PGS.TS. Ngô Trí Long: Với sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp, dòng tiền có cơ hội quay lại và lưu thông

PGS.TS. Ngô Trí Long: Với sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp, dòng tiền có cơ hội quay lại và lưu thông

Ngọc Nữ
Ngọc Nữ nunn3006@gmail.com
Thứ Tư, 19/07/2023 - 06:00

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm như hiện nay, sự xuất hiện của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có thể giải quyết được phần nào bài toán về khôi phục niềm tin và thanh khoản trong trước mắt.

Thị trường trái phiếu cũng sẽ chuyên nghiệp hơn khi trở về với đúng bản chất của nó là sản phẩm đầu tư, tức là khi mua thì có thể lãi hoặc lỗ, chứ không như hiện nay là chỉ có lãi.

***

Đầu năm 2023, các đánh giá chung từ giới phân tích đều cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục trầm lắng trong ít nhất là nửa đầu năm, trong bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu của năm nay rất lớn và thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung lẫn phía cầu.

6 tháng của năm đã đi qua, Chính phủ và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường trái phiếu là Bộ Tài chính đã có những động thái tích cực gỡ khó cho thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức.

Nỗ lực mới nhất đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư là việc hình thành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Sàn sẽ chính thức vận hành từ hôm nay, ngày 19/7.

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua rất nhiều biến động lớn. (Ảnh minh họa: Vneconomy)

Theo số liệu của Chứng khoán KBSV, trong nửa cuối năm 2023, dự tính sẽ có khoảng 150,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, một lượng lớn tập trung vào quý III với 91,8 nghìn tỷ, tăng 26% so với quý liền trước. Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30,6 nghìn tỷ vào tháng cuối năm 2023.

Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63,3 nghìn tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.

Trong bối cảnh đó, với sự ra đời của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, triển vọng thị trường trái phiếu 6 tháng cuối năm sẽ có thể tươi sáng hơn hay không, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) xoay quanh vấn đề này.

VIỆT NAM ĐANG THIẾU MỘT THỊ TRƯỜNG GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU THỨ CẤP

PV: Ông có nhận định như thế nào về bức tranh toàn cảnh thị trường trái phiếu đến thời điểm hiện tại, đặt trong tương quan với cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, sau khi Nghị định 08 ra đời cũng như trong bối cảnh lãi suất đang giảm dần như hiện nay?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua rất nhiều biến động lớn. Đặc biệt từ sau vụ việc sai phạm liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, tâm lý nhà đầu tư chịu tác động rất lớn, dẫn đến niềm tin vào thị trường giảm sút mạnh mẽ.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tương đối ảm đạm, các doanh nghiệp đối diện với nhiều thách thức, khó xoay sở tiền để trả nợ gốc và lãi cho các trái chủ, đồng thời cũng khó phát hành trái phiếu mới, khiến cho giá trị phát hành lao dốc không phanh. Ta thấy giai đoạn nửa cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu thành công.

Đến nay, sau một thời gian “đứng hình”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những “chuyển động” tích cực trở lại nhờ sự hỗ trợ bởi hàng loạt chính sách. Đặc biệt, từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời hồi đầu tháng 3 sửa đổi bổ sung một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, các doanh nghiệp mới có căn cứ pháp lý để đàm phán với nhà đầu tư về việc thanh toán gốc, lãi đến hạn bằng tài sản khác; được thay đổi các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng gốc và được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm kể từ khi Nghị định này có hiệu lực.

Nhiều doanh nghiệp đã trở lại huy động được hàng ngàn tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến cuối tháng 5/2023, có 15 doanh nghiệp phát hành khối lượng 26,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong tháng 6 có 13 đợt phát hành riêng lẻ của 10 doanh nghiệp với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng; tăng mạnh so với tháng 5 khi chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với 4 đợt, tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.

Đối với bất động sản, ta thấy đang bắt đầu hút lại dòng tiền thông qua phát hành trái phiếu. Trong tháng 6, nhóm ngành xây dựng - bất động sản là nhóm dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chiếm 47,5% giá trị phát hành.

Với những kết quả đó, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ, lãi suất huy động giảm dần, tôi cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới sẽ phục hồi một cách đáng kể.

Nếu ví thị trường năm 2023 là một bức tranh, trước đây có màu đen thì đến nay tuy chưa thể là màu xanh được, nhưng đã sáng dần lên thành màu xám. Thị trường có những chuyển biến chậm mà chắc và sẽ lạc quan hơn nhiều nếu có thêm sự hỗ trợ từ các chính sách khác của Chính phủ.

PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

PV: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 30/2023/TT-BTC hướng dẫn đăng ký, lưu ký, chuyển quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp và ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ khai trương, đi vào vận hành.

Như ông nói, liệu đây có phải là một trong những sự hỗ trợ có thể giúp triển vọng thị trường lạc quan hơn trong thời gian tới?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Đúng vậy. Điều quan trọng nhất là nó có thể khiến cho dòng tiền quay lại và tiếp tục chảy.

Trước thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm như hiện nay, tôi cho rằng sự xuất hiện của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có thể giải quyết được phần nào bài toán về khôi phục niềm tin và thanh khoản trong trước mắt.

Thực chất, Việt Nam đang thiếu một thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp, hay nói cách khác chính là sàn giao dịch này.

Sàn giao dịch bắt đầu đi vào hoạt động sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rất nhiều chi phí. Ở thị trường sơ cấp, nhà đầu tư rất lo ngại khi tài sản không có tính thanh khoản hay không thể mua bán, mất tính chủ động. Còn đối với thị trường thứ cấp, yếu tố quan trọng là thanh khoản được cải thiện và rủi ro cũng được giảm thiểu rất nhiều.

Điều này đã được chứng minh khi nhìn từ kinh nghiệm của các nước. Với các quy định rõ ràng, sàn giao dịch được kỳ vọng sẽ làm lành mạnh hóa kênh phân phối trái phiếu và đẩy lùi nạn chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ một cách tràn lan, phớt lờ các quy định của pháp luật. Về lâu dài sẽ thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn theo hướng lành mạnh, ổn định và bền vững.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Và thông qua một hệ thống giao dịch được vận hành bài bản, các doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn hiệu quả, giúp giảm bớt gánh nặng cho tín dụng ngân hàng; tiến tới một hệ thống tài chính chuyên nghiệp hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhờ đó có thể giúp tận dụng nguồn lực nhàn rỗi và thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn.

Nếu ví thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là một bức tranh, trước đây có màu đen thì đến nay tuy chưa thể là màu xanh được, nhưng đã sáng dần lên thành màu xám.

Thị trường có những chuyển biến chậm mà chắc và sẽ lạc quan hơn nhiều nếu có thêm sự hỗ trợ từ các chính sách khác của Chính phủ.

- PGS.TS. Ngô Trí Long - 

Hiện nay, trên thị trường có một lượng không nhỏ các nhà đầu tư “mắt kẹt” với trái phiếu doanh nghiệp mà chưa tìm được lối thoát. Trước đây, các nhà đầu tư thường mua bán trái phiếu qua tổ chức trung gian hoặc giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp phát hành. Điều này vô hình trung khiến giao dịch bị hạn chế và trở nên khó thanh khoản.

Hệ thống giao dịch trái phiếu đi vào vận hành thời gian tới sẽ có thể hỗ trợ cho lượng lớn trái chủ đang muốn thanh khoản trái phiếu, giúp họ có thêm cơ hội thu hồi tiền về. Nếu nhà đầu tư muốn bán trái phiếu trước thời hạn cũng có thể thực hiện được qua sàn này, mà không cần chờ đợi đến hạn thanh toán.

Để đảm bảo tốt hơn lợi ích của nhà đầu tư, phương thức thanh toán trên sàn sẽ theo cơ chế tức thời theo từng giao dịch với chu kỳ thanh toán T+0. Việc này sẽ giúp tạo dựng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tốt hơn.

Thị trường có hệ thống giao dịch sẽ vận hành tương tự như giao dịch Repo (hợp đồng mua lại), tức nhà đầu tư hưởng lãi suất cố định nhưng khi đưa lên sàn sẽ tạo tính thanh khoản mang tính chất lỗ lãi như giao dịch cổ phiếu. Cuộc chơi sẽ trở nên khốc liệt hơn, phản ánh đúng thực chất kinh tế thị trường.

Thị trường trái phiếu cũng sẽ chuyên nghiệp hơn khi trở về với đúng bản chất của nó là sản phẩm đầu tư, tức là khi mua thì có thể lãi hoặc lỗ, chứ không như hiện nay là chỉ có lãi.

PV: Xin ông phân tích rõ hơn tác động của sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến các thành phần tham gia thị trường?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Nhìn chung, việc thành lập một hệ thống và đưa tất cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên giao dịch tập trung sẽ có thể đem lại nhiều tác động tích cực.

Thứ nhất, làm tăng tính minh bạch cho thị trường, các bên có thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, dễ dàng hơn. Qua đó, giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.  

Sàn giao dịch sẽ tạo lập một hệ thống cơ sở dữ liệu để giúp các nhà đầu tư có đủ thông tin về từng lô trái phiếu chào bán, các giao dịch trên thị trường, đặc biệt là công khai các cam kết tuân thủ mà các bên đưa ra. Bên cạnh đó cũng sẽ có những chuyên trang cung cấp thông tin về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thứ hai, xóa bỏ thủ tục giao dịch thô sơ, giúp việc giao dịch thuận tiện hơn, nâng cao chất lượng thanh toán.

Thứ ba, hạn chế được những thủ thuật lách luật từng gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường từ trước đến nay và giảm thiểu các rủi ro liên quan. Trong trường hợp một trong các bên vi phạm cam kết, sẽ có những chế tài, biện pháp xử lý.

Đối với nhà đầu tư, thông qua sàn giao dịch trái phiếu, họ có thể hạn chế được rủi ro và tránh mua phải trái phiếu không có chất lượng. Trong khi đó, doanh nghiệp phát hành có thể tăng tiếp cận với nhà đầu tư mua trái phiếu của mình.

Một vấn đề rất quan trọng sẽ được rà soát chặt chẽ khi giao dịch thông qua sàn là chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được tham gia. Điều này giúp giảm rủi ro và tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới.

Việc thành lập một hệ thống và đưa tất cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên giao dịch tập trung sẽ có thể đem lại nhiều tác động tích cực. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

PV: Cơ quan quản lý cần lưu ý gì trong quá trình vận hành để hệ thống này đem lại tác động tích cực và hiệu quả thực chất lên thị trường, thưa ông?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Thông qua hệ thống, các cơ quan quản lý sẽ có đầy đủ thông tin để bao quát tổng thể hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, từ khâu phát hành trên thị trường sơ cấp đến giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Để sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vận hành trơn tru, hướng tới một thị trường trái phiếu phát triển bền vững, cơ quan quản lý, vận hành hệ thống giao dịch cần lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, cần kiểm soát hết sức chặt chẽ với những chế tài xử phạt thật nghiêm, tránh việc các doanh nghiệp tuồn trái phiếu rác vào thị trường.

Thứ hai, tránh để hệ thống giao dịch rơi vào tình trạng èo uột, lèo tèo. Cần minh bạch các thông tin phát hành của các doanh nghiệp. Thông tin phải đầy đủ, rõ ràng và được xếp hạng.

Thứ ba, khung pháp lý của sàn phải đảm bảo tính công bằng và hoàn thiện, có thể bảo vệ nhà đầu tư; đồng thời tăng cường tính giám sát.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tính thời điểm đối với sự xuất hiện của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Tôi cho rằng, sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp này đáng nhẽ đã phải được vận hành từ lâu. Đến nay ra mắt có thể nói là hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không.

Tuy nhiên khách quan mà nói, đặt trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang mất niềm tin, mất tính thanh khoản và là điểm nghẽn của thị trường tài chính, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, quyền lợi của các nhà đầu tư không được đảm bảo thì việc cho ra đời hệ thống giao dịch trái phiếu tại thời điểm này được coi là có điểm rơi tương đối chính xác. Đây là giải pháp cần thiết, tối ưu cho trước mắt và cũng có tác dụng về lâu dài.

Sự ra mắt hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thời điểm này được cho là có điểm rơi tương đối chính xác. (Ảnh minh họa: vov.vn)

MỘT "CHIẾC PHAO" KHÁC ĐỂ "CỨU" NHÀ ĐẦU TƯ

PV: Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể được xem là bước ngoặt trong việc giao dịch các khoản nợ tại Việt Nam không, thưa ông?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Tôi cho rằng đây đúng là một bước ngoặt lớn. Bản chất hệ thống giao dịch này chính là sàn giao dịch các khoản nợ trái phiếu riêng lẻ hiện nay.

Trong khi sự ra đời của Nghị định 08 được ví như chiếc phao cứu sinh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thì Thông tư 30 được ví như một chiếc phao khác để “cứu” các nhà đầu tư trong việc giao dịch các khoản nợ trái phiếu, vào thời điểm mà doanh nghiệp phát hành chưa thể trả gốc và lãi cho nhà đầu tư.

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ được mở ra là cơ hội cho những người đang nắm giữ trái phiếu có thể lấy lại tiền sớm hơn, bằng cách bán trái phiếu đi. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải có người mua; và bán với mức giá nào là theo thỏa thuận. Như vậy, sẽ mở ra cho các trái chủ thêm một cách để “tự cứu mình”. Đồng thời, nếu có người mua thì cũng sẽ giảm bớt được phần nào áp lực bị đòi nợ cho các doanh nghiệp phát hành.

Trong khi sự ra đời của Nghị định 08 được ví như chiếc phao cứu sinh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thì Thông tư 30 được ví như một chiếc phao khác để “cứu” các nhà đầu tư trong việc giao dịch các khoản nợ trái phiếu, vào thời điểm mà doanh nghiệp phát hành chưa thể trả gốc và lãi cho nhà đầu tư.

- PGS.TS. Ngô Trí Long -

Tuy nhiên, bên cạnh phát triển thị trường thứ cấp với việc giao dịch các khoản nợ, để có thể phát hành mới thì còn nhiều vấn đề cần những giải pháp đồng bộ chính sách, chứ không đơn thuần chỉ dựa vào sự xuất hiện của một sàn giao dịch.

Để huy động vốn hiệu quả thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, căn cơ nhất là thị trường vẫn phải có cái gốc minh bạch và chặt chẽ theo đúng quy chuẩn, thông lệ quốc tế.

PV: Trong giai đoạn 2011 - 2013, thị trường bất động sản đóng băng khiến nợ xấu ngân hàng tăng vọt. Khi ấy, Chính phủ đã thành lập ra một cơ quan đặc biệt là VAMC - công ty chuyên mua bán nợ.

Ở giai đoạn khó khăn hiện nay với trái phiếu, cơ quan chức năng thành lập hệ thống giao dịch thứ cấp. Vậy chúng ta thấy vai trò của cơ quan quản lý được thể hiện như thế nào như một chủ thể thực hiện quản lý nhà nước về thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Trong nền kinh tế thị trường, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển của hệ thống tài chính tiền tệ là rất quan trọng. Đây không chỉ là một chủ thể có trách nhiệm giám sát, điều tiết, vận hành thị trường thông suốt, an toàn, hiệu quả mà bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước còn có vai trò can thiệp để đảm bảo sự ổn định thị trường khi các rủi ro có tính hệ thống xảy ra. Chính vì thế, cơ quan nhà nước cần hết sức chủ động, kịp thời trong quản lý thị trường tài chính tiền tệ, đặc biệt là khi xuất hiện những biến cố.

Để phát triển thị trường trái phiếu ngày càng chuyên nghiệp, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Vừa qua, Nghị định 08 được Chính phủ ban hành đã đáp ứng được phần nào mong mỏi của thị trường, tuy nhiên đây chủ yếu vẫn là giải pháp mang tính tình thế.

Ở góc độ cải cách, cần tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoàn thiện khung pháp lý sao cho phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận sát hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản lý cũng như giám sát của các cơ quan nhà nước. Đây phải là một quá trình diễn ra liên tục, thường xuyên đổi mới.

PV: Trong bối cảnh quý III tiếp tục là cao điểm đáo hạn trái phiếu bất động sản, sự xuất hiện của sàn giao dịch trái phiếu liệu có thể đem lại tác động tích cực nào hỗ trợ thị trường bất động sản không, thưa ông?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Đối với thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia đánh giá trái phiếu là điểm then chốt, trọng yếu để tạo ra niềm tin cho thị trường này. Vì thực chất, thị trường trái phiếu mới là nơi cung cấp vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp, còn ngân hàng thương mại chỉ cung cấp được một lượng vốn dài hạn rất nhỏ.

Có thể nói, việc mở sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là một nỗ lực “phá băng” thị trường. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng nó sẽ đem lại những tác động từng bước giúp khôi phục lại niềm tin cho trước là thị trường trái phiếu, sau là thị trường bất động sản. Khi dòng tiền dần được khơi thông, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ tươi sáng hơn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chuyên nghiệp, lành mạnh sẽ đem lại tác động tích cực cho thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: 1.6 Media)

CẤP BÁCH XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI TÀI CHÍNH LÀNH MẠNH

PV: Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường trái phiếu nước ta cho đến nay vẫn chưa phát triển tương xứng, đồng bộ với thị trường tiền tệ và bất động sản.

Với sự xuất hiện của hệ thống giao dịch trái phiếu thứ cấp này, ông có kỳ vọng như thế nào về sự hoàn thiện của thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung trong thời gian tới?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Nhìn nhận một cách khách quan, tôi cho rằng thị trường tài chính Việt Nam đã và đang ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Thị trường vốn đã tạo ra sự đa dạng trong các sản phẩm của thị trường tài chính, các kênh đầu tư cho tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

Ta thấy hiện nay trên thị trường vốn đã hình thành đầy đủ cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường này tăng trung bình 28,5% trong các giai đoạn từ 2016 đến 2021 và đạt 134,5% GDP năm 2021, tăng gấp 3,5 lần so với quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương khoảng 94% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt gần 40% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là khoảng 23% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là trên 14% GDP).

Trong đó, thị trường trái phiếu Việt Nam đã hình thành từ những năm 90 nhưng từ năm 2011 đến nay mới phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng chính sách và doanh nghiệp.

Nhìn chung, để tạo nền móng phát triển thị trường, thời gian qua, khung pháp lý cho thị trường chứng khoán hay thị trường trái phiếu cũng được ban hành tương đối đầy đủ, thường xuyên được hoàn thiện từ cấp luật, nghị định đến các thông tư, quy chế quy trình để phù hợp với trình độ phát triển nền kinh tế. Đồng thời, với việc ban hành Luật Chứng khoán thế hệ thứ hai năm 2019, thị trường đã dần tiếp cận được với chuẩn mực quốc tế.

Thị trường trái phiếu đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn đối với doanh nghiệp, chia sẻ gánh nặng cung ứng vốn với hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thăng hoa thì đến cuối năm 2022, tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tụt dốc không phanh. Thực trạng thị trường phát triển nhanh về quy mô nhưng chưa tương xứng về chất lượng. So với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các nước trong khu vực như Malaysia (đạt 54,3% GDP), Singapore (34,3% GDP), Thái Lan (25,5% GDP), quy mô thị trường Việt Nam còn rất nhỏ.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kể cả với vốn trung và dài hạn. Thực trạng này tạo ra sức ép, rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn huy động có đến trên 80% là ngắn hạn.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân lại có xu hướng tăng mua, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp bất chấp việc thiếu khả năng phân tích, đánh giá, quản trị rủi ro. Cùng với việc thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có uy tín, dẫn đến hạn chế trong việc ra quyết định của các nhà đầu tư.

Chưa kể, trong điều kiện hiện nay, hầu hết trái phiếu doanh nghiệp chưa được niêm yết nên nhà đầu tư rất khó nắm bắt thông tin. Giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng hạn chế. Tình hình tài chính một số doanh nghiệp đã phát hành cũng thiếu công khai, minh bạch, khả năng thanh khoản rất thấp. Một số doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích đã công bố.

Ngoài ra, nhà đầu tư như các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán chưa khẳng định được vai trò của mình trên thị trường. Hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ tương hỗ chưa được phát triển. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng còn rất hạn chế.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề cấp bách là cần xây dựng một hệ sinh thái tài chính lành mạnh. (Ảnh minh họa: SSI)

Là một trong 3 “chân kiềng” chính của thị trường vốn, nhưng “chân kiềng” trái phiếu ngày càng “teo tóp”, khiến nguồn vốn trung và dài hạn cung ứng cho các doanh nghiệp bị ách tắc. Đối với bất động sản, dòng vốn tắc nghẽn, nhiều dự án ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế lâm nguy, đặc biệt gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch trả nợ.

Do đó hiện nay, vấn đề quan trọng chính là phải khơi thông được điểm ách tắc này để tạo kênh dẫn vốn, đặc biệt là cho thị trường bất động sản.

Những rủi ro đã và đang bộc lộ, những sai phạm vừa qua của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chính là một bài học rất giá trị. Nó cho thấy, về lâu dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được đánh giá một cách chính xác, đúng vai trò và tầm quan trọng. Từ đó, đưa ra những giải pháp thích đáng và phù hợp nhằm phát triển thị trường đúng hướng, an toàn và lành mạnh.

Mục tiêu này đã được Chính phủ đặt ra, các cơ quan quản lý cũng đã và đang quyết tâm triển khai thực hiện. Mà ta thấy sự ra mắt hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính là một bước tiến trong tiến trình hoàn thiện thị trường này.

PV: Vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp quan trọng như thế nào đã được đánh giá và nhận thức rõ. Chỉ là chúng ta cần tiếp tục có những hành động như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch, lành mạnh, thưa ông?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Chúng ta đặt ra rất nhiều kỳ vọng vào sự xuất hiện của hệ thống giao dịch trái phiếu thứ cấp. Tuy nhiên thực tế, để thị trường này ngày càng phát triển một cách minh bạch, hiệu quả thì chưa dừng lại ở đó.

Tôi cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề cấp bách là cần xây dựng một hệ sinh thái tài chính lành mạnh. Cần biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực trong việc xây dựng nền tảng hệ thống trái phiếu trở nên hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Để làm được điều này, cần có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường cũng cần được hỗ trợ, giám sát và Chính phủ, cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý, giải quyết linh hoạt và kịp thời những yêu cầu, bức xúc của thị trường.

Bản thân các chủ thể tham gia thị trường cũng phải có ý thức tuân thủ. Doanh nghiệp phát hành cũng phải tôn trọng các thỏa thuận, chịu trách nhiệm đến cùng với các nhà đầu tư.

Lưu ý, thị trường trái phiếu không phải thị trường mua bán hàng hóa thông thường mà là một thị trường tài chính. Do đó đòi hỏi người tham gia phải có năng lực, phải có môi trường pháp lý để tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh.

Cùng với đó là cần đảm bảo những yếu tố kèm theo: Ổn định nền kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá, lạm phát; điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ. Đây là điểm tựa hết sức quan trọng để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt và hiệu quả hơn.

Trước khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, Chính phủ cần có nhiều giải pháp cụ thể khác, như chính sách giãn hoãn nợ, chuyển nợ hay giảm lãi suất, giãn thuế… Bên cạnh đó, cũng lưu ý không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Những điều này có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, cũng như thị trường trái phiếu.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia.

Bà Vũ Thị Thúy Ngà - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX):

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) được kết cấu trên nguyên tắc giao dịch thỏa thuận, cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của HNX. Hệ thống hiện hỗ trợ 2 loại lệnh là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường. Như vậy, việc giao dịch chỉ được xác lập trên hệ thống khi người mua và người bán trái phiếu xác nhận đã hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành. Đây là một trong những cơ chế giúp thị trường phát triển lâu dài và bền vững trên cơ sở thông tin từ tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp tới các trái chủ sau này được xuyên suốt và minh bạch.

Về thanh toán, hệ thống cho phép trao đổi thông tin giao dịch, thông tin lưu ký với hệ thống của Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD). Việc thanh toán các giao dịch TPDNRL được thực hiện theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch, tương tự phương thức thanh toán đang áp dụng trên thị trường chứng khoán phái sinh, hoặc lệnh sẽ được thanh toán vào cuối ngày giao dịch theo lựa chọn của nhà đầu tư.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sau khi hệ thống giao dịch TPDNRL đi vào hoạt động, tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch tại SGDCK trong vòng 3 tháng kể từ ngày khai trương hệ thống giao dịch tập trung TPDNRL.

HNX dự kiến có hơn 1.600 mã TPDNRL sẽ được đưa vào giao dịch sau khi khai trương hệ thống.

Bà Vũ Thị Thúy Ngà - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: vtv.vn)

Để góp phần đảm bảo sự minh bạch - yếu tố cần thiết để tăng niềm tin đối với nhà đầu tư, xin nói thêm về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định rõ việc đăng ký giao dịch trái phiếu tại SGDCK không hàm ý SGDCK xác nhận và đảm bảo cho tính hợp pháp của đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp cũng như việc thanh toán đầy đủ lãi, gốc của trái phiếu.

Doanh nghiệp đưa trái phiếu lên đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDNRL phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đăng ký giao dịch và các thông tin công bố. Doanh nghiệp phải giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.

Về trách nhiệm của nhà đầu tư trái phiếu, người mua phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin, rủi ro của trái phiếu, người bán có trách nhiệm cung cấp cho người mua toàn bộ thông tin và báo cáo về trái phiếu theo quy định. SGDCK không chịu trách nhiệm về giao dịch của nhà đầu tư. Đồng thời, với cơ chế giao dịch là giao dịch thỏa thuận, các nhà đầu tư phải tìm hiểu thông tin đầy đủ và xác nhận trước khi mua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top