Aa

Rúng động xứ Thanh: Bán trái quy định gần 30ha đất, hàng trăm người điêu đứng

Thứ Sáu, 03/05/2019 - 21:41

Đây là vụ việc được cho là rất nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hơn 25 năm, liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cựu cán bộ, cán bộ đương chức, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để tại Thanh Hóa

UBND các phường, xã Quảng Đại, xã Quảng Hùng, Quảng Vinh (trước thuộc huyện Quảng Xương, nay thuộc TP. Sầm Sơn) đã thu và giao quyền sử dụng đất trái quy định cho hơn 700 tổ chức, cá nhân, tương đương diện tích đất gần 30ha. Được biết, việc bán đất không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không thuộc thẩm quyền của xã. Đây là vụ việc được cho là hết sức nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hơn 25 năm (từ năm 1994) liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cựu cán bộ, cán bộ đương chức, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Từ lá đơn kiến nghị...

Theo các cụ cao niên tại xã Quảng Đại, vào những năm 1994, 1995 của thế kỷ trước, các xã Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Vinh (thuộc huyện Quảng Xương, nay thuộc TP. Sầm Sơn) bỗng rộ lên cơn “sốt đất” vùng ven biển. Khi ấy người ta phao tin rằng, tại địa phương sắp có quy hoạch dự án bất động sản lớn nên ai nấy đều sốt sắng đua “chặng nước rút”, giành quyền sở hữu đất. Nhiều ông chủ kinh doanh ở Hà Nội, hàng loạt nhà đầu cơ đất đai khu vực lân cận TP. Thanh Hóa lũ lượt rủ nhau ôm tiền vào đầu cơ hoặc tranh thủ lướt sống bất động sản, khiến vùng quê nghèo vốn bình yên bỗng trở nên náo nhiệt.

Năm ấy, chị T.N. (trú tại Hà Nội) cũng vì nghe tin đồn “sốt” đất nên đã cùng bạn bè cùng cơ quan chung tiền đầu tư hàng nghìn mét vuông đất tại xã Quảng Đại với mong muốn có thêm mảnh đất về già an dưỡng.

Sau khi hoàn tất các thủ tục tài chính với xã, chị N. được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 600m2, tờ bản đồ số 4, số thửa 254. Những tưởng cầm được sổ đỏ trong tay là đã “thuận buồm xuôi gió”, thì bất ngờ chị N. phát hiện thửa đất mình đã mua đứng tên một pháp nhân khác đã tồn tại trước khi chị được cấp sổ đỏ.

“Sau khi chúng tôi làm đơn khiếu nại, chính quyền xã Quảng Đại hứa sẽ đền cho một mảnh đất khác, nhưng đã hàng chục năm nay đất thì chẳng thấy đâu, còn dân thì cứ khiếu kiện hết năm này qua năm khác”, chị N. nói và cho biết, nhiều đồng nghiệp của chị cũng rơi vào hoàn cảnh sổ đỏ có mà đất chẳng thấy đâu.

Tương tự trường hợp trên, ông D.S. (khu phố Minh Khai, phường Quảng Vinh, Sầm Sơn) sau khi đã nộp tiền sử dụng đất cho diện tích đất 200m2 mới “tá hỏa” vì phát hiện chính quyền giao đất cho ông trên khu vực đất ở của hộ gia đình khác (ông Hải) đang sử dụng ổn định.

Ngoài chị N., ông D.S, xác minh tại xã Quảng Đại cho thấy, có tới 32 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có tên trong sổ giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1994. 32 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không xác định được vị trí thửa đất.

54 trường hợp được cấp biên bản bàn giao đất, phiếu thu tiền nhưng không thể hiện vị trí thửa đất, nên không xác định được vị trí thửa đất của các hộ. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hành vi bán đất trái thẩm quyền của xã Quảng Đại thời kỳ trước ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Huyền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đại cho hay: “Tất cả các hộ mua bán tại bãi biển thời kỳ 1994, 1995 (được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên bản bàn giao đất) không có tên trong hồ sơ địa chính qua các thời kỳ lưu tại xã.

Hiện trạng tại các vị trí thửa đất trong danh sách nêu trên đa số trùng với các thửa đất của các hộ gia đình, cá nhân xã Quảng Đại đang sử dụng ổn định và có nhà ở từ trước đến nay, đồng thời có tên trong hồ sơ địa chính qua các thời kỳ lưu tại xã. Một số hộ trùng với vị trí đã giải phóng mặt bằng, thuộc dự án khu biệt thự Hùng Sơn..."

Chủ tịch UBND xã Quảng Đại chỉ vào vị trí lãnh đạo xã thời kỳ trước bán đất trái thẩm quyền.

Chủ tịch UBND xã Quảng Đại chỉ vào vị trí các mảnh đất được bán trái thẩm quyền từ thời kỳ trước

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, tại phường Quảng Vinh còn xuất hiện hàng loạt cá nhân được xã giao đất, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Đợi mãi không thấy cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ, chúng tôi lên xã hỏi thì được xã bảo chờ. Đến nay, chúng tôi đã chờ cả chục năm rồi, nhưng sổ đỏ của gia đình tôi vẫn bị “treo”, còn chính quyền nói xong nhưng để đó”, ông H. đại diện người dân xã Quảng Vinh cùng chung cảnh ngộ nêu trên cho hay.

Tại UBND xã Quảng Hùng lại xuất hiện nhiều trường hợp xã đã thu tiền sử dụng đất để giao đất nhưng không có đất thực tế. Tuy nhiên, theo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, hiện nay địa phương này không còn lưu sổ theo dõi việc mua bán đất trái thẩm quyền; không lưu các phiếu thu tiền, biên bản bàn giao đất cho các tổ chức, cá nhân mà chỉ còn danh sách viết bằng tay do ông Hoàng Đường (lúc đó là phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng) lập, thể hiện những đơn vị, cá nhân mua đất ven biển Quảng Hùng năm 1994.

Phát hiện vi phạm chấn động

Các trường hợp được giao đất trái thẩm quyền, đặc biệt là các trường hợp đã được UBND huyện Quảng Xương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có đất trên thực tế, nhiều lần có đơn kiến nghị khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định để đảm bảo quyền lợi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và Tổ giúp việc đoàn kiểm tra liên ngành việc tổ chức, cá nhân mua bán đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật tại khu vực nói trên. Tuy nhiên, đến nay sau một thời gian dài, cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có kết luận chính thức vụ việc.

Trụ sở UBND xã Quảng Đại.

Trụ sở UBND xã Quảng Đại.

Xác minh độc lập của phóng viên Reatimes cùng các nguồn tin khả tín cho thấy, tính đến thời điểm tháng 7/2018, tổng số trường hợp mua, bán đất trái thẩm quyền là 662 trường hợp, diện tích 273.086m2  (gồm: 06 tổ chức với diện tích 15.350m2 và 656 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 257.736m2). Trong đó ở xã Quảng Đại: 131 trường hợp với diện tích: 43.800m2; Phường Quảng Vinh: 41 trường hợp với với diện tích: 27.276m2; xã Quảng Hùng: 490 trường hợp, với diện tích 202.010m2.

Số trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có đất thực tế là 88 trường hợp với diện tích 43.200m2 tại xã Quảng Đại.

Số trường hợp đã thu tiền sử dụng đất để giao đất nhưng không có đất thực tế là 536 trường hợp với diện tích 208.110m2 (trong đó xã Quảng Đại có 43 trường hợp, xã Quảng Hùng có 486 trường hợp, phường Quảng Vinh có 7 trường hợp).

Số trường đã được giao đất nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 32 trường hợp với diện tích hơn 6,4 nghìn mét vuông (phường Quảng Vinh 28 trường hợp, xã Quảng Hùng 4 trường hợp...)

Tính đến tháng 9/2018 tổng số trường hợp mua, bán đất trái thẩm quyền đã tăng lên 717 trường hợp, diện tích 292.942m2 (gồm: 07 tổ chức với diện tích 16.500m2 và 711 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 276.442m2).

Hiện tại, phần lớn hồ sơ mua bán đất trái quy định giữa UBND xã với các hộ dân không còn lưu tại địa phương và các cơ quan có liên quan. Số tiền các địa phương thu lợi từ hành vi bán đất trái thẩm quyền lên tới cả chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Sầm Sơn cho biết, hiện tại, việc xử lý tồn đọng trong quản lý đất đai tại địa phương (trước đây các xã này thuộc huyện Quảng Xương) là điều hết sức khó khăn, bởi hồ sơ mua bán đất không còn đầy đủ như trước.

"Ngày 21/9/2018, UBND TP. Sầm Sơn chủ trì làm việc với UBND huyện Quảng Xương về việc bàn giao hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp giao trái thẩm quyền nêu trên.

Tại buổi làm việc, UBND huyện Quảng Xương cho biết: Do điều kiện lưu trữ hồ sơ không đảm bảo, di chuyển kho lưu trữ nhiều lần nên hư hỏng thất lạc. Hiện nay, UBND huyện Quảng Xương không còn lưu giữ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ sách có thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều hộ nói trên”.

Theo đánh giá từ phía cơ quan có thẩm quyền, đây là vụ việc được cho là hết sức nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hơn 25 năm (từ năm 1994) liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cựu cán bộ, cán bộ đương chức.

Đáng nói là, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bán đất trái thẩm quyền. Một số cá nhân được cho là có vi phạm không những chưa bị xử lý trách nhiệm theo đúng quy định mà còn “leo” lên những vị trí cao hơn.

Vậy, số tiền mà các xã đã bán đất lên tới cả chục tỷ đồng đã đi về đâu? Những ai phải chịu trách nhiệm về những vi phạm có liên quan trong vụ bán đất trái quy định nêu trên? Và ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho người dân? 

Reatimes sẽ làm rõ thông tin này trong bài viết tiếp theo.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top