Aa

Sai phạm đất đai và trật tự xây dựng: Trách nhiệm của chính cơ quan địa phương

Thứ Tư, 08/04/2020 - 18:50

Công tác thanh kiểm tra các sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó, việc không được thực hiện một cách nghiêm túc lại có thể kéo theo nhiều hệ lụy.

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Những con số “biết nói”

Tháng 10/2019, Kết luận thanh tra số 316/KL-STNMT-TTr của Sở TN&MT TP Hà Nội cho thấy, qua công tác thanh tra tại quận Long Biên, Sở TN&MT phát hiện tổng số trường hợp vi phạm đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64 là 304 trường hợp với tổng diện tích đất vi phạm là 13,7144 ha. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp, diện tích 13,2939 ha và chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp, diện tích 0,1725 ha...

Theo Đoàn thanh tra, từ năm 2014 đến cuối 2019, UBND quận Long Biên đã tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất công tại 14 phường và có 18 kết luận thanh tra từ năm 2014, tuy nhiên, các kết luận thanh tra không chỉ rõ các vi phạm, mặt khác đến nay UBND quận Long Biên chưa làm rõ việc xử lý, khắc phục sau thanh tra theo quy định.

Công trình vượt tầng tại Hoàn Kiếm bị buộc phá dỡ

Đầu năm 2020, liên quan đến việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng công trình công viên nước Thanh Hà tại khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông, UBND Tp Hà Nội đã giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra; yêu cầu UBND quận Hà Đông phối hợp giải trình báo cáo, các sở, ngành liên quan cung cấp, báo cáo các nội dung liên quan quy hoạch, sử dụng đất, dự án đầu tư cho Thanh tra Thành phố sớm kết luận vụ việc.

Tháng 3/2019, Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ tại địa bàn huyện Sóc Sơn có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp từ năm 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, tại thời điểm thanh tra vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều.

Bao che sai phạm có thể xử lý trách nhiệm hình sự

Trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND TP Hà Nội đã thanh tra 98 cuộc theo kế hoạch và 88 cuộc đột xuất; đã kết luận 97 cuộc tập trung ở các lĩnh vực gồm quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, phòng chống tham nhũng... Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm trị giá 29,15 tỷ đồng, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với 32 tập thể và 45 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 2 cuộc.

Đến tháng 1/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết năm 2019 huyện đã kỷ luật 51 cán bộ, công chức, viên chức vì có nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất rừng. Trong số đó, có 27 cán bộ cấp huyện (10 lãnh đạo, 17 công chức), 24 cán bộ công chức cấp xã (13 lãnh đạo, 11 công chức).

Luật sư Nguyễn Văn Đạt, thuộc Công ty Luật TNHH SH Legal Việt Nam cho biết: “Những vụ việc sai phạm đất đai và trật tự xây dựng có thể bắt gặp ở khắp nơi, thường là những sai phạm nhỏ do người dân tự ý lấn chiếm đất nông nghiệp bằng các công trình tạm dễ tháo lắp hay cố ý xây dựng vượt tầng, vượt mật độ xây dựng.

Theo quy định pháp luật, thì những cá nhân, tổ chức sai phạm buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Bên cạnh việc xử lý các cá nhân, công trình sai phạm, thì Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai và Luật Cán bộ, công chức đã quy định khá chi tiết về các trường hợp bị xử lý vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai có thể bị xử lý kỷ luật đến cách chức, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không ít cán bộ, công chức bị kỷ luật liên quan đến sai phạm đất đai tại Sóc Sơn

Còn rất nhiều sai phạm đã tồn tại từ năm này qua năm khác mà không được xử lý hoặc xử lý hời hợt, kém hiệu quả. Ngay tại thời điểm này, những sai phạm mới vẫn đang diễn ra. Nguyên nhân một phần là do lực lượng công chức, cán bộ mỏng so với số lượng sai phạm dày đặc, một phần là do sự bao che, dung túng để hưởng lợi từ việc “bỏ qua” những sai phạm này.

Để xảy ra tình trạng sai phạm đất đai và trật tự xây dựng, trách nhiệm trước hết về người tổ chức thi công xây dựng công trình, tiếp đến là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý. Đáng buồn thay, mức xử phạt sai phạm hiện nay mang tính chất răn đe chứ chưa thể ngăn chặn triệt để”, ông Đạt nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top