Aa

Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất như thế nào?

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Sáu, 08/09/2017 - 23:01

Theo dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không quá 70 năm. Căn cứ đề nghị của nhà đầu tư và quy mô, tính chất của dự án đầu tư, Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời hạn sử dụng đất hơn 70 năm, nhưng không quá 99 năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Theo dự thảo Luật, Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư các ngành, nghề ưu tiên phát triển, công nghệ cao; áp dụng phương thức quản lý tiên tiến từ nước ngoài và hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nhà nước có chính sách đặc thù để phát triển các ngành, nghề phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế so sánh của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Phú Quốc sẽ là 1 trong 3

Phú Quốc sẽ là 1 trong 3 "đặc khu kinh tế" ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Vietnamnet

Cụ thể, đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phát triển các ngành nghề: Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong phát triển công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; thương mại, tài chính.

Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế.

Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có bộ máy quản lý hành chính tinh gọn; có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính thuận lợi, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân.

Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Đối với quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đơn vị hành chính - kinh tế  đặc biệt, dự thảo đề xuất: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đất đai thuê đất, thuê lại đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 174 và Điều 175 của Luật đất đai tương ứng với hình thức sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không quá 70 (bảy mươi) năm.

Căn cứ đề nghị của nhà đầu tư và quy mô, tính chất của dự án đầu tư, Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời hạn sử dụng đất hơn 70 năm, nhưng không quá 99 năm đối với dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc và các dự án đầu tư sau:

Thuộc ngành, nghề và đáp ứng điều kiện quy định tại Phụ lục 2 của Luật này tại đơn vị hành chính - kinh tế Vân Đồn; Thuộc ngành, nghề và đáp ứng điều kiện quy định tại Phụ lục 3 của Luật này tại đơn vị hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong; Thuộc ngành, nghề và đáp ứng điều kiện quy định tại Phụ lục 4 của Luật này tại đơn vị hành chính - kinh tế Phú Quốc; Của nhà đầu tư chiến lược đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật này.

Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đất đai được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo pháp luật về nhà ở, có quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, du lịch tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nhà ở và theo quy định tại Luật này.

Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xác định các khu vực an ninh - quốc phòng trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Việc sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất trong đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt phải phù hợp với quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trường hợp nào không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng?

Theo dự thảo luật, có một số trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng và thẩm định thiết kế xây dựng trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt 

Công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư có quy mô dưới 7 tầng hoặc tổng diện tích sàn dưới 500m2 và nằm trong các khu chức năng đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thiết kế cơ sở được thẩm định.

Công trình xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt dưới 20m2; biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt dưới 40m2.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top