Aa

Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ Hai, 20/11/2023 - 06:10

Theo Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng định hướng xây dựng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực.

Đà Nẵng cũng được xác định với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; Trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; Thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực Châu Á; Đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Đà Nẵng - đô thị ven sông ven biển

3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu

Theo quy hoạch được phê duyệt, định hướng phát triển không gian đô thị Đà Nẵng sẽ gồm các phân khu: Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông (diện tích khoảng 6.644ha); Phân khu Ven vịnh Đà Nẵng (diện tích khoảng 1.530ha); Phân khu Cảng biển Liên Chiểu (diện tích khoảng 1.285ha); Phân khu Công nghệ cao (diện tích khoảng 5.585ha); Phân khu Trung tâm lõi xanh (diện tích khoảng 4.775ha); Phân khu Đổi mới sáng tạo (diện tích khoảng 3.903ha); Phân khu Sân bay (diện tích khoảng 1.327ha); Phân khu đô thị Sườn đồi (diện tích khoảng 2.729ha); Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (diện tích khoảng 2.986ha); Phân khu Dự trữ phát triển (diện tích khoảng 5.858ha); Phân khu sinh thái phía Tây (diện tích khoảng 57.692ha); Phân khu sinh thái phía Đông (bao gồm H. Hoàng Sa và bán đảo Sơn Trà diện tích khoảng 4.232ha). Cấu trúc đô thị đơn tâm (Q. Thanh Khê và Q. Hải Châu) được điều chỉnh thành phát triển đa cực. Phát triển toàn TP. Đà Nẵng trở thành một điểm du lịch lớn.

Thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống đô thị thành phố bao gồm khu vực đô thị trung tâm (6 quận hiện hữu) và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về mật độ dân số, mật độ xây dựng, các chỉ tiêu phát triển đô thị theo quy định và tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt. Phấn đấu xây dựng H. Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất. Đến năm 2030, TX. Hòa Vang có dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người, tỷ lệ đô thị hóa trên 90%, trung tâm hành chính của Thị xã dự kiến đặt tại xã Hoà Phong. Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù ở hải đảo.

Đô thị Đà Nẵng phát triển về hướng Tây - Tây Bắc

Khu vực trung tâm bao gồm 6 quận nội đô (Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp): Định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một khu trung tâm kinh doanh thương mại (Central Business District - CBD) hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống. Kiểm soát hành lang ven biển; thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số thấp hơn khu vực lõi sẽ phát triển với mật độ dân số cao hơn, mật độ xây dựng phù hợp quy chuẩn, hình thành các không gian xanh công cộng, các không gian mở trong các khu dân cư, xây dựng hệ thống giao thông tích hợp với mạng lưới giao thông công cộng chung toàn thành phố.

Khu vực phát triển đô thị mới: phát triển về phía Tây, Tây Bắc thành phố. Đến năm 2030, khu vực đô thị hoá được xác định tại 9 xã của H. Hoà Vang bao gồm: Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Sơn và một phần xã Hòa Ninh; tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 90%.

Định hướng phát triển không gian ngầm khu vực trung tâm: xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng.

Phấn đấu sớm đưa Hoà Vang trở thành thị xã

Quy hoạch vùng huyện Hòa Vang bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính H. Hòa Vang với tổng diện tích tự nhiên khoảng 73.317ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người. Phấn đấu xây dựng H. Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành Thị xã trực thuộc TP. Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất, trung tâm hành chính thị xã Hòa Vang dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.

Du lịch sinh thái đang dần phát triển ở huyện Hòa Vang

Hoà Vang sẽ được tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống. Tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho các giai đoạn sau năm 2030, sau năm 2045. Khu vực nông thôn tập trung tại huyện Hòa Vang, bao gồm khu dân cư nông thôn, các làng nghề truyền thống được cải tạo, chỉnh trang, các khu nhà vườn gắn kết với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, cộng đồng, bảo tồn thiên nhiên, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hiện có.

Theo đó, huyện sẽ bao có 4 vùng chức năng, gồm vùng công nghiệp công nghệ cao, định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung, công nghiệp hỗ trợ thông qua việc khai thác lợi thế các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao có sẵn và hình thành các khu công nghiệp mới, mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng; hình thành các trọng điểm, đầu mối giao thương về công nghiệp, logistics cho toàn vùng

Vùng phát triển dân cư, hình thành cụm dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ tại các tiểu vùng Đông Bắc, Đông Nam, đáp ứng nhu cầu ở của lực lượng lao động trong vùng. Vùng du lịch sinh thái, phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và cộng đồng với trọng điểm là khu vực Tây Nam (xã Hòa Ninh, Hòa Phú và Hòa Khương) và khu vực Tây Bắc (xã Hòa Bắc).

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: khai thác vùng sản xuất phía Nam thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn phát triển mô hình nông nghiệp hữu có, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với loại hình du lịch nông nghiệp.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top