Nghe có vẻ rất nghịch lý, nhưng lại là chuyện thật.
Chuyện thế này. Chả là hồi nước mình mới bỏ kinh tế kế hoạch hóa, chuyển sang kinh tế thị trường. Ngành dược mà tôi đang làm việc cũng vậy, phải nhao hết ra với thị trường mà kiếm sống với nhau. Lúc ấy tôi đang phụ trách một xưởng pha chế cũng kha khá, sản xuất độ gần ba mươi mặt hàng thuốc thông thường. Bán khá chạy. Thế nhưng trong cái lúc giao thời giữa kinh tế kế hoạch hóa và kinh tế thị trường thật vô cùng lộn xộn. Hiểu biết về kinh tế thị trường của mọi người thật mơ hồ, tôi thậm chí còn nghĩ, thị trường nghĩa là chợ. Cả nước mình sẽ biến thành một cái chợ khổng lồ. Nên mình cũng phải đi buôn! Vả lại lúc đó tôi cũng chán cái cảnh sản xuất mà phải ăn đong nguyên liệu, phải đi chạy mua từ hóa chất cho đến cái vỏ chai, nút bấc khắp Hà Nội. Mà bán hàng cho khách nhiều khi bị bùng cả tiền lẫn hàng. Rồi lại sống trong cái cơ chế nhập nhoạng, cũng không được quyền tự chủ làm ăn nên tôi đâm chán, âm thầm mở nhà thuốc bán lẻ, đi buôn thuốc tây…
Ngày ấy Hà Nội cũng mới bắt đầu bung ra kinh doanh dược tư nhân. Rất nhanh chóng, mấy cái chợ thuốc được hình thành: Hàng Rươi, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lê Duẩn… Sau này một chút là Láng Hạ, Ngọc Khánh, Giảng Võ. Cơ mà tôi không định kể cho các bạn nghe cái quãng đời đi buôn bán thuốc Tây hồi xưa của mình làm gì. Mà tôi nói các bạn biết rằng, thực ra tôi học ở Hà Nội, lê la đi tìm kiếm nguyên phụ liệu cho sản xuất pha chế dược khắp hang cùng ngõ hẻm, ăn uống ở nơi phố xá này suốt bao năm rồi, thế nhưng đến dịp ấy tôi mới phát hiện ra mấy cái món quà quê, thực ra ăn ở ngoài này lại ngon hơn cả.
Tôi đóng thuốc ở bên Hàng Rươi. Khách hàng lâu năm có tín nhiệm nên đâm ra thân tình không những với chủ nhà thuốc bán buôn, mà còn thân với cả các nhân viên bán hàng. Có một cô bé nhân viên nhỏ nhắn, xinh lắm, khá thân tôi. Một hôm tôi ra đóng hàng sớm, nàng bảo: “Anh nay ra sớm thế chắc chưa ăn sáng, ra đây em đãi bát canh bún riêu cua!”
Quê tôi vốn không xa Hà Nội. Chỉ trên dưới ba mươi cây số là đến Bờ Hồ rồi. Nên tôi thường phóng xe máy ra phố, đưa cái sớ đóng hàng “dài từ chợ Đồng Xuân đến ga Hàng Cỏ”- Lời cô nàng, cho nhân viên nhà thuốc rồi đi mới đi ăn sáng, cà phê cà pháo…
Nghe nàng nhân viên mời vậy, tôi chả thấy hào hứng với cái món canh bún riêu cua quê mùa, mình vẫn ăn suốt ở nhà. Nhưng vì người đẹp mời nên nể, đi theo. Mà nàng rất tinh tế, nhìn nét mặt tôi, bồi luôn: “Ra đây ăn với em. Em đãi. Rồi anh sẽ thay đổi nhận thức của mình về bún riêu cua đấy!”
Tôi và nàng đi bộ ra chỗ ngã ba đầu phố Hàng Đồng với phố Hàng Gà. Góc đó có một cái cột điện sắt cổ từ thời Pháp. Một bà già gương mặt phúc hậu, tóc bạc trắng đã ngồi sẵn với đôi quang gánh là thùng canh bún riêu, rổ rau sống, mẹt gia vị… Xúm xít xung quanh là người ăn đủ mọi lứa tuổi. Ngồi trên những cái ghế nhỏ ghép bằng ba miếng gỗ đơn giản. Chúng tôi gọi mỗi người một bát. Một bát ô tô canh bún riêu cua nóng hổi múc từ cái nồi nhôm to, ủ trong một cái giành đan tre, xung quanh có lớp bao tải gai giữ nhiệt.
Nàng gắp cho tôi một gắp rau sống gồm rau diếp, mùi tàu, ngổ, tía tô, hành… đã được thái nhỏ, để trong một cái xảo sề to đan bằng tre mà mới đầu nhìn thấy, tôi liên tưởng đến xảo rau lợn ở quê. Dìm rau vào nước bún riêu nóng, thêm chút tương ớt, chút mắm tôm đặc. Trộn đều. Và dùng thìa múc, húp… Tôi không tả được mùi vị của bát bún riêu cua ăn lần đầu tiên trên phố cổ ấy.
Nó là tổng hợp của các gia vị, màu sắc, hương thơm… hòa quyện vào với nhau trong một bát canh bún riêu nóng hổi, đậm đặc hồn quê mà vẫn phảng phất nét tinh tế của Hà Thành. Thơm ngon đến giọt cuối cùng. Tôi đã húp sạch cả nước riêu mà chả ngại ngần là đang đi ăn với một cô nàng gái Hà Nội xinh xắn. Nàng hỏi tôi: “Anh thấy chưa? Bún riêu quê anh chả là cái gì nhé! Em nói rồi mà…”
Từ đấy trở đi tôi như nghiện cái món canh bún riêu cua của bà cụ bán hàng trên phố cổ. Và cũng từ đó, tôi mới phát hiện ra một điều, thực ra các món quà quê vốn quen thuộc của mình, ở ngoài này người ta chế biến kỹ càng nên ăn ngon một cách xuất sắc hơn nhiều. Đơn giản như bún ốc, ốc luộc… chẳng hạn. Cũng phải thôi, Hà Nội là thủ đô, là nơi tập trung tinh hoa của cả nước, nên ai đó muốn sống được ở cái đất này đều phải tận tâm tận lực với một cái nghề nào đó, thậm chí là phải đưa lên đến mức tinh hoa kia.
Hương vị đặc sắc của món ăn phải đạt đến mức tinh tế. Ví như nồi canh bún riêu cua của cụ bà bán mỗi buổi sáng, chỉ trong khoảng một giờ là hết kia, tuyệt không bao giờ có cái vị “hoi” của cua mà tôi vốn rất ghét. Từ ấy trở đi mỗi khi thèm, muốn ăn món quà quê canh bún riêu cua, tôi lại canh giờ phóng xe vào phố cổ để ăn, bởi đến muộn thì chả còn.
Thế rồi theo quy luật thị trường, cái chợ thuốc tự phát chỗ Hàng Rươi dần thu hẹp và teo đi. Các nhà kinh doanh thuốc tân dược lũ lượt kéo nhau xuống Ngọc Khánh - Giảng Võ, Láng Hạ lập chợ bán buôn. Thành ra tôi cũng không lượn lờ nhiều ở phố cổ nữa, vì chẳng tiện đường. Phóng xe qua cầu Chương Dương là sầm sập lao sang Cửa Bắc, chạy chéo ra Hoàng Diệu rồi phi thẳng xuống Giảng Võ. Bẵng đi một thời gian, cái món canh bún riêu cua buổi sáng trên phố cổ không còn được ăn nữa. Cũng thèm. Cơ mà lúc ấy cái sự nghiệp kiếm tiền từ những công ten nơ hàng tân dược Đông Âu đánh về hấp dẫn tôi dữ dội. Thu hút hết tâm trí tôi. Nhưng có hôm, tôi thèm quá, bèn đi sớm hơn lượn vào trong phố cổ, tới chỗ cây cột điện sắt ngã ba đầu phố Hàng Đồng. Nhưng chẳng thấy bà bán bún đâu. Vài lần nữa, vòng qua có ý ngóng tìm, nhưng cũng không gặp được cái gánh bún riêu quen thuộc để mà ghé xe vào làm một bát. Tôi cũng không tiện hỏi dân phố. Bởi không quen là một chuyện. Còn bởi tôi cứ có linh tính sao đó, bà bán bún riêu cua già, phúc hậu, nhẹ nhàng ngồi góc phố với nồi canh bún riêu thơm ngát mũi, khi đã đi xa mất rồi.
Vật đổi sao dời, cô nàng đãi tôi bát bún 5 trăm đồng ngày nào (bát phở khi ấy là 2 ngàn), theo chồng đi kiếm ăn phương nào mà lâu lắm chả gặp. Cây cột điện sắt cổ ngã ba phố người ta cũng nhổ đi rồi. Mà tôi thì cũng chẳng còn long nhong xe máy khắp phố cổ lùng sục bán buôn nữa. Nhưng mỗi dịp đi qua góc ngã ba ấy, tôi vẫn như ngửi thấy mùi thơm lựng của bát canh bún riêu cua nóng hổi năm nào…