Công bố của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/03/2017, cả nước có 23.071 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 300,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 158,45 tỷ USD, bằng 49,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Riêng trong quý I/2017, tính đến ngày 20/3, vốn FDI thực hiện đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 6,54 tỷ USD, chiếm 84,9%. Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I/2017 gồm: Dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh; Dự án nhà máy sản xuất xơ tổng hợp polyester của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương) điều chỉnh tăng vốn thêm 485,8 triệu USD; Dự án nước giải khát CocaCola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn 319,8 triệu USD;…
Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh BĐS với hơn 343 triệu USD, chiếm 4,4%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 296,8 triệu USD, chiếm 3,85% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong quý đầu năm, đã có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 910,8 triệu USD, chiếm 11,81% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào 52 tỉnh thành phố trong quý I/2017. Trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,61 tỷ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư. Binh Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 1,39 triệu USD, chiếm 18,04% tổng vốn đầu tư. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký gần 600 triệu USD chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.