Cụ thể, dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đề xuất theo hình thức PPP đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt từ tháng 4/2017 với tổng mức đầu tư sơ bộ là 16.002 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư là 13.444 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia dự án để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 2.558 tỷ đồng).
Còn theo Quyết định số 706/QĐ-BXD ban hành vào 6/2017 của Bộ Xây dựng, cao tốc 4 làn xe có suất vốn đầu tư là 122,49 tỷ đồng/km và định mức cho phí xây dựng là 100,32 tỷ đồng/km (chưa tính cho phí xử lý nền đất yếu, các công trình kiên cố đặc biệt…). Trong khi đó, suất đầu tư dự án được báo cáo là 146,69 tỷ đồng/km, cao hơn 24,2 tỷ đồng so với quy định.
Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát lại cách tính suất vốn đầu tư, phương án thiết kế, quy mô đầu tư hợp lý đảm bảo đầu tư hiệu quả, phù hợp với định mức được Bộ Xây dựng công bố. Trường hợp dự án có tính riêng biệt, điều kiện địa hình, vận chuyển đặc biệt khó khăn… thì cần nêu rõ trong thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc phụ lục kèm theo.
Bộ KH&ĐT cũng góp ý UBND tỉnh Quảng Ninh cần tham khảo thêm mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại tại thời điểm đàm phán hợp đồng để đảm bảo nguyên tắc lãi suát vốn vay không vượt quá lãi suất trung bình cho vay trung và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước theo quy định. Khi đấu thầu chọn nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn…
Ngoài ra, theo quy định tại Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13, kể từ ngày 1/1/2017, việc thu phí giao thông đường bộ hoàn vốn cho dự án BOT sẽ thực hiện theo cơ chế giá. Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị điều chỉnh lại khái niệm “thu phí” và “trạm thu phí” thành “thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” và “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”. Tỉnh cũng cần cập nhật, bổ sung thêm phương án về việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ điện tử tự động không dừng theo quy định./.