Aa

Sẵn sàng cho cuộc đua “Điểm đến golf lý tưởng”

Thứ Hai, 18/03/2019 - 06:01

Theo KTS. Ronald Fream – người từng tham gia thiết kế hơn 160 sân golf trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để trở thành thiên đường golf ở châu Á với địa hình đặc thù và độc đáo. Tuy nhiên, vị kiến trúc sư người Mỹ cho rằng, Việt Nam vẫn đang bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển khi chi phí chơi golf quá cao và việc bảo dưỡng duy tu sân golf còn hạn chế.

PV:  Là một trong những kiến trúc sư từng thiết kế những sân golf nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong việc xây dựng những sân golf đẹp và đẳng cấp?

KTS. Ronald Fream: Thú thực là tôi đã dành rất nhiều năm để tìm hiểu về thị trường golf Việt Nam, trong đó có những tiềm năng về địa hình. Những tháng ngày ở Việt Nam đã mang đến cho tôi kỷ niệm tuyệt vời về một vùng đất có nhiều cơ hội phát triển môn thể thao đang được mọi người yêu thích này.

Thái Lan là một nước được mệnh danh là thiên đường golf châu Á. Và Việt Nam, một đất nước có cùng điểm xuất phát, có nhiều điểm tương đồng với đất nước Thái Lan hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến lý tưởng trong bản đồ golf thế giới.

KTS.Ronald Fream.

KTS.Ronald Fream.

Việt Nam có thể xây dựng được rất nhiều sân golf đẹp và đẳng cấp vì sở hữu địa hình rất đặc thù và độc đáo. Mỗi địa hình sẽ tạo ra một sân golf khác biệt, mang đến trải nghiệm mới lạ cho những du khách chơi golf. Điều quan trọng nhất là các sân golf phải có sự kết nối với hệ thống giao thông thuận tiện, kèm theo tiện ích đầy đủ.

PV: Như ông vừa trao đổi, Việt Nam sở hữu những địa hình rất đặc thù và độc đáo. Vậy sân  Sea Links, sân Long Thành – những sân golf ông thiết kế, có nằm trong số những đặc thù ấy?

KTS. Ronald Fream: Sân Long Thành và Sea Links có những thách thức hoàn toàn khác nhau.

Sân Long Thành gồm một phần đất đồi núi, phần còn lại là đất lúa và đất sét nặng. Sea Links thì nằm trên một đồi cát dày 80m. Trong khi đó, các thiết kế của chúng tôi luôn chuyên biệt cho từng sân, loại địa hình, điều kiện đất, thảm thực vật tự nhiên bản địa, khí hậu, ngân sách và thị trường mục tiêu.

Để thiết kế sân golf Long Thành, chúng tôi phải tiến hành 2 công việc hoàn toàn khác biệt. Một là xây dựng trên phần đất đồi núi. Hai là tiến hành khai thác, chuyển bùn ở khu đất lúa. Việc tạo ra đường viền, thay đổi các đường bao quanh trong khu vực đất lúa ở Long Thành đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.

Trong khi đó, sân golf Sea Links là dự án phải thực hiện việc chuyển một lượng rất lớn cát. Phần lớn các lỗ golf đều hướng ra biển. Sea Links không gặp khó khăn trong các vấn đề về thoát nước, cũng không cần phải xử lý đất bùn. Các đường cong của sân cũng đa dạng, mượt mà và hấp dẫn trực giác hơn so với Long Thành.

PV: Trong quá trình thiết kế các sân golf ở Việt Nam, ông ấn tượng với những đặc điểm địa hình đặc thù nào?

KTS. Ronald Fream: Tôi thích những sân golf ở miền Trung Việt Nam. Nơi đây sở hữu địa hình cồn cát rất tuyệt vời như ở vịnh Cam Ranh, các khu vực gần Mũi Né, Đà Nẵng, Hội An,… Đó là những điểm đến đặc biệt và hấp dẫn. Các sân golf truyền thống phát triển mạnh trên các địa hình như cồn cát, bờ biển và các đụn cát cao.

Quá trình xây dựng sân golf trên các cồn cát được đánh giá là dễ so với độ khó chung của công việc.

Thực tế, thiết kế sáng tạo và thi công chất lượng là hai giai đoạn sẽ tạo ra được các sân golf đẹp. Ví dụ như khi chúng tôi xây dựng sân golf Phoenix phía Nam Hà Nội, khu thi công không hề có cát nhưng những mỏ đá vôi cùng các vết đá đã mang lại cho nó vẻ đặc biệt khác.

PV: Để một sân golf tiếp tục trở thành điểm đến của golf thủ thì vấn đề bảo trì và bảo dưỡng hết sức quan trọng. Bởi câu chuyện “ăn xổi ở thì” chưa bao giờ mang lại kết quả tích cực lâu dài. Với đặc điểm như ở Việt Nam, việc bảo trì và bảo dưỡng sân golf có khó khăn hơn so với các sân golf trên thế giới không, thưa ông?

KTS. Ronald Fream: Bảo tồn sân golf phải liên quan trực tiếp đến các hoạt động bảo dưỡng. Kể cả có thương hiệu thiết kế tên tuổi hay các câu lạc bộ danh tiếng, nhưng nếu bảo dưỡng thảm cỏ không đạt tiêu chuẩn, golf thủ sẽ không quay trở lại. Sử dụng bảo trì “5 sao” là không cần thiết, nhưng bảo trì chất lượng cao là thiết yếu.

Việt Nam có lợi thế với lao động giá rẻ. Một sân golf có thể hoạt động tốt nhờ việc sử dụng nhiều lao động phổ thông tại địa phương. Ở các nước phương Tây, với chi phí nhân công cao, các thiết bị đắt tiền có thể thay thế lao động chân tay.

Một sân golf resort tiêu chuẩn 18 lỗ ở Mỹ có thể sử dụng 12 - 15 nhân viên bảo dưỡng. Tại đây, mọi người sử dụng thiết bị máy móc để làm việc. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, con số này là 40 - 50 người.

Bạn biết đấy, để duy trì bảo dưỡng một sân golf không phải là công việc giám sát cho một người làm vườn có kiến thức tầm trung. Tại nhiều quốc gia có thị trường golf phát triển như hiện nay, giám sát sân golf thường có bằng đại học hoặc cao đẳng trong ngành quản lý sân và cỏ. Ở Việt Nam, chúng tôi rất khó để tìm được một giám thị viên sân golf đáp ứng được các điều kiện này.

Sân Golf Long Thành được KTS. Ronald Fream tham gia thiết kế.

Sân Golf Long Thành được KTS. Ronald Fream tham gia thiết kế.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc bảo trì sân golf tốn một khoản chi phí rất lớn. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư phải “đau đầu” trong việc hạch toán kinh tế. Đây có phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới một số sân golf không mang lại lợi nhuận như mong đợi đã đặt ra không, thưa ông?

KTS. Ronald Fream: Tôi cho rằng các nhà đầu tư cần thận trọng với chi phí bảo trì dài hạn. Những phí này sẽ có lúc vượt quá thu nhập hằng ngày. Mặt khác, việc sử dụng các nhà thiết kế thương hiệu nổi tiếng cũng có thể tăng 20 - 30% phí xây dựng.

Nói vậy nhưng sân golf không đạt được lợi nhuận còn xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác. Ví như, chi quá nhiều vào việc xây dựng các câu lạc bộ cũng là vấn đề rất phổ biến. Thế giới đã có quá nhiều trường hợp các câu lạc bộ lớn, sành điệu trở thành “hố đen” hút hết lợi nhuận.

Một vấn đề khác ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh doanh golf dài hạn, đó là các chủ sở hữu muốn tăng tối đa phí sân để tăng lợi nhuận. Nhưng phí sân quá cao sẽ làm nản lòng người chơi, “đẩy” golf thủ đi chỉ sau một lượt, thay vì gắn bó lâu dài.

Vấn đề khác tôi nhận thấy, đó là sự phát triển golf gần đây tập trung rất nhiều vào khu nghỉ dưỡng 4, 5 sao và sử dụng các thương hiệu đắt tiền, mời kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế. Các nhà đầu tư với vốn kinh nghiệm golf ít ỏi cho rằng càng chi nhiều tiền, thì càng có thể khoe sự sang trọng cho sân golf của mình và từ đó có thể thu hút nhiều golf thủ hơn. Nhưng điều này không hề đúng qua thời gian.

Thu được lãi từ các hoạt động hằng ngày là rất quan trọng. Nhưng ở Việt Nam và các nơi khác nữa, lợi nhuận lại không phải từ kinh doanh golf. Vốn đầu tư ban đầu và việc chi quá nhiều cho các câu lạc bộ golf, xây dựng sân golf sẽ ăn mòn lợi nhuận, mà có thể không thu hồi được lãi từ việc bán bất động sản liền kề hay cho thuê khách sạn 5 sao kèm theo.

PV: Câu chuyện lợi nhuận ở từng sân golf là vậy. Nhưng còn hiệu quả kinh tế từ golf đóng góp cho nền kinh tế thì sao, thưa ông?

KTS. Ronald Fream: Như tôi đã nói, thị trường golf thủ thượng lưu rất hạn chế và không chắc sẽ mang lại nhiều lợi nhuận theo thời gian. Thị trường golf Việt Nam cần có giá cả phải chăng hơn để phù hợp với phần lớn golf thủ du lịch thay vì chỉ nhắm tới tầng lớp thượng lưu.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế của golf, có một cách tiếp cận riêng với “golf Việt Nam”, đó là liên kết các loại hình địa lý khác nhau như khu vực vịnh Hạ Long, Sapa,  Đà Nẵng, Mũi Né, Đà Lạt, khu vực Sài Gòn, đồng bằng sông Cửu Long, Phú Quốc trở thành một tour trải nghiệm toàn cảnh. Các tour du lịch golf có thể sắp xếp ba ngày ở mỗi địa điểm.

Để có thêm nhiều golf thủ đến Việt Nam thì yêu cầu về tiện nghi hạ tầng và quảng bá thị trường rõ ràng, minh bạch là điều quan trọng. Các sân golf có thể cung cấp nhiều khoá học hay các chương trình chơi tại sân cũng là phương án rất hữu ích.

Theo tôi, Việt Nam nên kết hợp du lịch golf với việc hoạt động du lịch khác như ẩm thực, tham quan, nghiên cứu văn hóa, lịch sử mà không gói gọn đơn thuần chỉ là golf.

PV: Ông vừa đề cập đến câu chuyện Việt Nam có khả năng để trở thành một thiên đường golf ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, chắc hẳn vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt, thưa ông?

KTS. Ronald Fream: Việt Nam đang nằm trong vị trí thuận lợi để vươn tới trở thành điểm đến trong bản đồ golf châu Á và thế giới. Việt Nam có rất nhiều sân đẹp, khách sạn tốt, hệ thống giao thông được cải thiện lên rất nhiều, còn nhiều vùng đất trống chưa sử dụng. Nhưng Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các nước trong khu vực.

Thái Lan đang tiếp tục bổ sung thêm nhiều sân mới trong khi Malaysia đang sở hữu số lượng sân golf giá rẻ rộng lớn nhằm phục vụ khách du lịch. Malaysia đón nhận nhiều du khách golf trong mùa lạnh từ các vùng phía bắc như Hàn Quốc. Những địa điểm này cung cấp các gói chơi golf giá rẻ cùng các nhà hàng Hàn Quốc ngay trong khu. Campuchia cũng đang bắt đầu tham gia vào thị trường golf. Còn Lào sẽ sớm cung cấp nhiều loại hình golf hơn. Đó chính là cuộc chạy đua mà golf Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng để tham gia.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!    

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top