Aa

Sai phạm tại dự án SDU 143 Trần Phú: Các cấp "đá bóng" trách nhiệm?

Thứ Hai, 19/09/2016 - 06:51

Trước những sai phạm tại dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà (SDU) làm chủ đầu tư, cả quận Hà Đông và Sở Xây dựng HN có đang đùn đẩy, "đá bóng" trách nhiệm cho nhau khi được hỏi về những sai phạm tại dự án này?

Như đã đưa tin, thời gian qua, tại dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng khiến cư dân và dư luận bức xúc như chủ đầu tư tự ý đổ thêm tầng lửng, tự ý mở rộng diện tích tầng tum, chia nhỏ tầng tum thành nhiều căn hộ… Mặc dù đã được cơ quan chức năng phát hiện từ lâu nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn chưa hề bị xử phạt gì khiến dư luận đặt ra nhiều nghi ngại.

“Quận - Sở” đá bóng trách nhiệm?

Trước những sai phạm này, bà Đoàn Thị Thu Hà Chánh văn phòng HĐND-UBND quận Hà Đông cho biết trên tờ Kiến thức: “Với những thông tin phản ánh về sai phạm tại dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú, hiện nay Sở Xây dựng Hà Nội đang tiến hành thanh tra dự án. Do đó, toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án này, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đang làm. Toàn bộ thông tin cũng như hướng xử lý, bạn sang bên Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội sẽ có đầy đủ thông tin”.

Trong khi đó, ông Đặng Tất Đạt, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: “Anh đang họp có gì về bên quận Hà Đông hỏi anh Quân nhé”.

Câu trả lời này đã khiến dư luận băn khoăn đặt ra câu hỏi: Phải chăng Quận Hà Đông và Sở Xây dựng Hà Nội đang đùn đẩy, đá "quả bóng trách nhiệm" cho nhau khi hỏi lãnh đạo bên quận thì quận bảo lên sở, hỏi lãnh đạo sở lại bảo xuống quận? Vậy cơ quan chức năng nào sẽ có trách nhiệm làm rõ những sai phạm nghiêm trọng đã và đang xảy ra tại dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú?

 

Toàn cảnh về dự án SDU 143 Trần Phú

Toàn cảnh về dự án SDU 143 Trần Phú

Dự án SDU 143 Trần Phú có diện tích đất xây dựng 11.370m2, là một tòa nhà 35 tầng gồm 512 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng là 48.444m2. Tầng 1 gồm khu kinh doanh thương mại rộng 430m2 để phục vụ tiện ích cho các dân cư của tòa nhà và 410m2 làm phòng sinh hoạt cộng đồng. Tầng 2 có diện tích 1.250m2 dùng làm nhà trẻ và mẫu giáo. Tầng 3 được bố trí 300m2 sử dụng làm khu y tế và 950m2 sử dụng làm khu thể thao. Từ tầng 4 đến tầng 35 gồm tổng số 512 căn hộ chung cư với các loại kích cỡ từ 55m2 đến 70m.Trong quá trình xây dựng chủ đầu tư của dự án này là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà đã tự ý hạ thấp chiều cao 3 tầng 2, 3, 4 để nâng thêm chiều cao tầng một, từ đó đổ thêm tầng lửng ở tầng một.

1/3 còn lại của tầng một, có thể dễ dàng quan sát thấy tầng một cao hơn các tầng còn lại, được chia làm 2 tầng nhỏ (2 mặt sàn).

1/3 còn lại của tầng một, có thể dễ dàng quan sát thấy tầng một cao hơn các tầng còn lại, được chia làm 2 tầng nhỏ (2 mặt sàn).

Tại mặt tiền dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú, 2/3 tầng một được cho thuê làm shop quần áo nhãn hiệu Ivy. 1/3 còn lại của tầng một, có thể dễ dàng quan sát thấy tầng một cao hơn các tầng còn lại, được chia làm 2 tầng nhỏ (2 mặt sàn), trong đó tầng nhỏ dưới có để biển quảng cáo với nội dung: “Bán và cho thuê mặt bằng văn phòng - siêu thị. LH 0913083xxx”. Cả 2 tầng nhỏ của tầng một đều được sơn tường trắng, xung quanh là cửa kính, hiện đang trong quá trình hoàn thiện.

Phần tự ý đổ thêm tầng lửng ở tầng 1.

Phần tự ý đổ thêm tầng lửng ở tầng 1.

Không chỉ tự ý hạ thấp chiều cao 3 tầng 2, 3, 4 để nâng thêm chiều cao tầng một, từ đó đổ thêm tầng lửng ở tầng một, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà còn tự ý mở rộng diện tích tầng tum và chia nhỏ thành nhiều căn hộ sai phép.

... để lên tầng 36, phải đi qua 1 cầu thang bộ.

... để lên tầng 36, phải đi qua 1 cầu thang bộ.

Các căn hộ được chia nhỏ trên tầng 36

Các căn hộ được chia nhỏ trên tầng 36.

Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, thang máy của tòa SDU 143 Trần Phú có thể đi đến tầng 35, sau đó, theo cầu thang bộ lên tầng 36. Tại đây, tầng 36 hay còn gọi tầng tum được chia nhỏ thành 16 căn hộ, chưa gắn số, phía ngoài hành lang một phần đã bật điện, phần khác trong tình trạng tối tăm tạo cảm giác bí bách.

Trao đổi trên tờ Pháp luật Việt Nam, Phó Giám đốc SDU thừa nhận có việc đổ tầng lửng ở tầng 1 và có việc chia nhỏ tầng áp mái thành các căn hộ.

"Dù như vậy nhưng chiều cao tổng thể của tòa nhà không vượt quá. Khu vực đổ thêm tầng lửng là để cho đơn vị quản lý vận hành tòa nhà làm việc.

Tầng áp mái bản thân trước đó gọi là tầng dịch vụ, Công ty đã  phân chia thành các phòng, quan điểm của công ty là từ nay về sau không có bán hoặc cho thuê, phục vụ chung cho tòa nhà.

Phía công ty cũng có đội ngũ kĩ thuật và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà, đây sẽ là chỗ cho anh em, kĩ thuật, nhân viên công ty nghỉ ngơi", vị lãnh đạo SDU cho hay.

Và theo ông này thì dù sai phạm như vậy nhưng không làm tăng thêm mật độ, không làm ảnh hưởng đến dân cư trong tòa nhà.

Chủ đầu tư sẽ bị xử lý như thế nào?

Trước những thông tin trên, trao đổi với báo chí, Luật sư Quản Văn Hào - Công ty Luật TNHH An Nam cho rằng, việc chủ đầu tư dự án SDU 143 Trần Phú tự ý hạ thấp chiều cao 3 tầng 2,3,4 để nâng thêm chiều cao tầng một, từ đó đổ thêm tầng lửng ở tầng một thành 2 mặt sàn và việc tự ý mở rộng diện tích tầng tum (tầng 36), chia nhỏ tầng tum thành 16 căn hộ trái phép là hoàn toàn sai phạm.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Hào, việc để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án SDU 143 Trần Phú, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà. Tiếp đó, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công, lực lượng Thanh tra xây dựng đô thị các cấp từ Phường, Quận, Thành phố….

Với những sai phạm này, căn cứ theo Điều 4, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, thì hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau đây:

- Ngừng thi công xây dựng công trình.

- Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm.

- Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.- Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

- Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

- Ngoài các hình thức xử lý quy định nêu trên thì đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị còn bị nêu tên trên website của Bộ Xây dựng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.Đối với việc xử lý công trình xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị xử lý như sau:

1. Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng.

2. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng; đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

3. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng được cấp phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top