ảnh biểu tình của các bà mẹ.
Westminster đã buộc phải thỏa thuận lấy nước từ một chiếc hồ nhân tạo. Tuy nhiên, khi nguồn cung ổn định thì các quan chức thành phố cân nhắc về kế hoạch dài hơi hơn. Đó là đưa Westminster thành đô thị đáng sống bắt đầu với nguồn nước ổn định và bền vững. Có thể nói rằng, đây là bước tiến đánh dấu mốc quan trọng để Westminster trở thành thành phố thông minh như hiện nay.
Năm 2001, Nhà phân tích tài nguyên nước Stu Feinglas đã đưa ra bản kế hoạch sử dụng dữ liệu đất với dữ liệu nước. Feinglas và các đồng nghiệp đã đảm bảo rằng Westminster sẽ không bị cạn kiệt, ngay cả khi dân số bùng nổ từ dưới 10.000 vào thời điểm cuộc biểu tình của các bà mẹ cho đến bùng nổ dân số 113.000 người ngày nay. Thậm chí kế hoạch cung cầu nước còn được tính cho tương lai, đến nỗi thị trấn nhỏ này còn thoải mái nước để hỗ trợ hai đường trượt nước của công viên nước đầu tiên trên thế giới tại Colorado.
Ông Feinglas đã phân chia nước thành từng “gói” nhỏ, để dễ dàng sử dụng cho các địa điểm công cộng hoặc bán lẻ cho các gia đình. Ông ước tính sơ bộ lượng nước mà mỗi công trình sẽ sử dụng, sau đó xây dựng phần mềm GIS phủ lên các nguồn nước và cơ sở hạ tầng để dễ dàng nhìn thấy nhất, ví dụ một văn phòng có thể sử dụng bao nhiêu nước mỗi ngày.
Liệu pháp này là một bước tiến so với cách tính bình quân đầu người sử dụng bao nhiêu nước mà hiện nay các khu đô thị đang dựa vào. Vì nó phản ánh thực tế việc không gian nào sử dụng tốn nước hơn. Hơn nữa, phần mềm GIS cũng giúp các nhà quy hoạch có thể phát triển xây dựng thông minh hơn. Họ có thể nhìn thấy nơi nào là khu vực dành cho gia đình, nơi nào dành cho không gian công cộng, nơi nào cần đường ống nước mới và nơi nào cần tránh đường ống nước.
Để bản kế hoạch này thành công, Feinglas đã tốn không ít công sức bởi dữ liệu nước không phải bao giờ cũng sẵn sàng công khai. Nhất là với những thành phố lấy nước từ nhiều nguồn và dữ liệu ở dạng khác nhau. Ví dụ bang California đã phải thông qua luật năm 2016 mới yêu cầu được chính quyền chia sẻ dữ liệu nước của họ.
Khi kế hoạch trên của Westminster đi vào hoạt động và nhận thấy tính hiệu quả của nó, nhiều tiểu bang và thành phố đã cố gắng áp dụng. Colorado hiện nay đang kêu gọi 75% công dân tích hợp phần mềm bảo tồn nước và sử dụng đất vào năm 2025. Còn Arizona lại có luật yêu cầu các khu vực hành chính địa phương phải cập nhật phần mềm cấp thoát nước để dùng nước hiệu quả.