Ba năm mới bấy nhiêu ngày…
Tôi cộng tác với Reatimes như một sự hữu duyên. Gặp ông Tổng biên tập, một người quen cũ của vợ, trong một bữa ăn do chính ông tổ chức để, như ông nói “cầu hiền”. Ông đặt tôi viết bài, trả nhuận bút trước, còn thì tùy tôi. Chơi sang và hảo hán đến thế, nghiêm túc đến thế, khó mà không tìm cách để đáp lại hết lòng. Người bạn hiền đồng môn cũng là nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Thành Phong, nữ phóng viên xinh đẹp Đỗ Hồng Vân sớm cho tôi hình dung về một tờ báo có phong cách đàng hoàng, đề cao sự tử tế và biết giữ lời vàng. Bén duyên và quyện duyên từ bấy.
Thấm thoắt đã ba năm, một chặng vừa ngắn vừa dài của một tờ báo. Ngắn vì đó luôn là khoảng thời gian chỉ vừa đủ để một đơn vị báo chí tạo dựng cái khung, tạo dựng nề nếp. Nhưng với Reatimes trẻ trung, nhờ trẻ trung, năng động, mạnh mẽ, thì thời gian ấy đã thực sự sinh cơ lập nghiệp, tuy chưa đến mức có ruộng cả, ao liền - nói theo lối ví von của nông dân - nhưng cũng đủ để tự tin bắt đầu gây dựng một sản nghiệp vạm vỡ từ cái nền vững chãi.
Tôi hãnh diện vì trong bước đường vươn lên của Reatimes thành một tờ báo tầm vóc không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, có chút đóng góp nhỏ của mình. Mục Reablog thực sự là một sáng tạo độc đáo, cho cả bạn đọc và người viết. Nó đúng nghĩa là một diễn đàn văn hóa, xã hội sang trọng. Nhưng hơn tất cả, nó luôn khiến tôi (và có thể các bạn viết của tôi) hào hứng, đầy trách nhiệm mỗi khi ngồi xuống bàn, cẩn trọng trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề nào đó của xã hội mà mình thấy cần phải có tiếng nói. Tôi biết ơn các bạn đã cho tôi cơ hội hiện diện và thể hiện bản thân. Tôi rất cảm kích về sự chăm sóc tận tình, tinh tế, đầy thấu hiểu, đầy cầu thị của tòa soạn.
Nhân đây tôi thành thực muốn nói rằng, chưa ở đâu tôi thấy cảm giác mình đang ở nhà, như khi đến với Reatimes.
Reatimes và tôi!
Đầu tiên tôi biết Reatimes - Tạp chí điện tử Bất Động Sản Việt Nam qua ông bạn nhà thơ, nhà báo, nhà văn... Nguyễn Thành Phong.
Kể từ cái buổi ban đầu chập chững sơ khai ấy, đến nay đã tròn ba năm. Ba năm là thời gian để cho đứa bé làng Phù Đổng lớn vụt lên thành thánh Gióng! Nói thế mà chẳng sợ quá chút nào. Từ số không đúng nghĩa, nay Reatimes đã trở thành một tên tuổi, một thương hiệu trong nền báo chí nước nhà. Một tờ tạp chí điện tử với nhiều chuyên mục: Thời sự, cà phê bất động sản, thị trường... Và đặc biệt là chuyên mục Reablog, nơi mình và mấy ông nhà văn, nhà báo khác chuyên “chém gió” hàng tuần. Thì đúng là chém gió mà! Bọn mình vốn đã hay chém gió trên facebook về đủ thứ chuyện trên đời, tay Phong trong một bữa rượu bảo: “Đằng nào các ông cũng chém gió trên facebook, thì sao các ông không chém trên Reablog? Vừa có diễn đàn đông vui lại vừa được... tiền nhuận bút?”. Quá hay. Thế là bọn mình viết thôi!
Quả thực là một sự hay ho đến không ngờ. Nhiều bài trên Reablog của mình được bạn đọc xa gần đón nhận và chia sẻ. Đặc biệt là những bài viết về tư vấn thuốc, sức khỏe. Mình viết những bài này như là một sự đóng góp cho cộng đồng bởi thấy trên mạng nhiều thông tin xấu có hại cho mọi người. Mình là dược sĩ, chả lẽ lại nhắm mắt bỏ qua không đành. Và nó cũng như một quãng nghỉ sau những giây phút đắm chìm với tiểu thuyết, truyện ngắn...
Thời gian thấm thoắt trôi, từ lúc còn phải băn khoăn Reatimes nghĩa là gì nhỉ, thì giờ đây Tạp chí này đã trở thành một cái gì rất đỗi thân quen.
Tuổi lên 4: Chắp cánh để lan tỏa
Tôi “bén duyên” với Reatimes tình cờ khi được mời làm Giám khảo cuộc thi "Nơi Tôi Sống". Đó là cả một Hội đồng Giám khảo “khủng”, “hội tụ” toàn các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà biên kịch, họa sĩ, kiến trúc sư có tiếng của Việt Nam, những người tôi ngưỡng mộ từ lâu. Buổi tọa đàm công bố cuộc thi, gặp lại người đồng nghiệp cũ, từng có thời gian làm cùng TTXVN Phạm Nguyễn Toan tôi mới biết “người cầm lái” của Reatimes, tạp chí điện tử non trẻ nhưng liên tục đổi mới, cả nội dung thông tin lẫn công nghệ.
Sau mối lương duyên từ "Nơi Tôi Sống", tôi tiếp tục đồng hành cùng Reatimes trên chuyên trang điện tử “Bất động sản du lịch”, với chuyên mục “Photo Travel”.
Làm việc tại Báo Ảnh Việt Nam - tờ báo đa ngữ, chuyên ảnh duy nhất ở TTXVN gần 20 năm, có điều kiện di chuyển nhiều, tôi đã sử dụng tối đa những khuôn hình mình có được trên nhiều báo và tạp chí trong nước như Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Nông thôn Ngày nay, Đẹp, Người Đẹp Việt Nam, Mỹ Phẩm… Thường đó là các chuyên mục dạng “Điểm đến”, trên phiên bản in, sử dụng nhiều nhiều ảnh với lối trình bày hiện đại.
Là một người thích xê dịch, lúc nào cũng tranh thủ xách ba lô lên và đi nên bất kỳ. Điểm đến nào, dù có quay lại tôi đều cảm nhận ở đó những điều "mới" và "lạ" trong cả cảm xúc lẫn khuôn hình chụp. Đó cũng là những “tút”, “visual diary/nhật ký hình ảnh” vẫn viết đều trên trang cá nhân và thường là những cảm xúc ghi nhanh, ngay nơi mình đến.
Ở cái thời mà mạng xã hội chia sẻ hình ảnh mỗi chuyến đi hằng ngày, bất kỳ ai cũng trở thành các nhà nhiếp ảnh "du lịch" cho chính chuyến đi của mình cùng gia đình, bạn bè hay công việc thì việc chia sẻ đó cũng thêm giá trị lan tỏa của những điểm đến Việt.
Tôi cũng như các phóng viên ảnh đồng nghiệp, sau mỗi cú bấm máy là mong muốn một “chuyện ảnh” được kể, bằng ánh sáng, lớp lang thông tin, bố cục, màu sắc… của nhiếp ảnh. Gửi gắm đơn giản nhất là những dòng cảm xúc trong khoảnh khắc mình chụp cho những người bạn (trên facebook), rồi đến độc giả (với ấn phẩm và sản phẩm thông tin) chia sẻ vẻ đẹp những nơi cần đến, những con người sẽ gặp, những câu chuyện diễn ra ở vùng đất mình mong muốn khám phá, nếu có cơ hội trải nghiệm.
Có lẽ đồng cảm với những điều này, “người cầm lái” Reatimes, Tổng biên tập Phạm Nguyễn Toan đã “ngỏ” lời, thế là chuyên mục “Photo Travel” hình thành với kỳ đầu tiên là cuộc “Dạo chơi trên đôi tay của Phật”. Đó là những ngày cuối năm 2018, khi cả hai “ông lớn” của giới truyền thông là CNN và Reuters cùng lúc đưa Cầu Vàng (Golden Bridge Ba Na Hills) ở Đà Nẵng vào top ảnh ấn tượng của năm 2018.
Thế là khi mà các định dạng kiểu “Điểm đến” bị hạn chế trên các phiên bản in, kể cả tạp chí lớn thì nền tảng điện tử lại cho phép chuyển tải những câu chuyện thị giác nhiều hơn. Đó cũng là xu hướng chung của các báo điện tử trên toàn cầu, sử dụng nhiều các ảnh du lịch (travel photographs) như một cách làm hấp dẫn giao diện của cả mobile lẫn desktop. Tên chuyên mục “Photo Travel” cũng được hình thành từ những xu hướng và ý tưởng ấy, khi độc giả có điều kiện đến nhiều điểm du lịch hơn trong điều kiện hiện nay. Mỗi tuần, đều đặn khoảng 350 - 900 chữ cho bài và 10 - 14 ảnh, trong đó có nhiều khuôn hình được chụp bởi chiếc điện thoại cầm tay, chào ngày mới đúng 6h30 phút, mỗi sáng thứ bảy.
Gần 9 tháng sau cái “ngỏ” lời của Tổng biên tập Phạm Nguyễn Toan, “Photo Travel” đã xuất bản gần 50 “chuyện ảnh”, tương đương 500 bức ảnh du lịch (travel photographs) đến với bạn đọc Reatimes. 50 “chuyện ảnh” cũng là cơ hội để tôi thử nghiệm “Mobile Journalism - làm báo bằng điện thoại di động” trong nhiều loạt phóng sự. Xu hướng này đã biến chiếc điện thoại di động của tôi thành một “tòa soạn báo di động”. Chỉ cần Internet tốc độ cao, các app hỗ trợ, việc tác nghiệp bằng điện thoại di động như soạn thảo, chụp và xử lý ảnh giúp rất nhiều cho những người hay dịch chuyển như tôi.
Khi du học ở Melbourne, có một Project tôi từng thực hiện mang tên "DAILY LIFE MELBOURNE IN MY MOBILE MOMENTS - Cuộc sống ở Melbourne qua những khoảnh khắc từ điện thoại" là thành công đến từ Cảm xúc và Đam mê với nhiếp ảnh của cá nhân. Câu chuyện ảnh của Dự án này bắt đầu từ những ngày du học Master Media and Communication tại Swinburne University of Technology (Melbourne, Úc). Thời điểm đó tôi coi Thành phố nơi mình du học là một điểm đến và đăng ký với giáo viên phụ trách lớp Dự án chụp ảnh từ Iphone, cảm nhận cuộc sống qua những khoảnh khắc từ mobile photos và viết và đưa lên trang Facebook của mình như một nhật ký bằng hình ảnh về Melbourne.
Hơn một năm rưỡi sau, ngày chọn và giới thiệu 97 bức ảnh chụp từ điện thoại với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau về Melbourne - Thành phố nơi tôi sống, Thành phố nơi tôi học và Thành phố nơi tôi có những chuyến đi đã được cả giáo viên lẫn các bạn Úc khi đó (năm 2012) chia sẻ. Và giờ, với “Bất động sản du lịch”, chuyên mục “Photo Travel” chính là sự nối tiếp thử nghiệm “Mobile Journalism”, những khoảnh khắc mobile photos ở những điểm đến nước Việt.
Với tạp chí điện tử, đặc biệt là “Bất động sản du lịch”, tương lai tôi mong sẽ có những thay đổi lớn về nền tảng công nghệ để chuyển tải hình ảnh, cả video lẫn photos. Công nghệ sẽ cho phép text chữ hiện đại hơn, thân thiện với người đọc khi tương tác trên cả mobile lẫn desktop. Longform hay Megastory sẽ là những định dạng mang lại những trải nghiệm sang trọng và ấn tượng cho những câu chuyện có nhiều lớp thông tin thị giác.
Chúc mừng Reatimes tuổi lên 4, sẽ mở đầu với những đổi mới về công nghệ chuyển tải, chắp cánh cho những nội dung hay và câu chuyện hấp dẫn của những người làm báo Trẻ. Khi đó, sự lan tỏa của tờ Tạp chí điện tử Bất động sản hàng đầu Việt Nam sẽ rộng khắp hơn, ngoài lĩnh vực chuyên biệt!