Aa

Quý IV/2019, các ngân hàng tiếp tục cải thiện lợi nhuận và vốn

Thứ Ba, 05/11/2019 - 10:30

Thu nhập toàn ngành ngân hàng dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh từ 20% - 30% nhờ việc tiếp tục tăng phí dịch vụ, tăng trưởng khách hàng cá nhân và khai phá các mảnh đất mới nhiều tiềm năng.

Bảo hiểm và trái phiếu tiếp tục là yếu tố hỗ trợ

Kết quả kinh doanh quý III/2019 của các ngân hàng cho thấy bức tranh hệ thống tài chính có nhiều tín hiệu sáng cho cả năm 2019. Có tới khoảng 3/4 các ngân hàng báo lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, số ít giảm tốc tăng trưởng và rất ít lợi nhuận sụt giảm.

Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), quý IV/2019, thu nhập ngoài lãi (mảnh đất tiềm năng của các ngân hàng) dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 20% - 30% trong 2019.

Có thể thấy, trong nửa đầu năm, thu nhập ngoài lãi của toàn hệ thống đã tăng trưởng mạnh, nguồn thu chủ yếu đến từ: phí dịch vụ (tăng 46% so với cùng kỳ 2018 nhờ việc tăng trưởng khách hàng và tăng phí dịch vụ), tích cực thu hồi nợ xấu ngoại bảng và thu từ bán chéo sản phẩm bảo hiểm (bancassurance). 

Trong năm 2019, BSC kỳ vọng thu nhập ngoài lãi của toàn ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh từ 20% - 30% đối với toàn hệ thống nhờ việc tiếp tục tăng phí dịch vụ, tăng trưởng khách hàng cá nhân và khai phá các mảnh đất mới nhiều tiềm năng (bancassurance, trái phiếu,...).

Giới tài chính tiếp tục có cái nhìn khả quan về lợi nhuận của các ngân hàng trong quý cuối năm

Còn theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” mới nhất tiến hành vào tháng 9/2019 cho thấy, tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục có cải thiện tốt, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng cao so với năm trước, huy động vốn đến cuối năm nay cũng được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn so với cuối 2018.

Trong thời gian tới, 82,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý IV/2019 và 87,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018. Trong đó, 28,4 - 29,7% TCTD kỳ vọng cải thiện nhiều (cao hơn so với tỷ lệ 20 - 27,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019).

Cũng theo cuộc điều tra của NHNN, dự báo trong quý IV/2019, 79,4% TCTD kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng không thay đổi; 12,8% TCTD quan ngại rủi ro tăng nhẹ; 7,8% TCTD kỳ vọng rủi ro giảm. Dự báo tổng thể năm 2019 so với năm 2018, các TCTD đã có sự điều chỉnh kỳ vọng theo hướng tích cực hơn với 60% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức ổn định, 20% TCTD dự báo giảm.

Tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD từng bước được cải thiện với 27,6% TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị mình giảm trong quý III/2019 và 28,9% TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm trong quý IV/2019 (cao hơn tỷ lệ tương ứng 27,4 - 26,9% ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 6/2019).

Các nhà phân tích của BSC cũng cho rằng, một yếu tố tích cực trong quý cuối năm là nợ xấu có xu hướng giảm ở các ngân hàng niêm yết. Tỷ lệ NPL trung vị toàn ngành ở mức 1,6% (quý I/2019: 1,8%), tỷ lệ nợ nhóm 2 là 1,3% (quý I/2019: 1,7%) cho thấy các ngân hàng hiện đang tập trung xử lý nợ tồn đọng từ quá khứ, làm sạch bảng cân đối.

Bên cạnh đó, giảm nợ xấu giúp các ngân hàng giảm được chi phí trích lập dự phòng, từ đó cải thiện lợi nhuận. Một số ngân hàng ghi nhận giảm mạnh chi phí dự phòng, hỗ trợ lợi nhuận trong thời gian qua như TCB, ACB là ví dụ điển hình.

Tỷ lệ chi phí dự phòng/lợi nhuận thuần trước dự phòng được đẩy mạnh nhằm xóa các khoản nợ xấu (28,2% so với 18,7% trong quý II/2018). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCRs) = 75,9%. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng thành công Basel II trước hạn và sẽ có cơ chế quản lý và tăng trưởng tín dụng riêng trong thời gian tới.

Nhóm phân tích cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nửa đầu năm ở mức 8,64%, thấp hơn so với 9,52% cùng kỳ năm 2018 (đến 30/9 tín dụng tăng 9,4%).

Cơ cấu cho vay vẫn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại - là những lĩnh vực được ưu tiên cho vay của chính phủ. Mức cung tiền M2 tăng trưởng lũy kế hết 9 tháng đạt mức 8,6% so với đầu năm, tương đương mức tăng trưởng tín dụng. Cung cầu tín dụng được kiểm soát tốt sẽ giúp mặt bằng lãi suất ổn định (trung bình lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6 - 9%, trung và dài hạn ởmức 9 - 11%).

Về triển vọng quý IV/2019, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống có thể sẽ đạt mức 12% - 13%, chủ yếu do nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn cùng việc siết chặt cho vay các ngành nghề rủi ro. Thứ nữa là nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc trong thời gian tới.

Yếu tố vốn cải thiện rõ rệt

Huy động vốn của hệ thống trong 7 tháng đầu năm đạt 7,6%, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) giảm xuống mức 88,7%. Tỷ lệ cho vay/huy động của các NHTM Nhà nước và NHTMCP tiếp tục giữ ở mức cao (92,9% và 84,5%), vượt quá mức NHNN cho phép.

Tuy nhiên, nhờ việc huy động tăng trưởng tốt, áp lực về tỷ lệ LDR cao đang dần được cải thiện. Lãi suất huy động tại các kỳ hạn trung và dài hạn tăng mạnh do nhu cầu bổ sung vốn trung và dài hạn khi bị hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong thời gian tới. Lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức thấp và giảm chủ yếu do việc cắt lãi suất điều hành của NHNN (giảm tỷ lệ OMO xuống 4,5%), hiện đang ở mức dưới 2% với lãi suất qua đêm và 1 tuần.

Yếu tố vốn cũng đang tích cực dần

NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) trong năm 2019 sẽ tăng nhẹ nhờ việc dịch chuyển cơ cấu cho vay. Trong nửa đầu năm, NIM toàn ngành được cải thiện, trung bình mức NIM của các ngân hàng niêm yết đạt 3,51%, cao hơn so với mức 3,2% cùng kỳ năm trước nhờ ba yếu tố.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng chậm lại; thứ hai là lãi suất huy động tăng ở các kỳ hạn dài trong khi lãi suất cho vay ổn định và thứ ba là cơ cấu lại các khoản vay với lãi suất cao hơn. Việc cơ cấu các khoản vay này diễn ra nhanh hơn dự kiến, do đó BSC thay đổi quan điểm so với báo cáo trước về xu hướng NIM của ngân hàng trong 2019.

Các ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu vốn theo yêu cầu Basel II thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (VCB, BID), phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.

Trong tháng 7/2019, các ngân hàng tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu vốn theo yêu cầu Basel II thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; phát hành tăng vốn cho cổ đông nước ngoài (VCB, BID); phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.

Chẳng hạn, BID đã đàm phán xong việc bán 15% cho KEB Hana Bank với giá 33.640 VND/cp, hiện đang hoàn thành nốt các thủ tục phát hành. Các ngân hàng khác như VPB, TPB... hiện đang phát hành các trái phiếu quốc tế thời hạn dài nhằm tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện CAR của các TCTD này.

Hiện nay, CAR Basel I của toàn ngành, theo ước tính của BSC, đang ở mức 11% (CAR Basel II sẽ thấp hơn từ 1% - 2%).

Do đó các nhà phân tích cũng đưa ra thêm một dự báo đối với các ngân hàng đó là kế hoạch niêm yết. Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, các ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết bao gồm: OCB, MSB, SeABank, ABBank, Saigonbank, Nam A Bank và Việt Á. Trong đó khả năng OCB và MSB có thể sẽ lên sàn vào cuối năm 2019.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top