Aa

Vì sao nhiều ngân hàng Việt được đánh giá cao

Chủ Nhật, 27/10/2019 - 13:30

The Asian Banker vừa tiếp tục vinh danh 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất thế giới, trong đó có nhiều ngân hàng Việt. Đâu là lý do các ngân hàng Việt Nam nhận được sự đánh giá cao, tiếp tục khẳng định vị thế trong khu vực.

Để hiểu hơn cách nhìn nhận, đánh giá của các tổ chức quốc tế về ngân hàng Việt Nam, phóng viên đã trao đổi với chuyên gia ngân hàng LS. TS. Bùi Quang Tín.

Tốc độ tăng trưởng vốn và đầu tư công nghệ thông tin của các ngân hàng Việt Nam có sự tiến bộ đáng kể

- Đâu là những điểm cộng giúp cho các ngân hàng Việt Nam được đánh giá ngày càng cao hơn, thưa ông?

LS. TS. Bùi Quang Tín: Tôi cho rằng, thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam có nhiều tiêu chí được thêm điểm cộng trong mắt các nhà xếp hạng quốc tế như Asian Banker. Theo tôi, chỉ số hiệu quả kinh doanh là chỉ số mà các tổ chức này quan tâm đến hàng đầu khi đánh giá năng lực cạnh tranh như ROA, ROE, lợi nhuận, doanh thu, số lượng khách hàng…

Xét về con số tuyệt đối, có thể lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với nhiều ngân hàng khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Nhưng xét về tốc độ tăng trưởng tuyệt đối thì chúng ta có bước bứt phá hơn so với nhiều ngân hàng khác. Trong mấy năm gần đây, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam khá tốt, có ngân hàng tăng trưởng được khoảng 10 - 20% lợi nhuận. Đối với các ngân hàng lớn trên thế giới tăng được 3 - 5% lợi nhuận so với năm trước không hề dễ dàng.

Một tiêu chí nữa, theo tôi các tổ chức thường xét đến khi đánh giá năng lực cạnh tranh của các ngân hàng là thị phần. Hiện tại 4 ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam chiếm gần 50% thị phần tín dụng. Trong khi thực tế trên thế giới những ngân hàng chiếm thị phần lớn như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng vốn, và đầu tư công nghệ thông tin, một vài năm gần đây các ngân hàng Việt Nam có sự tiến bộ đáng kể để chuẩn bị tuân thủ chuẩn mực Basel II. Đánh giá một cách công bằng thì so với các nước trên thế giới họ đã đáp ứng được yêu cầu của Basel II trước các ngân hàng Việt Nam một thời gian khá dài. Nhưng khi những tổ chức này đánh giá thì họ sẽ xem xét về sự tiến bộ trong việc tuân thủ chuẩn mực quốc tế của các ngân hàng Việt Nam.

Tính đến thời điểm này có hơn 10 ngân hàng hoàn thành sớm Thông tư 41. Chưa kể là các ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực kết nối hệ thống tài chính toàn cầu thông qua mở chi nhánh, phòng giao dịch tại nhiều nước trên thế giới… Theo tôi, chính yếu tố trên đưa các ngân hàng Việt Nam lọt vào danh sách các ngân hàng lớn mạnh trên thế giới là phù hợp.

- Với những gì đang diễn ra, theo ông thời gian tới, số ngân hàng Việt Nam lọt vào danh sách các ngân hàng lớn mạnh trên thế giới, trong khu vực sẽ tăng lên?

LS. TS. Bùi Quang Tín: Chắc chắn là sẽ tăng. Như bạn biết, đến 1/1/2020, tất cả các ngân hàng phải áp dụng theo quy định tại Thông tư 41. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn khá nhiều ngân hàng chưa đạt được yêu cầu. Nên bản thân ngân hàng thương mại chưa đáp ứng được quy định tại Thông tư 41 phải nỗ lực hơn rất nhiều để sớm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Sức ép nữa đến từ cuộc chơi toàn cầu. Sắp tới khi các hiệp định tự do thương mại, EVFTA thông qua, sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài vào Việt Nam sâu rộng hơn. Chính sách cũng ngày càng "phẳng", không có sự phân biệt chính sách đối với ngân hàng trong nước và nước ngoài. Nên thời gian tới các ngân hàng phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng được chuẩn mực, gia tăng tính cạnh tranh, hội nhập toàn cầu…

Khi các ngân hàng Việt Nam quyết tâm, nỗ lực thực hiện, tôi nghĩ rằng, lúc đó có thêm nhiều ngân hàng được lọt vào danh sách ngân hàng lớn trong khu vực, và cả trên thế giới. Còn ngân hàng nào không làm được tự họ bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu này.

- Theo ông, để đạt được mục tiêu sẽ có 1- 2 ngân hàng vươn tầm trên thế giới, ngoài nỗ lực của các ngân hàng, còn cần thêm sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước không?

LS. TS. Bùi Quang Tín: Xét ở góc độ về thể chế, cùng với độ mở kinh tế hiện nay, tôi cho rằng cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước khá thông thoáng, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính ngân hàng Việt Nam vươn ra toàn cầu thông qua các hình thức như mở chi nhánh ở nước ngoài, hoặc là niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế…

Do vậy, theo tôi, vấn đề quan trọng là bản thân sức khoẻ nội tại của ngân hàng thương mại thế nào, có đủ sức chơi trên sân chơi rộng lớn này không. Chẳng hạn như sức khoẻ ngân hàng Việt Nam có đáp ứng tiêu chí của các nước đó hay không… Nếu đủ sức, đủ năng lực để tham gia kết nối, theo tôi đây thực sự là cuộc chơi vô cùng mở rộng.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top