Sự xuất hiện của các tòa cao ốc, các khu đô thị nghìn tỷ là minh chứng tất yếu cho quá trình đô thị hóa ở Việt Nam nói riêng, các nước phát triển nói chung. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc vào năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa của châu Á đang ở mức 50%, châu Âu là 74% và Bắc Mỹ là 82%. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, cuộc chạy đua siêu đô thị diễn ra sôi động trên thế giới ,đặc biệt ở khu vực châu Á.
Riêng đối với Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa trên cả nước năm 2018 đạt 38%. Hiện tại, cả nước có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78% (tăng 1% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% (tăng 2% so với năm 2017), quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100% (tăng 0,6% so với năm 2017).
Không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị, hướng tới siêu đô thị vệ tinh. Mặc dù tỷ lệ đô thị hóa chung của Việt Nam mới chỉ đạt mức chưa đến 40%, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là dấu hiệu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, phần lớn các khu đô thị lại tập trung tại một số trung tâm là những thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... ; ở các khu vực khác vẫn còn ở mức thấp.
Sự phát triển không đồng đều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng đô thị, gây áp lực về dân số, cơ sở hạ tầng, các vấn đề an sinh xã hội không được đảm bảo gây quan ngại về chất lượng cuộc sống. Kéo theo đó là bức tranh về cơn khát nhà đất đang diễn ra ở các đô thị, cuộc chạy đua của các nhà đầu tư và sự lúng túng của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề về quy hoạch.
Cơn ác mộng “rừng bê tông”
Sự xuất hiện của các cao ốc sánh ngang với tốc độ “nấm mọc sau mưa” đang biến nhiều khu vực đô thị thành những khu “rừng bê tông” cao tầng. Hiểu theo nghĩa đen thì cụm từ này ám chỉ những khu đô thị hoặc khu dân cư có những tòa nhà được xây dựng từ bê tông hoặc các vật liệu tương tự với mật độ cao, dày đặc. Nhưng lại không có chỗ để dân cư “thở” bởi thiếu không gian xanh, không gian công cộng, mang đến cảm giác không gian sống chật chội, bức bối. Còn hiểu theo góc độ sâu xa hơn, thì “rừng bê tông” chính là hiện hữu tồi tệ minh chứng cho chất lượng của cuộc sống trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Một môi trường sống được dựng lên bằng sự cứng nhắc, lạnh lẽo, ảm đạm, thiếu đi sức sống, trong khi môi trường sống mới là yếu tố quyết định đến chất lượng sống, chất lượng của một đô thị.
Trong quá trình đô thị hóa, không thể phủ nhận cao ốc là một một lời giải tất yếu cho bài toán giải quyết vấn đề chỗ ở, khi dân số tập trung tại các khu đô thị, các thành phố lớn ngày càng gia tăng mạnh mẽ, trong khi đất đai lại không thể mở rộng hay “đẻ” thêm.
Thêm nữa, tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ ở khu vực lõi của các đô thị, dẫn đến việc mở rộng cơ sở hạ tầng là điều bắt buộc. Bên cạnh đó cộng đồng lân cận cũng bị hút vào khu vực trung tâm, tạo ra một đô thị ngổn ngang, thiếu đồng bộ và kết nối. Tuy nhiên không phải thành phố nào cũng xây dựng được cho mình những chính sách quy hoạch rõ ràng và toàn diện, nên dẫn đến tình trạng càng cố gắng giải bài toán quy hoạch đô thị thì lại càng đi vào bế tắc.
Minh chứng rõ nhất cho sự quy hoạch mất kiểm soát là hiện tượng nhồi nhét các khối bê tông khổng lồ tạo thành “rừng bê tông” phải kể đến tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Theo như quy hoạch thì tuyến đường này được xây dựng để giảm tải áp lực cho tuyến đường huyết mạch Nguyễn Trãi nhưng kể từ khi thông xe năm 2010, thì hàng loạt cao ốc đua nhau mọc lên dọc hai bên trục đường. Mặc dù chỉ vỏn vẹn 2km, nhưng lại oằn mình “gánh” đến 40 tòa cao ốc cao từ 20-30 tầng. Hay trên tuyến đường Nguyễn Tuân (nút giao Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi) chỉ hơn 1km nhưng đang phải “ còng lưng” “cõng” hơn 20 dự án nhà chung cư cao tầng. Chưa kể các tuyến đường như Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng,... cũng đang chịu chung số phận.
… “bức tử” hạ tầng
Đường thông đến đâu, nhà mọc đến đó, thậm chí những có những con đường còn mới chỉ chớm “nằm trên giấy” thì các dự án bất động sản đã rục rịch, thậm chí đưa vào sử dụng trước khi đường thông. Cuộc chạy đua giữa đường và nhà cứ diễn ra không hồi kết. Nhưng thực tế thì thắng thua đã rõ. Khi lượng cao ốc cứ ùn ùn mọc lên, còn những con đường vốn là điểm cộng hút khách của dự án bất động sản thì nay lại đang bị chính những dự án này bóp nghẹt.
Tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên, thậm chí không phải giờ cao điểm, bởi lẽ những khu “rừng bê tông” này đã đón một lượng lớn dân cư sinh sống, tạo áp lực rất lớn đến hạ tầng giao thông của thành phố. Đây không chỉ là nỗi ám ảnh với những cư dân sống dọc các tuyến đường này mà còn là cơn ác mộng của không ít người mỗi lần qua đây.
Giới chuyên gia quy hoạch – kiến trúc cho rằng, thực trạng quy hoạch Hà Nội hiện nay chính là biểu hiện của căn bệnh “đầu to đô thị”. Ngày càng nhiều những đô thị bị nén cao độ ở trung tâm mọc lên, trong khi đường xá không thể “phình” ra khiến hạ tầng rơi vào tình trạng quá tải, phải “oằn lưng” gánh một “núi” người khổng lồ, tạo ra những hệ luỵ tồi tệ như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, thiếu cơ sở dịch vụ, hạ tầng xã hội…
Mặc dù chính quyền đã có nhiều nỗ lực trong điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Tình trạng thực thi nửa vời, thiếu giám sát quản lý dẫn đến hiện tượng phản ứng ngược - quy hoạch bị “băm nát”, chậm tiến độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống.
Chưa bàn đến các vấn đề phúc lợi xã hội, không gian sống phục vụ cư dân, mà chỉ riêng vấn đề hạ tầng giao thông đã đáng để các nhà quy hoạch phải trăn trở.
Đã có không ít những giải pháp được đưa ra pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông như xe buýt nhanh BRT. Nhưng thực tế cho thấy, việc xẻ đường làm làn riêng cho BRT đã khiến phần đường dành cho các phương tiện khác bị thu hẹp lại. Kết quả là BRT cũng chẳng thể nhanh hơn, mà lại mải miết bon chen cùng dòng xe mỗi khi vào giờ cao điểm, tạo ra cảnh tắt càng thêm tắc.
Hiện TP. Hà Nội cũng đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, nhằm đẩy mạnh dịch vụ vận tải công cộng, góp phần giảm tải áp lực giao thông cho đô thị. Chưa bàn đến hiệu quả ra sao, nhưng với tốc độ thi công “rùa bò” thì chính những dự án này đang trở thành một trong những nguyên nhân khiến các khu vực tuyến đường đi qua trở thành “điểm đen” ùn ứ, tắc nghẽn do quá trình thi công ngổn ngang, phần đường dành cho lưu thông bị thu hẹp.
Thật khó để tìm ra được lời giải cho bài toán hạ tầng giao thông nói riêng, quy hoạch đô thị Việt Nam nói chung trước bối cảnh hiện nay. Và không biết đến khi nào thì người dân mới thực sự được sống trong không gian đô thị đúng nghĩa như “viễn cảnh” được các nhà đầu tư vẽ ra để thu hút khách hàng.