Aa

“Rào cản” tín dụng năm 2021

Thứ Ba, 29/12/2020 - 08:00

Theo nhiều chuyên gia, nợ xấu ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021. Nợ xấu được xem là rào cản có nguy cơ gây tắc dòng chảy tín dụng năm tới.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021.

Nợ xấu của một số ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020. Nguồn: Vndirect

Nợ xấu tăng mạnh

Thống kê 17 ngân hàng thương mại niêm yết cuối tháng 9/2020 cho thấy, nợ xấu hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản. Đáng quan ngại hơn là nợ có khả năng mất vốn ở nhiều ngân hàng tăng gấp 3 - 4 lần so với cuối năm 2019.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, những con số trên vẫn chưa phản ánh hết bức tranh nợ xấu thực tế hiện nay của các nhà băng, bởi hiện có khá nhiều khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về bản chất đã là nợ xấu.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định: “Đến cuối năm 2020, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng sẽ lên trên 3%, tới 2021 con số này sẽ lên tới 3,5 - 4%”, ông Lực nhận định.

Thực tế hoạt động ngân hàng giai đoạn trước cũng đã cho thấy, nợ xấu tăng cao đã làm “đóng băng” tín dụng do một lượng vốn không nhỏ đã nằm chết trong các khoản nợ xấu và các ngân hàng cũng không dám mạnh tay cho vay thêm khi hệ số an toàn vốn đã đụng trần vì nợ xấu.

Trong khi đó, hiện nhu cầu vốn của doanh nghiệp và rộng hơn là của nền kinh tế đang rất lớn để phục hồi trở lại sau đại dịch. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với ngành ngân hàng có giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu trong năm tới.

Nếu nợ xấu không được xử lý hiệu quả, sẽ trở thành "cục máu đông" cản trở dòng chảy tín dụng

Để không ảnh hưởng tới tín dụng

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi chờ luật hóa xử lý nợ xấu và thành lập sàn giao dịch nợ, các ngân hàng cần tiếp tục tăng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu (dự phòng rủi ro/nợ xấu) để đảm bảo an toàn trong hoạt động và không ảnh hưởng tới dòng chảy tín dụng.

“Việc tăng trích lập dự phòng rủi ro sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, song điều này là cần thiết để các ngân hàng có nguồn xử lý nợ xấu trong tương lai, nhất là khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực, nhiều khoản nợ sẽ trở về theo đúng bản chất của nó”, một chuyên gia nhấn mạnh và khuyến nghị, dù tín dụng tăng ở mức nào, thì chất lượng tín dụng vẫn phải được đặt lên hàng đầu để hạn chế nợ xấu mới phát sinh khi mà áp lực nợ xấu từ các khoản nợ cũ đang rất lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top