Reatimes Tuổi 8 - Sức trẻ và sự sáng tạo
Có người nói, Tuổi 8 đang là tuổi sung sức, với sức trẻ đang vào độ chín. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác. "Sức trẻ" bây giờ không nằm ở tuổi tác mà nằm ở sức "sáng tạo", sức trẻ không tính bằng năm tháng mà tính bằng sự đổi mới.
***
1. Ngày 8/8 năm nay, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam – Reatimes tròn 8 tuổi. Sinh nhật thì dứt khoát phải có Party, nhưng tôi thích cái cách mở Party bằng một ấn phẩm Tầm vóc Việt Nam của Tổng biên tập Phạm Nguyễn Toan.
Ấn phẩm như thế nào thì để dành bạn đọc đánh giá sau khi thẩm định và trải nghiệm, ngẫm nghĩ; nhưng riêng cái cách chọn số bài và số trang đã gây ấn tượng: 64 bài là 64 góc nhìn của các chính khách, lãnh đạo, chuyên gia trong các lĩnh vực. Tại sao lại là 64? Vì 64 là tích số của 8 x 8, là cấp số nhân, cấp số của sự phát triển nhanh và mạnh. Và, 888 trang là dãy số của ngày (8), tháng (8) và số năm kỷ niệm (8), cũng là dãy số của sự phát triển. Nói ra điều này không phải là cổ súy cho triết lý duy tâm, mà là để nói lên tâm nguyện của những người làm báo Reatimes hướng đến sự phát triển, mong muốn phát triển và thực sự 8 năm qua đã có trưởng thành và phát triển nhanh chóng, như kỳ vọng đặt ra ban đầu.
2. Trong 8 năm qua của Reatimes thì có đến một nửa là khởi nghiệp, một nửa còn lại là khó khăn bởi đại dịch Covid-19 và hậu quả của nó. Việc duy trì ổn định đã khó, phát triển quả thật là một điều không hề dễ dàng. Trong hệ thống báo chí, đối với "báo" đã khó, với "chí" còn khó gấp bội... Thế rồi, sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ đã tác động sâu sắc đến hoạt động báo chí với cả thời cơ và thách thức. Mới kịp định hình "tòa soạn hội tụ" thì đã cập nhật "phóng viên đa năng"... Và bây giờ là gì? Tôi nghĩ có lẽ phải gọi là "phóng viên hội tụ", bởi không còn sự phân biệt rạch ròi giữa các chức năng nữa. Lại nữa, "chuyển đổi số" chưa xong thì đã cập nhật AI.
Và sẽ là những gì tiếp theo??? Không ai có thể trả lời chính xác được. Bởi có những điều hôm nay chúng ta còn nghĩ là "điên rồ" thì ngày mai ngày kia nó đã hiện hữu, thậm chí đến mức phổ biến. Bởi vậy, chưa nói là "dừng lại", mà chỉ cần "đi chậm" một chút cũng đã rớt lại phía sau. Bởi thế giới biến động hằng ngày hằng giờ, cuộc cách mạng số đang diễn ra từng giờ và tạo ra những bước ngoặt không ai có thể hình dung ra hết được. Sự thay đổi ấy buộc tất cả đều phải thay đổi, trong đó có báo chí; buộc mọi người đều phải thay đổi, trong đó có Reatimes.
3. Bởi vậy, tôi rất thích phương châm của Tổng biên tập Phạm Nguyễn Toan, phải tự thay đổi trước khi buộc phải thay đổi. Bởi vậy, Reatimes đã nhanh chóng chuyển từ "báo" sang "chí", và từng bước chủ động định hình thương hiệu: Báo chí chuyên gia, báo chí dữ liệu, báo chí giải pháp; với những cuốn đặc san chuyên đề được ra đều đặn hằng năm và một Viện Nghiên cứu bất động sản của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ra đời năm 2020 bên cạnh trợ lực.
Mỗi ấn phẩm đặc san có thể coi như một nghiên cứu chuyên đề, nó chứa đựng hàm lượng chất xám khá cao trong đó, không chỉ có giá trị nhất thời mà còn có giá trị lâu dài như một nguồn tư liệu để khai thác.
Thế rồi, ngay sau khi ra đời, Viện Nghiên cứu bất động sản đã nhận đề tài vừa mang tính thời sự nhưng cũng không kém phần hóc búa, đó là công trình nghiên cứu khoa học với đề tài "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách". Cái khó ở đây không nằm ở trình độ, năng lực, cũng không chỉ nằm ở vấn đề tài chính. Vấn đề then chốt là ở chỗ, lĩnh vực bất động sản nói chung và thị trường bất động sản ở Việt Nam nói riêng đang trong quá trình vận động hướng tới sự chuyên nghiệp; vì vậy, để nắm bắt đã khó, định hình và nhất là "lượng hóa" còn khó gấp bội. Và, làm sao để Đề tài không những có giá trị trước mắt, trong sự vận động của sự vật, mà còn hữu hiệu lâu dài còn khó hơn. Nhưng tất cả những khó khăn ấy, đội ngũ chuyên gia đã vượt được qua, quan trọng nhất là đã "lượng hóa" được những nội dung tưởng như khó nắm bắt, làm cơ sở khoa học cho việc tham khảo để tính toán khi xây dựng cũng như phản biện chính sách.
Quan trọng hơn, đối với Reatimes, đây cũng là cơ sở để Tạp chí tự tin, quyết tâm hướng tới định hình và phát triển thương hiệu "Báo chí chuyên gia, báo chí dữ liệu, báo chí giải pháp". Và bước đầu đã thành công. Một điều rất vui là, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài, năm 2024, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách: Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách. Đây là cuốn sách chuyên khảo được xuất bản lần thứ hai, có chỉnh sửa và bổ sung, theo đặt hàng của Nhà nước.
4. Có thể nói, sự thành công của tư duy "tự thay đổi trước khi buộc phải thay đổi" thể hiện qua hàng chục ấn phẩm đặc san, hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên đề và những đề tài nghiên cứu khoa học cùng những tuyến bài, chuyên đề trên Tạp chí điện tử... chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho vấn đề nóng bỏng đang được đặt ra với không chỉ Reatimes: "Thích ứng hay là chết!". Cái khó nhất bước đầu đã vượt được qua để Reatimes tự tin bước sang tuổi thứ chín, tuổi của sự chín chắn, chín muồi. Có người nói, Tuổi 8 đang là tuổi sung sức, với sức trẻ đang vào độ chín. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác. "Sức trẻ" bây giờ không nằm ở tuổi tác mà nằm ở sức "sáng tạo", sức trẻ không tính bằng năm tháng mà tính bằng sự đổi mới.
5. Các nhà báo khi viết về doanh nghiệp trong thời đại hiện đại, trong thời đại số thường nhắc đến cụm từ "khởi nghiệp không ngừng", bởi nếu dừng lại có nghĩa là "chết". Báo chí cũng vậy, nhất là trong thời đại số. Bởi vậy, tiếp theo sự "thích ứng" phải là "phát triển". Bởi, thích ứng là phương tiện chứ không phải là mục đích, mục đích luôn luôn là "phát triển". Hơn nữa, thích ứng chỉ là để "tồn tại", nhưng muốn tồn tại bền vững thì phải phát triển. Bởi vậy, cao hơn sự thích ứng, muốn phát triển thì dứt khoát phải sáng tạo.
Tôi nghĩ, những người làm báo Reatimes đã nỗ lực vượt qua chính mình, không ngừng sáng tạo và đổi mới, đúng hơn là tự làm mới mình, và bước đầu đã khẳng định được mình ở Tuổi 8. Đó chính là nền tảng để những người làm báo Reatimes bước vào Tuổi 9 một cách tự tin, để chủ động đổi mới không ngừng, mỗi người phải luôn tự đổi mới sáng tạo, như một sự khởi nghiệp liên tục để phát triển./.