Sầm Sơn: Từ quá vãng “ngủ quên“ tới vươn mình rạng rỡ
Sở hữu một trong những bờ biển độc nhất vô nhị, đẹp, bãi cát mịn, sạch, bãi tắm thoai thoải kéo dài ra phía biển, sóng biển phù hợp cho người tắm biển và nồng độ muối rất phù hợp cho sức khỏe con người… Sầm Sơn trong quá khứ đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ điểm du lịch hút khách bậc nhất phía Bắc đến vùng đất chặt chém ai cũng ái ngại. Nhưng đến nay, với tư duy đổi mới, với khát vọng thịnh vượng, Sầm Sơn đang khoác lên mình một hình ảnh mới, rạng rỡ hơn, nhiều hy vọng hơn...
***
Từ năm 1980, tôi đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) làm việc với tư cách là một cán bộ Đoàn của Tỉnh Đoàn Thanh Hóa. Khi ấy nhìn Sầm Sơn đâu cũng thấy lạ, cũng thích thú vì sự hoang sơ, giản dị và mộc mạc. Sau nhiều lần về Sầm Sơn làm việc tôi mới ngộ ra rằng, biển Sầm Sơn quả là tuyệt tác mà trời đất ban cho xứ Thanh.
Có thể nói rằng, đất Việt có rất nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc vào Nam. Nhưng, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất “tam vương, nhị chúa” này nhiều bãi biển đẹp kéo dài từ phía Bắc huyện Nga Sơn đến phía Nam huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), trong đó bãi biển Sầm Sơn là điểm nhấn, là bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng. Đây không phải ý kiến chủ quan của người viết mà đánh giá của người nước ngoài khi nghiên cứu, khảo sát các bãi biển ở Việt Nam.
Theo tài liệu để lại, khi đánh giá về các bãi biển tốt nhất ở Việt Nam, người Pháp đã xếp bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) ở vị trí hàng đầu với những tiêu chí: Đẹp, bãi cát mịn, sạch, bãi tắm thoai thoải kéo dài ra phía biển, sóng biển phù hợp cho người tắm biển và nồng độ muối (độ mặn) rất phù hợp cho sức khỏe con người…
Thực ra, bãi tắm Sầm Sơn khi còn là làng chài rồi “tiến lên” thị trấn, thị xã và bây giờ là thành phố thì địa danh này đã nổi tiếng khắp cả nước từ xưa tới giờ. Nổi tiếng không phải dân xứ Thanh tự suy tôn. Thời Pháp thuộc, Công sứ Sechie - người được Chính phủ Pháp giao nhiệm vụ khảo sát các điểm nghỉ mát, tắm biển ở Việt Nam, khi đến khảo sát tìm hiểu Sầm Sơn phải thốt lên: Ở xứ Đông Dương không có nơi nào nghỉ mát, tắm biển tốt hơn nơi này!
Câu nói này của viên Công sứ Pháp để khẳng định người nước ngoài họ đánh giá khách quan, sự nổi tiếng của Sầm Sơn đã có từ lâu và không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam.
Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ban phú cho nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà mỗi di tích, thắng cảnh, danh lam đều lung linh sắc màu huyền thoại. Chính bởi những ưu thế trên mà bãi tắm Sầm Sơn đã được người Pháp xây nhiều Villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng. Việc đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ nghỉ dưỡng tại đây đã biến Sầm Sơn trở thành khu nghỉ mát nổi tiếng ở Đông Dương, và dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút du khách thập phương. Ngay đến vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Vua Bảo Đại cũng xây riêng cho mình một “hoàng cung” ở nơi đây để nghỉ ngơi và làm việc.
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Sầm Sơn là nơi làm việc và nghỉ ngơi của nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sầm Sơn cũng là địa chỉ “đỏ” đón nhiều đoàn tàu đưa gần 80.000 cán bộ, con em nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc…
Không chỉ có bãi biển đẹp, Sầm Sơn còn hiển hiện nhiều thắng tích. Một hòn Trống Mái tình tứ lãng mạn, thắng tích độc đáo đó còn mãi đến ngày nay theo câu chuyện tình bất tử hóa đá… Mỗi khi du khách lên núi Trường Lệ ghé thăm hòn Trống Mái sẽ hình dung thấy một quá vãng xa xăm gợi về mối tình son sắt của đôi nam nữ thuở nào. Một đền Độc Cước được lập từ đời nhà Trần, được dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần.
Đền Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp, một thắng cảnh kỳ vĩ của Sầm Sơn, mà còn là một địa chỉ tâm linh được bao người chiêm bái. Khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã của người dân đã khái quát nên hình ảnh Thần độc cước uy danh, sẵn sàng chở che cho các số phận bất hạnh trên đời…
Đền cô Tiên Sầm Sơn chênh vênh bên vách núi, vừa là cảnh quan có một không hai lại vừa là nơi ẩn chứa nhiều kỳ bí, để bất kỳ ai đến với Sầm Sơn cũng đều đến đây, để được một lần thỏa nguyện chiêm bái tâm linh. Biển Sầm Sơn bao la và núi Trường Lệ kỳ vĩ tạo thành bức tranh thủy mặc lay động lòng người, say đắm trong không gian yên bình của vũ trụ có từ ngàn đời nay…
Để bạn đọc hình dung một chút về những giai đoạn “bản lề” trong quá trình phát triển của Sầm Sơn từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới đất nước (1986) do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo cũng như lịch sử ra đời của câu khẩu hiệu hành động “Sầm Sơn sức khỏe - kinh tế - bạn bè” người viết bài này đã nhìn thấy và có những sự kiện trực tiếp tham gia.
Có thể nói hầu hết những người lãnh đạo cấp cao nhất của Thanh Hóa đều nhận thức sâu sắc về thế mạnh của Sầm Sơn về những gì mà tạo hóa ban tặng cho xứ này đồng thời cũng “thẩm thấu” nhiều tư liệu mà các nhà khoa học, học giả nước ngoài cũng như trong nước nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá về tiềm năng rất phong phú của Sầm Sơn. Chính vì lẽ đó, ngay những ngày đầu của công cuộc đổi mới là thời cơ, vận hội để tập trung chỉ đạo quyết liệt để Sầm Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Tôi còn nhớ ngay từ năm 1986, Bí thư Thị ủy Sầm Sơn Trịnh Xuân Bào đã giao nhiệm vụ cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị xã Sầm Sơn xung kích trong hoạt động du lịch nhằm tạo ra cách làm mới không chỉ đưa du khách tắm biển mà còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ TDTT… nhằm thu hút ngày càng đông khách du lịch đến Sầm Sơn.
Háo hức với công cuộc đổi mới và cũng thử sức mình trong hoạt động kinh tế biển, Bí thư Thị đoàn Sầm Sơn Nguyễn Song Toàn ra Hà Nội mời chào và sau đó ký với Quận đoàn Hoàn Kiếm (Hà Nội) một số nội dung hợp tác phát triển du lịch. Bản ký kết ghi rõ, Quận đoàn Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm đưa khách vào, Thị đoàn Sầm Sơn chịu trách nhiệm bố trí nơi ăn, nghỉ, tổ chức các hoạt động tham quan nghỉ dưỡng.
Tháng 2/1987 “Làng du lịch Hương Biển thanh niên Sầm Sơn" ra đời với vài chục Camping (kiểu như ki-ốt) bằng tranh tre nứa lá, cót ép được bố trí dưới rừng phi lao ven biển để làm nơi nghỉ ngơi cho khách (ngày ấy chưa có đường Hồ Xuân Hương như bây giờ)… Có lẽ khái niệm về du lịch biển, kinh tế du lịch ở thị xã Sầm Sơn cũng bắt đầu từ đây.
Sau năm 1987, Trung ương điều động ông Lê Huy Ngọ về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Khi về Thanh Hóa với cương vị là người đứng đầu, ngoài việc chỉ đạo chung, ông Ngọ còn dành nhiều thời gian quan tâm đến 6 huyện, thị miền biển, trước hết là thị xã Sầm Sơn. Vì vậy năm 1989, ở Sầm Sơn diễn ra 2 sự kiện được xem là đột phá đánh dấu sự phát triển của thị xã biển này.
Sự kiện thứ nhất: Bước vào những ngày đầu của năm đầu thập kỷ 90, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có nhiều cuộc họp bàn về du lịch Sầm Sơn, sau nhiều lần hội thảo, luận bàn, người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa đưa ra kết luận: Mở hội chợ “Hè Sầm Sơn 89” với khẩu hiệu hành động: “Sầm Sơn sức khỏe - kinh tế - bạn bè”. Thế là, 23 huyện, thị (nay là 27 huyện, thị, thành), các sở, ban, ngành của Thanh Hóa như ngày hội.
Người, xe, các phương tiện, chuyên chở tre, luồng, tranh tre nứa lá, cót ép rầm rập về Sầm Sơn dựng lán trại, ki-ốt bán hàng. Huyện thị trong tỉnh có sản phẩm gì cũng mang về Sầm Sơn trao đổi mua bán. Tất cả các ngã đường miền núi, miền xuôi, đồng bằng, ven biển đều chạy về Sầm Sơn. Cả thị xã biển trước mùa hè năm 1989 như ngày hội, người trong tỉnh, trong nước đổ về ngày càng đông đúc, cả thị xã Sầm Sơn, đúng hơn cả tỉnh Thanh Hóa sống trong những tháng ngày ngây ngất vì một Sầm Sơn, vì một Thanh Hóa rộng hơn cả nước được mở cửa.
Sự kiện thứ hai: Năm 1988, sau khi cuộc thi hoa hậu đầu tiên của Báo Tiền Phong tổ chức, kết thúc cuộc thi Bùi Bích Phương đăng quang và trở thành người đẹp ấn tượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tiếp tục thành công từ sự kiện này, Tỉnh đoàn Thanh Hóa xin chủ trương tổ chức cuộc thi "người đẹp Sầm Sơn" và được Tỉnh ủy Thanh Hóa “bật đèn xanh”.
Tôi năm đó là Thường vụ Tỉnh đoàn, Trưởng ban Tuyên huấn được nhận nhiệm vụ thường trực cuộc thi. Người được trao vương miện người đẹp hè Sầm Sơn 89 hiện nay đang ở cương vị lãnh đạo 1 ban ở Tỉnh ủy Thanh Hóa. Có thể nói không ngoa chút nào, chính 2 sự kiện diễn ra tại Sầm Sơn hè 1989 là cột mốc, cú hích cực kỳ quan trọng khởi đầu cho Sầm Sơn sôi động hơn, du khách đến phố biển này đông hơn.
Nhưng, ngoài những cái được của Sầm Sơn từ việc du khách đến thăm quan và nghỉ dưỡng, từ đây du lịch Sầm Sơn bắt đầu quãng thời gian dài tai tiếng.
Thật vậy! Nếu những ai sống và làm việc tại Thanh Hóa khoảng thời gian 1990 - 2000 sẽ được chứng kiến thời kỳ “trăm hoa đua nở” ở Sầm Sơn trong kinh doanh du lịch. Thời kỳ có thể nói Sầm Sơn như một nàng tiên đẹp mà quanh nàng biết bao chàng trai vừa khôi ngô tuấn tú, tài giỏi và cũng không ít kẻ nam nhi bợm trợn, đầu bò đầu biếu “tán tỉnh” khiến Sầm Sơn tuyệt đẹp vốn bình yên trở nên sôi động và có phần “hung dữ” như sóng biển động mỗi khi giông bão tràn về!
Trước khi đề cập vấn đề này, xin được thắp nén tâm hương cho hương hồn ông Hà Minh Khiêm, cố Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, nay là TP. Sầm Sơn. Ông Khiêm đảm đương chủ tịch thành phố đúng vào thời kỳ cái mới bắt đầu manh nha, người dân còn “rón rén” vừa làm vừa nghe ngóng. Còn chính quyền, chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN cũng chưa thực sự am tường nên “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Vì thế, ở thị xã Sầm Sơn chính quyền có những việc làm “độc nhất vô nhị” mà chủ tịch Hà Minh Khiêm là người đứng mũi chịu sào! Khi mà phong trào nhà nhà "đục tường", người người xuống đường làm kinh tế cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng cũng “lao” vào kinh doanh. Đến độ như Tỉnh đoàn Thanh Hóa với chức năng vận động đoàn viên thanh niên, chứ làm kinh tế cũng chỉ “mô tê” mà cũng “lặn lội” vào tận Quảng Nam - Đà Nẵng kết hợp với đoàn thanh niên nơi đây đưa thợ ra Tỉnh đoàn Thanh Hóa mở xưởng sửa chữa ô tô. Rồi lập xưởng đá xẻ, mở lò chưng cất nước giải khát có ga để… bán!
Ở Sầm Sơn, phong trào xuống đường lấn ra biển để buôn bán, kinh doanh du lịch cũng tấp nập như đi trẩy hội. Ở thị xã nhỏ bé này bên cạnh một số nhà nghỉ của các bộ, ngành Trung ương, người dân cũng bắt đầu cơi nới, mở rộng nhà cửa, lều quán để đón khách.
Bất cứ chỗ nào có thể bán được hàng, bố trí được chỗ ngủ, nghỉ là dân ra đường đón khách vãng lai “dìu” họ vào trọ. Đến như Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đem cót ép xuống Sầm Sơn quây lại làm phòng cho khách thuê. Khách đến Sầm Sơn ngày một nhiều, cơ sở lưu trú khách quá thiếu, nên ở Sầm Sơn có “sáng kiến” được dư luận “bình chọn” độc nhất vô nhị trên thế giới!
Đó là việc phường Bắc Sơn có ngôi trường THCS, cứ kết thúc năm học, lãnh đạo phường này lại vận dụng “nghệ thuật sắp đặt” biến nó thành nhà nghỉ để đón khách. Trường học kiêm nhà nghỉ ở phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn duy trì hoạt động đón khách kéo dài tới 10 năm, mãi đến năm 2004 mới chuyển hẳn thành Nhà nghỉ Hải Âu ngày nay. Và, cụm từ “trường học kiêm nhà nghỉ” được dư luận bàn tán xôn xao cả một thời gian dài lan truyền khắp mọi nơi!
Biển Sầm Sơn từ sau 2 sự kiện năm 1989, khách các tỉnh, thành phía Bắc nhất là thủ đô Hà Nội đổ về ngày càng nhiều, có ngày lên cả vạn người. Khách đến Sầm Sơn quá đông mà chỗ ăn, chơi, nghỉ lại quá thiếu nên thời kỳ này người dân ra đường đón khách còn thân thiện, dễ chịu. Nhưng, càng về sau tình trạng tranh cướp khách, cò mồi, chặt chém… trở thành vấn nạn làm phiền lòng du khách và hình ảnh thị xã biển này ngày càng xấu xí, tai tiếng. Mặc dù cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp tìm mọi biện pháp ngăn chặn, nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Tình trạng trên không được đẩy lùi mà ngày càng phức tạp hơn.
Người dân thì như vậy, chính quyền thì sao? Trước thực trạng khách về Sầm Sơn ngày càng nhiều mà nguồn thu chẳng được là bao, ngân sách thì hạn hẹp, lấy tiền đâu chi cho bộ máy hoạt động, đảm bảo cho hàng ngàn du khách đến tắm biển mỗi ngày được an toàn, là một câu hỏi lớn. Cực chẳng đã, chính quyền Sầm Sơn “buộc” phải nghĩ ra “sáng kiến” có một không hai, xây ngay một căn nhà tròn, án ngữ ngay đầu thị xã cách bãi biển trên 1km.
Tất cả xe chở khách đến nhà tròn này phải dừng lại, nhân viên của thị xã lên xe đếm người thu tiền xong, xe mới được qua trạm. Thế là, xe khách khắp nơi đổ về Sầm Sơn bị chặn lại nối đuôi nhau chờ qua trạm dài dằng dặc. Thời tiết thì nóng nực (hầu hết xe khách ngầy ấy không có điều hòa) thế là khách la ó, bực tức, nhiều du khách la lớn: Ở Hà Nội háo hức bao nhiều, đến Sầm Sơn bực tức bấy nhiêu!
Có đến 2 kỳ họp báo trước khi khai mạc hè Sầm Sơn, mặc dù chỗ quen thân với ông Khiêm (Chủ tịch Thị xã) nhưng tôi vẫn phát biểu: Sầm Sơn nên phá ngay cái lô cốt đầu cầu ấy đi! Phải tìm cách khác để thu, không thể chặn khách lại thu xong rồi mới cho họ vào, phản cảm lắm! Đến kỳ họp báo hè Sầm Sơn lần 3, ông Khiêm ôm lấy tôi rồi nói: Bữa ni (nay) họp báo mi (mày) đừng nói về cái lô cốt đầu cầu ấy nữa. Hết mùa hè này, tau (tao) cho phá ngay!
Tiếng thơm truyền khẩu chậm còn tiếng xấu lan truyền cực nhanh. Sầm Sơn trong mắt du khách đã “leo” đến đỉnh của cái xấu. Nhắc đến Sầm Sơn du khách nghĩ ngay đó là vùng biển dữ, ai đặt chân tới đó là bị “chặt chém”! Tình trạng ấy kéo dài nhiều năm làm đau đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành các cấp không chỉ ở Sầm Sơn mà cả tỉnh Thanh Hóa.
Lập lại trật tự kỷ cương, trả lại vẻ đẹp và sự bình yên vốn có và trên hết là đẩy lùi những tiêu cực, lộn xộn, khắc phục những tai tiếng và những hình ảnh không đẹp là “mệnh lệnh” được phát đi từ người lãnh đạo cao nhất của địa phương này đến từng người dân.
Nhận thức được thế mạnh của Sầm Sơn, nên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tập trung hành động rất quyết liệt để trả lại sự nổi tiếng vốn có của Sầm Sơn. Đồng thời tập trung trí tuệ, sức lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư làm ăn tại vùng biển này. Cả hệ thống chính trị của Thanh Hóa vào cuộc giúp Sầm Sơn thay đổi.
Từ năm 2011 đến 2013 là giai đoạn làm “cách mạng” ở Sầm Sơn. Với nhiều nỗ lực, nhiều biện pháp quyết liệt, nhiều giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. Dần dà tiếng thơm về Sầm Sơn được lan tỏa, du khách đến với vùng biển này đã có những thiện cảm. Sầm Sơn đã không còn cảnh “chặt, chém” mà trở nên thân thiện hơn trong lòng du khách.
Sầm Sơn nay đã khác. Một Sầm Sơn đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của mình khi người ta biến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch biển hấp dẫn nhất cả nước.
Tháng 5/2014, một dự án “khủng” chưa từng có ở Thanh Hóa về du lịch do Tập đoàn FLC đầu tư chính thức khởi công trên diện tích 450ha, với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi, giải trí, sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp sát bờ biển.
Một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, một sân golf 18 lỗ dạng links có chiều dài ven biển dài nhất Việt Nam được thiết kế bởi Công ty Nicklaus Design - công ty thiết kế sân golf hàng đầu thế giới - được manh nha. Sân golf này sánh ngang những sân golf tầm cỡ, đẳng cấp nhất Việt Nam và khu vực. Khi dự án này khởi công, dư luận ở Thanh Hóa cũng băn khoăn và lo ngại có thành hiện thực? Có đúng tiến độ? Làm sao mà hoàn thành vào dịp khai mạc năm du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa được?!
Thế nhưng, điều kỳ diệu đã đến, từ vùng đất ao hồ, ruộng vườn, sình lầy… sau 9 tháng thi công, quần thể sân golf - resort - khách sạn lớn nhất dải đất miền Trung và cũng là khu nghỉ dưỡng hoành tráng vào loại bậc nhất (năm 2015) ở phía Bắc cùng với Trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ ngồi đã được hoàn thành.
Không những thế, khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao này còn lập 2 kỷ lục: Là khu nghỉ dưỡng có bể tắm nước mặn lớn nhất Việt Nam (5.100m2) và có nhiều bể bơi nhất Việt Nam (152 bể bơi lớn nhỏ). Không ngoa ngôn chút nào khi nói rằng, chính FLC đã góp phần to lớn để thị xã Sầm Sơn trở thành TP. Sầm Sơn như ngày hôm nay. Bây giờ không chỉ có FLC mà có cả Vingroup, Sun Group, Vinamilk cùng nhiều doanh nghiệp lớn đã đến đầu tư, kinh doanh, làm ăn tại Thanh Hóa và Sầm Sơn.
Vài năm trở lại đây, Sầm Sơn thu hút khá nhiều nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ với giá trị đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Minh chứng cho điều đó là, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Lễ khởi công Dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn, dự án có tổng vốn đầu tư lên đến gần 25.000 tỷ đồng. Hay như dự án Khu đô thị sinh thái biển Đông Á nằm trên địa bàn TP. Sầm Sơn có quy mô sử dụng đất 60,46ha. Dự án Khu đô thị dọc hai bờ sông Đơ với diện tích xây dựng là 68,68ha,…
Với tư duy đổi mới, không cam chịu đói nghèo và lạc hậu, với khát vọng thịnh vượng, Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để trở nên một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn./.