Aa

Rửa sạch những con sông “thối” của Hà Nội: Liệu có hình thành con sông đào lịch sử?

Thứ Năm, 27/10/2016 - 16:05

Chẳng cần nhìn ra thế giới để tìm minh chứng cho những quyết định mang tính lịch sử về những con sông đào, như kênh Kinh Hàng của Trung Quốc dài 1.794km, kênh Suez của Ai Cập dài 193km..., mà theo sử sách của Việt Nam, chỉ trong 30 năm đầu thời nhà Nguyễn (1814-1844), các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị đã cho đào tới 8 con kênh lớn tựa như những con sông nhỏ để phục vụ cuộc sống người dân.

Vào năm Gia Long thứ 13 (1814), sông Lợi Nông (hay còn gọi là sông An Cựu) được đào bắt đầu từ phía đông-nam của xã Phú Xuân (thời bấy giờ), nối với sông Hương dài khoảng 45 dặm (gần 20 km) quanh co theo các làng mạc rồi đổ vào đầm Hà Trung.

Bốn năm sau, vua Gia Long lại tiếp tục ra chỉ dụ cho đào sông Thoại Hà (hay còn gọi là sông Tam Khê). Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại được giao chỉ huy khoảng 1.500 người đào sông, có cả người Việt lẫn người Khơme. Sông Thoại Hà, nay thường gọi là kênh Long Xuyên - Rạch Giá, với chiều dài độ 72 dặm (gần 32 km), rộng khoảng 40m.

Kênh Thoại Hà, đoạn chảy qua thị trấn Núi Sập.

Kênh Thoại Hà, đoạn chảy qua thị trấn Núi Sập.

Chỉ sau đó một năm (1819), sông Vĩnh Tế được đào với chiều dài đến 91km, chiều rộng trung bình khoảng 40m. Công việc diễn ra trên 5 năm, kéo dài đến năm 1824. Sông Vĩnh Tế được đào chảy thông từ địa phận tỉnh Châu Đốc đến Hà Tiên. Tiến độ thi công được chia thành 2 đợt: đợt 1 huy động trên 10.500 dân binh; đợt 2 cũng với lượng dân binh gần như vậy và đều dưới sự chỉ huy, giám sát của viên trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại.

Nhưng vào năm 1823, vua Minh Mạng lại giao cho thủ trấn thành Gia Định bấy giờ là Lê Văn Duyệt điều khiển và đốc thúc hơn 39.000 dân binh sở tại cùng 16.000 người Khơme tiếp tục đào các đoạn còn lại.

Đến năm 1824, khi công việc đào sông đã tạm ổn, việc chỉ huy lại được giao cho trấn thủ Nguyễn Văn Thoại như trước. Đặc biệt, như để ghi nhớ công lao của viên quan có công đầu trong việc đào sông này, vua Minh Mạng đã lấy tên vợ Nguyễn Văn Thoại là bà Châu Thị Vĩnh Tế để đặt tên cho dòng sông.

Liền trong năm 1824, sau khi kết thúc việc đào sông Vĩnh Tế, vua Minh Mạng lại ra chỉ dụ cho đào sông Vĩnh Điện. Dưới sự điều khiển của viên cai bạ Lê Đại Cương, 3.000 dân binh cật lực đào trong 2 tháng thì hoàn tất một đoạn sông khoảng 16 dặm (độ 7km), thông từ xã Câu Nhi đến xã Cẩm Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam.

Nhưng chỉ năm sau (1825), xét thấy quy mô của dòng sông chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn của địa phương này, vua Minh Mạng lại dụ rằng: “Sông Vĩnh Điện Quảng Nam không phải không có chỗ nông cạn. Vậy cho doanh ấy đích thân đi khám xét cẩn thận, đoạn nào cát ứ lại, nước sâu không quá 3 thước, thì đều liệu theo thời giá thuê dân phu trong hạt gộp sức vét thêm cho nước sâu tới mức từ 3 thước trở lên”. Bấy giờ, quan thống chế Trương Văn Minh chỉ huy, giám sát 8.000 dân binh đào lại sông Vĩnh Điện. Đợt đào tạo được tiến hành trong 4 tháng cho việc nắn thẳng lại dòng chảy, mở rộng dòng sông ra độ 24m.

Năm tiếp theo (1836), vua Minh Mạng lại cho đào sông Phổ Lợi ở Thuận Hóa. Con sông này thông từ sông cũ là La Ỷ đến hạ lưu sông Diêm Trường với chiều dài khoảng 25 dặm (độ 11km), phần đào thêm khoảng 4,6 dặm (độ 2km) có khả năng chia nước của sông Hương vào mùa lũ, mặt khác phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, nhất là về mặt cấp nước tưới tiêu vào mùa kiệt.

Nhưng sau đó một năm, xét thấy việc đào sông Phổ Lợi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, vua Minh Mạng lại tiếp tục chỉ dụ: “Năm trước khai đào sông Phổ Lợi để cho có lợi muôn đời không cùng. Lần ấy dân vì mưa lụt, chưa được thành công. Đã chuẩn y cho sang xuân tiếp tục làm. Nay thời tiết tạnh nắng, chính là lúc có thể thi công được. Vậy giao cho kinh doãn liệu thuê dân hạt 3.000 người, cứ chiếu chỗ nào năm ngoái hiện chưa làm xong và một đoạn hướng mới làm tiếp. Lấy ngày tháng giêng năm nay khởi công, theo đúng quy thức mà khai đào, sao cho trong tháng 2 phải nhất loạt hoàn thành”. 

So với hai triều vua trước, đến triều Thiệu Trị chỉ có một con sông được xem là tương đối lớn trong hệ thống sông đào Việt Nam dưới thời Nguyễn, đó là sông Tân Châu.

Con sông này thông từ cửa sông Chu Giang ngang qua sông Tiền Giang rồi chảy qua đồn Tân Châu với chiều dài tổng cộng trên 40 dặm (khoảng 17km). Trong đó, phần đào thêm ước khoảng 20 dặm (khoảng 8km). Qua quá trình đào sông, triều đình đã chi trên 63.000 quan tiền, trên 21.000 phương gạo. Sông được đào rộng ngang trên bề mặt khoảng 6 trượng (khoảng 24m), chiều rộng dưới đáy chỉ có một nửa, sâu 9 thước (khoảng 3,6m)...

Kể lại những việc sử sách đã ghi để bạn đọc thấy rằng, cha ông đã từng chăm sóc cuộc sống của dân chúng qua những con sông đào như thế nào.

Nay, nhiều con sông ở Hà Nội đang bị bức tử, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm và cạn kiệt, cuộc sống người dân Thủ đô ngày càng bức bối về “những con sông thối khủng khiếp”..., liệu Hà Nội đã đến thời điểm cần hình thành con sông đào lịch sử để cứu lấy môi trường sống của Thủ đô ngàn năm văn vật trước khi chưa muộn?

Xin lưu ý, con kênh dẫn nước tự chảy từ sông Đà về thau rửa thường xuyên những sông ô nhiễm nặng của Thủ đô, như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch..., mà các nhà khoa học của chúng ta đề xuất chỉ chưa đầy 40km.

Kỳ sau: Công sức của các nhà khoa học

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top