Sáng 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là vấn đề khó, với xuất phát điểm ban đầu là Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua vào năm 2019.
Chủ tịch nước đánh giá, Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của luật quy hoạch, đồng thời chỉ rõ tầm nhìn của quy hoạch 30 năm là rất dài, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển. Đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia, nếu chậm, không cập nhật thì sẽ lạc hậu.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, đi liền với khoa học công nghệ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để thực hiện được quy hoạch. Chúng ta phải thay đổi nguồn nhân lực một cách căn bản, chất lượng thì mới thực hiện được các chiến lược, những kịch bản tăng trưởng.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, do đó khi đặt vấn đề về quy hoạch tại những trục chính, những đô thị, khu vực đông dân cư phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững.
Chủ tịch nước cho rằng, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao (quy hoạch đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng) vì chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo chưa rõ chi phí như thế nào để thực hiện các kịch bản, phát triển bền vững.
Cũng theo Chủ tịch nước, thể chế phải phù hợp để đất nước hội nhập quốc tế. Thể chế mà lạc hậu, chậm trễ thì sẽ kìm hãm phát triển. Đảng ta coi đột phá trong thể chế rất quan trọng trong quá trình tổ chức, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Đừng “vẽ” như New York, Paris rồi không làm được
Phát biểu về nội dung này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.Hồ Chí Minh) thì cho rằng, điều quan trọng nhất nhận được sự quan tâm của các đại biểu và nhân dân hiện nay là nguồn lực để đưa những ý tưởng trong quy hoạch đó trở thành hiện thực và được áp dụng vào cuộc sống.
Đề cập các hành lang kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, cái nào cũng quan trọng nhưng cần thứ tự ưu tiên theo giai đoạn. Ngoài ra, quy hoạch nào chưa làm ngay, chưa đền bù cho người dân phải công bố rõ để cho người dân được quyền xây dựng, sửa chữa nhà cửa…
Nhấn mạnh quy hoạch phải khả thi, Đại biểu Trần Hoàn Ngân lưu ý làm rõ nguồn lực để thực hiện quy hoạch, đừng “vẽ” như New York, Paris rồi không làm được.
“Khâu thể chế rất quan trọng, đầu tư công hiện nay có hạn mà đầu tư còn dàn trải, không nuôi dưỡng được nguồn thu. Bây giờ phải chuyển hướng sang các vùng động lực tăng trưởng; đẩy mạnh hợp tác công tư. Nhìn lại sân cỏ Mỹ Đình, rất đau xót. Nếu có sự hợp tác, liên doanh, giao khu vực tư quản lý khai thác thì có lẽ đã khác”, ông Ngân nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, qua tiếp cận hồ sơ, tờ trình quy hoạch tổng thể quốc gia, có thể thấy Chính phủ đã rất nỗ lực, công phu trong quá trình chuẩn bị. Quy hoạch tổng thể quốc gia khi được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, tỉnh. Đồng thời, góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém lâu nay trong công tác quy hoạch, đặc biệt là tình trạng tổ chức không gian phát triển còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ nét các vùng động lực và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
“Việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ là cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước”, ông Hòa chia sẻ.
Ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) băn khoăn về tính khả thi mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 32.000 USD vào năm 2050.
“Khi đặt ra được mục tiêu khả thi thì mới tính toán được các bước đi, giải pháp tiếp theo, còn mục tiêu không khả thi thì các bước đi sẽ gặp khó khăn. Tôi rất băn khoăn, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050”, ông Hùng nói.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch, hiện còn dở dang, như: Cơ sở dữ liệu đất đai chưa đầy đủ, vì vậy chưa thể định hình đang có gì, sẽ làm gì; hay cơ sở dữ liệu về con người, xã hội vẫn đang phân tán, chưa thống nhất… Khi cơ sở dữ liệu thiếu thì căn cứ lập quy hoạch chưa đảm bảo tính khả thi cao.
“Hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia đang đưa ra các vùng kinh tế, hành lang kinh tế, vùng động lực… nhưng lại có chồng lấn, chồng chéo trong đầu tư nguồn lực. Ai sẽ là người tổng chỉ huy, xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo này? Cần có giải trình, đánh giá rõ hơn để các vùng không cạnh tranh mà hỗ trợ nhau phát triển; bổ sung các cơ chế, chính sách cho thấy sự kết nối, liên kết giữa các vùng kinh tế, vùng động lực phát triển hay hành lang kinh tế”, ông Hùng nêu rõ.
Nêu quan điểm về tầm quan trọng và tổng quan về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn TP. Hải Phòng) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là bức tranh phát triển của đất nước và thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như khát vọng của Việt Nam đối với phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2030-2045 trở thành hiện thực.
Việc Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần hướng tới phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực miền núi, vùng khó khăn. Nếu chú trọng phát triển giao thông ở khu vực này thì sẽ kéo theo nền kinh tế-xã hội cũng phát triển theo.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tới phát triển hạ tầng số với chức năng liên kết vùng. Ngoài ra, để thích ứng với biến đổi khí hậu cần có hạ tầng tự nhiên để giảm thiểu thiên tai, bão lũ, nước biển dâng...
“Khi thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia phải theo lộ trình. Ngoài ngân sách Nhà nước, chúng ta cần huy động nguồn lực từ xã hội và Nhân dân cũng như sự hỗ trợ cũng như sử dụng tốt các khoản vay của các tổ chức quốc tế. Việc tổ chức thực hiện cần có sự rà soát các luật có liên quan đến Luật Quy hoạch để làm sao hệ thống pháp luật phải đồng bộ, không chồng chéo”, ông Hồi nói.