Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có Văn bản số 3825 /SVHTT-VMQTG đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho phép lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo đó, thời gian thực hiện quy hoạch là năm 2017 và gồm các nội dung: Các giải pháp phát triển các sản phẩm văn hóa và du lịch: Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp mới; Các giải pháp phát triển dịch vụ, đa dạng hóa các dịch vụ cho du khách ở cả ba phân khu: Nội tự, vườn Giám và hồ Văn; Quy hoạch lộ trình, tuyến tham quan, hệ thống biển thông tin, chỉ dẫn đối với khách tham quan, nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với vấn đề giao thông, bãi đỗ xe.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám là đơn vị lập quy hoạch.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám có tổng diện tích 54.331m2 (bao gồm các khu vực: Nội tự, vườn Giám và hồ Văn). Hàng năm có khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan di tích.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích vẫn chỉ tập trung vào khu vực Nội tự - nơi tiếp đón toàn bộ khách tham quan trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, khu Nội tự cũng chính là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, giáo dục, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật phục vụ các đoàn khách ngoại giao quốc tế, phục vụ khách tham quan..
Còn hai khu vực vườn Giám và hồ Văn, đặc biệt hồ Văn do trở ngại về địa lý, giao thông (nằm cách biệt với khu Nội tự bởi phố Quốc Tử Giám, một tuyến phố có mật độ giao thông cao, lưu lượng phương tiện giao thông dày đặc) nên chủ yếu để cho nhân dân, cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh di tích tập thể dục, hoàn toàn chưa được quy hoạch, sử dụng và khai thác phục vụ khách tham quan.
Trước đó, Di tích lịch sử và kiến trúc Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 548/QĐ-TTg (ngày 10/5/2012) của Thủ tướng Chính phủ.