Nhiều vi phạm tồn tại sừng sững, đầy thách thức
Câu chuyện về 8B Lê Trực lại một lần nữa làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận về tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai diễn ra ngày 5/11.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra câu hỏi: Tại sao 8B Lê Trực vẫn sừng sững? Và còn bao nhiêu Alibaba đang hoạt động ngoài kia?... Qua đó, đại biểu đề nghị Bộ Công an tập trung chỉ đạo, quyết liệt điều tra, truy tố, trừng trị nghiêm những "liên minh ma quỷ" trong lĩnh vực đất đai; xử lý nghiêm các công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ để dự án ma tồn tại nở rộ kiểu "con voi chui lọt lỗ kim".
Đề cập đến những sai phạm trong quản lý đất đai hiện nay, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, những sai phạm đang diễn ra hầu khắp các địa phương và ở nhiều cấp, kéo dài trong nhiều năm nhưng chậm được phát hiện và chấn chỉnh để đề ra biện pháp ngăn chặn, thiệt hại ở mức độ đặc biệt lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều cán bộ đã bị xử lý ở nhiều mức độ khác nhau, trong đó có cả những cán bộ ở cấp cao.
Cụ thể hơn, đại biểu Sơn lấy ví dụ về tình trạng có nhiều công trình có quy mô ban đầu chỉ vài trăm nhân khẩu, nhưng sau những lần điều chỉnh theo kiểu “đúng quy trình” thì quy mô đã lên đến 6.000 - 7.000 nhân khẩu.
"Đằng sau câu chuyện điều chỉnh đúng quy trình đó, lẩn khuất đâu đó bóng dáng của nhóm lợi ích, có rất nhiều dự án như vậy xảy ra ở nhiều nơi, quy mô lớn hơn rất nhiều và để lại những hậu quả nặng nề", đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhận định.
Và theo đại biểu Sơn, những dự án này đã đi sai mục đích phát triển chung, phá vỡ quy hoạch làm biến dạng hình hài đô thị, tăng áp lực nặng nề lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng an sinh xã hội, môi trường sống xuống cấp trầm trọng, cảnh quan đô thị trật tự lộn xộn.
“Chính quyền thì luôn khẳng định rằng sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhà nước thì mất cán bộ, chủ đầu tư thì vô can. Nhưng các thực thể vi phạm vẫn tồn tại lồ lộ, sừng sững, đầy thách thức, xử lý nghiêm và triệt để đối với loại vi phạm kiểu này, tôi e rằng đó là điều không thể. Công trình 8B Lê Trực là một ví dụ điển hình”, đại biểu bày tỏ.
Cư dân căng băng rôn bên ngoài dự án 8B Lê Trực
Cũng phân tích nguyên nhân dẫn tới sai phạm của dự án 8B Lê Trực, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng nguyên nhân chính là do sự chưa chuẩn xác trong áp dụng pháp luật về cấp phép và kiểm soát chất lượng.
“Trách nhiệm đầu tiên là của chính quyền Hà Nội, đáng nhẽ với những công trình có vị trí gần kề với các mục tiêu bảo vệ thì phải rà soát các quy định của pháp luật để xem xét cấp giấy phép xây dựng. Thứ hai là phải kiểm soát chất lượng lúc xây dựng phương án kiến trúc, phương án kỹ thuật, đó là trách nhiệm chính của TP. Hà Nội”, Đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Theo vị đại biểu này, các cơ quan kiểm soát có vai trò kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật trong xây dựng nên ngay từ đầu khi các dự án được triển khai thì chính các cơ quan này phải kiểm soát được các tiêu chí về kiến trúc, kỹ thuật của dự án. Đối với 8B Lê Trực, sai phạm xảy ra khi đã triển khai xây dựng, nhưng sau đó cũng đã có chỉ đạo của rất nhiều cơ quan chức năng thì cần nghiêm túc chấp hành, thực hiện những chỉ thị đó.
Loay hoay đi tìm phương án gỡ rối
Trên thực tế, theo đại biểu Lê Thanh Vân, vụ 8B Lê Trực nhiều lần đã đặt ra giới hạn về thời gian báo cáo Thủ tướng nhưng đến nay vẫn không giải quyết triệt để.
"Bây giờ trách nhiệm của Hà Nội là phải xử lý cho triệt để, mà không xử lý triệt để thì Thủ tướng Chính phủ phải xem xét kỷ luật cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm mới duy trì được kỷ cương phép nước”, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân bày tỏ.
Liên quan đến việc cấp phép công trình, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đưa quan điểm, việc xem xét có phù hợp hay không phải căn cứ vào các quy định pháp luật, việc xây dựng dự án 8B Lê Trực nó không chỉ liên quan trực tiếp đến các quy định của pháp luật về xây dựng mà nó còn liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh câu chuyện về những sai phạm của dự án này thì có một vấn đề cần giải quyết dứt điểm đầu tiên là việc hàng trăm khách hàng mua nhà đang rơi vào cảnh có nhà mà không được ở do việc chậm xử lý công trình. Về vướng mắc này, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: “Xử lý hậu quả do hành vi trái pháp luật thì phải xem xét từ nguyên nhân, gốc rễ, chủ đầu tư cho dù họ có đề xuất những phương án xây dựng như thế nào đi chăng nữa thì trách nhiệm kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong xây dựng và sự tác động của nó vẫn là những văn bản pháp luật và trách nhiệm của cơ quan chính quyền.
Trước hết đó là quận Ba Đình và UBND TP. Hà Nội, khi xác định trách nhiệm rõ rồi thì dễ dàng nhận diện được các sai phạm liên quan và là cơ sở để xem xét bồi thường thiệt hại. Người dân chỉ biết được công trình đó đã được pháp luật quy định và được chính quyền giám sát nên họ yên tâm bỏ tiền ra mua, khi xảy ra hậu quả, để họ đứng ra gánh chịu là không được, ở đây sai đâu là phải xử đấy và ai sai thì người ấy phải có trách nhiệm bồi thường”.
“Rõ ràng, chính quyền Hà Nội khi không giải quyết triệt để và không đúng tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng thì cơ quan cấp trên là Bộ Xây dựng có thể xem xét, thậm chí lập đoàn thanh tra liên ngành, làm rõ trách nhiệm từ đâu để báo cáo Chính phủ xử lý dứt điểm vụ việc.
Ở giữa Thủ đô Hà Nội, để một công trình như vậy, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng đặc biệt là ý kiến của người đứng đầu Chính phủ trong thời gian dài như thế, mà không xử lý thì trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm kỷ cương phép nước để đâu”, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.
Công trình 8B Lê Trực được hoàn thiện cơ bản từ đầu năm 2015. Đến cuối 2015, công trình bị xử lý vi phạm và bị cưỡng chế.
Năm 2016, sau quyết định cưỡng chế của UBND quận Ba Đình, chính quyền đã lập chốt bảo vệ không cho người dân qua lại. Cũng từ đó đến nay, các khách hàng mua nhà cũng liên tục “đội đơn” đi cầu cứu tứ phương nhưng sự việc vẫn đi vào ngõ cụt.
Đặc biệt, việc công trình được cấp phép sai so với Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 cũng như Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2004 nhưng cũng chưa có ngành chức năng nào chịu đứng ra làm rõ. Hơn thế, việc phá dỡ giai đoạn 2 gặp nhiều khó khăn, bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng kết cấu, gây sập đổ toà nhà.
Ngày 17/7/2019, UBND quận Ba Đình có Văn bản 1474/UBND-QLĐT về đơn vị tư vấn thiết kế tháo dỡ giai đoạn 2 (tầng 17, 18) công trình số 8B Lê Trực. Nội dung văn bản nêu: “Do những khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế lập phương án phá dỡ, UBND quận Ba Đình báo cáo và đề xuất UBND TP. Hà Nội xem xét, tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng - IBST tham gia thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực”.
Ngày 2/8/2019, UBND TP. Hà Nội có Văn bản 3305/UBND-ĐT gửi Bộ Xây dựng về giải quyết kiến nghị của UBND quận Ba Đình, theo đó UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phối hợp giải quyết; chỉ đạo các đơn vị chức năng và đơn vị tư vấn của Bộ, xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn 2.
Ngày 23/10/2019, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2497/BXD-GĐ về xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, trong đó nêu rõ, Viện Khoa học công nghệ xây dựng không tham gia thực hiện công tác thiết kế phá dỡ giai đoạn 2.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị: “UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện xử lý dứt điểm giai đoạn 2 của công trình vi phạm và có thời hạn cụ thể, không để kéo dài. Trường hợp có vướng mắc, vượt quá thẩm quyền, đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.