Dù đã ban hành các cơ chế, chính sách, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo nhưng đến nay việc cải tạo chung cư cũ ở các tỉnh, thành trên cả nước vẫn vô cùng chậm chạp.
Theo Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 2/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, Bộ Xây dựng được giao đề xuất phương án và kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Thực hiện Chỉ thị này, ngày 22/6/2017, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Cụ thể: Tiếp tục thực hiện và sớm hoàn thành việc tổ chức thống kê rà soát, đánh giá, kiểm định an toàn chịu lực các nhà chung cư cũ trên địa bàn; Lập, phê duyệt và công khai chương trình, kế hoạch cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Các đơn vị thực hiện tổng hợp và báo cáo một số nội dung: Tình hình triển khai và kết quả rà soát, đánh giá kiểm định an toàn chịu lực đối với nhà chung cư cũ trên phạm vi địa bàn; Tình hình lập, phê duyệt chương trình, kế hoạch cải tạo nhà chung cư cũ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 101/2015 NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ; Kết quả thực hiện và những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.
Trước đó, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện toàn TP chỉ mới hoàn thành xây dựng lại 9 chung cư (B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I1, I2, I3 Thái Hà, P3 Phương Liệt, A6, C7 Giảng Võ).
Trong khi đó, trên địa bàn có tổng số 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.
Tại TP.HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận: quận 1, quận 10, quận 3, quận 5, quận 4.
Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, TP.HCM chỉ mới tháo dỡ để xây mới 32 chung cư cũ hư hỏng với khoảng 4.000 hộ gia đình.
Nói về tình trạng ì ạch của việc cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến việc buông lỏng quản lý, thiếu kinh phí bảo trì, làm cho quỹ nhà chung cư cũ ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Hà, muốn đẩy nhanh tốc độ cải tạo chung cư cũ, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, từ cấp thành phố đến quận, phường và quy trách nhiệm đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.