Aa

'Sâm Alipas': Nghi vấn đánh tráo khái niệm lừa người tiêu dùng?

Thứ Hai, 09/10/2017 - 21:04

Người tiêu dùng đang nghi ngờ việc nhãn hiệu Sâm Alipas đang đánh tráo khái niệm khi từ cây mật nhân sang một loại sâm có công dụng tốt cho đàn ông.

Trên thị trường thời gian qua xuất hiện một loại Thực phẩm chức năng có tên gọi "Sâm Alipas" được quảng cáo khá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, không có loại sâm nào có tên "Sâm alipas"

Sâm Alipas "Là phát minh mới của các nhà khoa học Mỹ, kết hợp giữa tinh chất Eurycoma Longifolia và các thảo dược đặc hiệu cho nam giới, công thức platinum được chứng minh tác dụng kích hoạt cơ thể tăng cường sản sinh Luteinizing tự nhiên giúp thúc đẩy quá trình sản sinh Testosterone nội sinh nhanh hơn, bền vững hơn, gia tăng khả năng sinh lý và sức khỏe toàn thân nam giới" - đó là nội dung quảng cáo về sâm Alipas trên trang web http://alipasplatinum.com.vn và http://ecopharma.com.vn.

Cũng theo 2 trang Web này, sâm Alipas được sản xuất tại Công ty St-Paul Brands, Mỹ. Sâm Alipas Platinum còn tăng cường sức khỏe sinh lý và sức khỏe nền tàng toàn thân cho nam giới bằng cách giúp tăng Testosterone nội sinh thông qua tăng Luteinizing trong cơ thể từ các thảo dược quý, qua đó làm tăng ham muốn tình dục tự nhiên, cải thiện độ cương cứng của "cậu nhỏ", duy trì sức khỏe sinh lý và sinh sản và sức khỏe toàn thân cho nam giới.

 

Hình ảnh quảng cáo trên web của Sâm Alipas.

Theo tìm hiểu của phóng viên, "sâm Alipas" thực chất chính là một loại cây rất quen thuộc và dễ tìm ở Việt Nam, đó là cây mật nhân hay còn gọi là cây bá bệnh.

Qua những lời quảng cáo "có cánh" với dày đặc những thông tin nặng về chuyên môn và các danh từ chuyên khoa y học y học đặc thù như trên, có lẽ rất ít người có thể biết được thông tin này nếu như không có sự tìm hiểu kỹ càng.

Tra cứu một số thông tin trên Internet, cây mật nhân hay mật nhơn, còn gọi là cây bá bệnh, bách bệnh hay hậu phác nam có danh pháp hai phần là Eurycoma Longifolia.

Đây là loại cây mộc, được biết đến là một vị thuốc thường được dùng trong đông y. Tên Mã Lai của loài cây này là "tongkat ali" và tên Indonesia là "pasak bumi", và "longjack" là tên gọi trong tiếng Anh.

Hiện nay, giá bán sản phẩm "sâm Alipas" là 580 nghìn đồng đến hơn 700 nghìn đồng 1 lọ 30 viên. Theo một số người tiêu dùng và tiểu thương kinh doanh đông nam dược trên phố Lãn Ông, Hà Nội thì đây là mức giá quá cao trong khi sản phẩm rễ cây mật nhân ở Việt Nam được bán phổ biến và có giá rất rẻ.

Một số chuyên gia về dược phẩm cho biết, họ rất ngạc nhiên khi Công ty cổ phần dược phẩm Eco - đơn vị nhập khẩu sản phẩm này về Việt Nam lại đặt tên gọi là "sâm Alipas".

Ý kiến các chuyên gia cũng cho rằng, không thể gọi câu mật nhân là "sâm" bởi trên thế giới hiện phân lọai có 21 loại sâm thì mật nhân không nằm trong số 21 loại đó.

Để phân biệt có phải là sâm hay không thì dựa vào thành phần chất saponin, mà cây mật nhân thì không có chứa chất này và trong bảng công bố thành phần cấu tạo sản phẩm "sâm Alipas" cũng không có chất saponin. Có thể nói, cách gọi này là hoàn toàn chưa đúng.

Có thể nói, việc tùy tiện sử dụng cụm từ "sâm" trong nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện nay và việc quảng cáo "thổi phồng" về công dụng cũng như nguồn gốc các sản phẩm đã gây ra rất nhiều những hiểu lầm về chất lượng cũng như hiệu quả của sản phẩm, gây ra sự nhiễu loạn thông tin cho người tiêu dùng.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn do Phó Cục trưởng Đỗ Hữu Tuấn ký có nội dung trả lời báo chí về vấn đề "Sâm Alipas".

Nội dung công văn cho biết, Cục đã cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định cho sản phẩm thực phẩm chức năng Alipas Platinum được sản xuất tại Hoa Kỳ, và được cơ quan chức năng Hoa Kỳ cho phép lưu hành với nhãn sản phẩm là Alipas Platinum "MEN'S GINSENG" vào năm 2014.

Việc cấp giấy xác nhận này được làm theo đúng trình tự và quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong thành phần cấu tạo sản phẩm "sâm Alipas" mà Cục An toàn thực phẩm cung cấp cho báo chí thì sản phẩm này hoàn toàn không có yếu tố "sâm".

Trong văn bản trả lời báo chí, Cục An toàn thực phẩm thừa nhận đây chính là mật nhân - cây bá bệnh thuộc họ thanh thất.

Lãnh đạo Cục cũng cho biết thêm, việc cấp giấy chứng nhận dựa trên nhãn mác của sản phẩm do công ty phân phối cung cấp cùng một số tài liệu khác nhưng trong những tài liệu này không thấy nêu rõ cơ quan chức năng nào của Hoa Kỳ cho phép lưu hành sản phẩm này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top