Aa

Sẵn sàng đón Tết trên công trường cao tốc

Thứ Năm, 12/01/2023 - 11:38

Các nhà thầu đều đã và đang huy động tối đa nhân lực, máy móc bắt tay vào thi công với tinh thần "có mặt bằng đến đâu, làm ngay đến đó, không để công trường cao tốc ngơi nghỉ".

Tại dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh, ngay sau lễ khởi công, ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 đã yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành triển khai đào, đắp ngay 1,5km đoạn tuyến chính.

Đảm nhận phạm vi thi công từ Km 636 đến Km 652 tại gói thầu XL01 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, ông Nguyễn Tài Mạnh, cán bộ ban điều hành thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết, ngay từ ngày 29/12, gần 20 đầu máy, thiết bị đã được Cienco4 huy động vào gói thầu. Tổng số lượng thiết bị liên danh nhà thầu đã huy động khoảng gần 30 đầu máy với khoảng 50 công nhân.

Không kể thứ Bảy, Chủ nhật hay dịp Tết...

"Trên công trường đã có 2 mũi thi công đường và cầu. Tinh thần làm việc là không kể thứ Bảy, Chủ nhật hay dịp Tết. Các trạm trộn bê tông nhựa 120 tấn/giờ, 2 trạm bê tông xi măng 60 tấn và 90 tấn cũng được gấp rút triển khai", đại diện Cienco 4 thông tin.

Còn ông Mai Anh Đồng, Tổng Giám đốc Công ty CP 471 cũng cho biết, ngay sau lễ khởi công, đơn vị đã điều động hơn 20 kỹ sư, công nhân vào công trường, huy động 7 máy đủ điều kiện 2 mũi thi công.

Hiện, trên công trường, các mũi đang tập trung rà soát mặt bằng, chặt cây và bóc hữu cơ nền đường. Đơn vị tiếp tục duy trì 2 mũi thi công xuyên Tết, đồng thời triển khai thêm các mũi làm cầu, làm đường trên toàn tuyến ngay sau Tết.

Ban QLDA 6 cũng cho biết, tư vấn giám sát, các nhà thầu đều đã lên kế hoạch triển khai làm Tết để đáp ứng tiến độ. Các đơn vị đang nỗ lực phối hợp với địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, cố gắng bàn giao toàn bộ trong quý II/2023.

Trong khi đó, tại 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng, ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc Ban điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, trên cơ sở diện tích mặt bằng đã được địa phương bàn giao khoảng 81% (chiều dài tuyến bàn giao khoảng 76%), ngay sau lễ khởi công, 40 đầu máy, thiết bị ở mỗi dự án đã bắt đầu thi công các hạng mục đầu tiên.

Tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh khẳng định, hiện các nhà thầu đã bố trí thi công 3 điểm và làm xuyên Tết, mặt bằng có đoạn nào ưu tiên làm đoạn đó trước. 

Tương tự, Ban điều hành dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cũng cho biết, để tạo thuận lợi cho việc thi công đồng loạt tới đây, các nhà thầu đang được yêu cầu tập trung vào các hạng mục: Đường gom, đường công vụ, bãi đúc dầm, thí nghiệm vật liệu… Việc thi công được xác định là liên tục, công trường sẽ được duy trì xuyên Tết.

Hàng loạt nhà thầu lớn như: Phương Thành, Đèo Cả, Tổng Công ty 36… cũng đã lên kế hoạch thi công xuyên Tết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ấn nút khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (ngày 1/1/2023), các nhà thầu đều huy động tối đa nhân lực, máy móc bắt tay vào thi công. (Ảnh: Vũ Thành Vũ)

Nguồn vốn đã sẵn sàng

Về việc giải ngân, đại diện Ban QLDA Thăng Long thông tin, ngay sau khi ký xong hợp đồng, các nhà thầu đã được làm thủ tục tạm ứng 10% giá trị hợp đồng xây lắp để có nguồn lực huy động vật tư, thiết bị, xây dựng lán trại.

"Quá trình thi công, nhà thầu hoàn thành thủ tục nghiệm thu, thanh toán theo quy định đến đâu sẽ được giải ngân ngay đến đó. Nguồn vốn dự án giai đoạn này gần như không phải lo lắng", Ban QLDA Thăng Long khẳng định.

Được biết, năm 2023, dự kiến nguồn vốn bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44.000 tỷ đồng, tiến độ giải ngân sẽ được bảo đảm kịp thời cho nhà thầu khi thủ tục nghiệm thu được hoàn thiện.

Vật liệu không thiếu, nhưng vẫn vướng thủ tục

Bên cạnh tinh thần thi công bất kể ngày nghỉ hay ngày Tết đang được phát động trên công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thì các Ban QLDA vẫn đang lo lắng về vấn đề mỏ vật liệu.

Liên quan đến nguồn vật liệu cát đắp cho 2 dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tính đến nay, có duy nhất tỉnh An Giang dự kiến bố trí 1,1 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất của các mỏ đang khai thác. Các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch. 

Theo tính toán, năm 2023, dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng gần 12 triệu m3. Phần còn lại hoàn thiện trong năm 2024. Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản gửi các tỉnh hỗ trợ giới thiệu, xác định vị trí mỏ vật liệu thuận lợi nhất để giới thiệu, cấp phép khai thác trực tiếp cho nhà thầu.

Theo ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty 36, dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đang trong tình trạng khan hiếm cát và đá. Theo tính toán, dự án Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 22 triệu m3 cát. Song, hiện nay, công suất khai thác của các mỏ của An Giang được cấp chưa được 2 triệu m3, đạt 10% so với công suất khai thác được cấp giấy phép. Hiện, nhà thầu đang làm thủ tục với các mỏ để cấp phép tăng công suất khai thác nguồn cát để lấy cho dự án.

Ông Đỗ Thành Chung, Phó giám đốc DNTN xây dựng Xuân Trường cho biết, toàn bộ dự án này sẽ được hoàn thành trong 34 tháng, Xuân Trường quyết tâm vượt tiến độ ít nhất 6 tháng để tránh tình trạng khan hiếm vật tư, vật liệu giai đoạn cuối. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đang băn khoăn vấn đề mỏ vật liệu. 

"Trong dự án, mỏ được giao trực tiếp cho nhà thầu khai thác. Nhưng theo chủ trương, nhà thầu phải thoả thuận với người dân để GPMB mỏ. Đây là điều rất khó, nếu vướng sẽ không có mỏ, toàn bộ dự án sẽ bị ách tắc. Nếu để tỉnh giải phóng thì sẽ dễ hơn nhà thầu", ông Chung chia sẻ.

Vấn đề khiến Ban QLDA Thăng Long (dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng) lo lắng là hiện nay, các mỏ vật liệu dù đã được địa phương giới thiệu, Ban QLDA và tư vấn đã khảo sát đủ trữ lượng đáp ứng cho dự án. Tuy nhiên, công tác GPMB, đền bù tài sản trên đất của mỏ dự kiến cấp cho nhà thầu vẫn còn nút thắt.

Theo quy định hiện hành, công tác đền bù này được thực hiện trên sự thỏa thuận của nhà thầu với người dân. Việc thỏa thuận này tiềm ẩn nguy cơ kéo dài thời gian khai thác mỏ vật liệu trong trường hợp hộ dân/tổ chức không đồng ý giá thỏa thuận.

Để giải quyết vướng mắc trên, Ban QLDA Thăng Long cũng bày tỏ mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành nghị quyết đưa phần GPMB này vào tiểu dự án GPMB của địa phương hoặc ban hành cơ chế xem các mỏ vật liệu phục vụ dự án, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để thuận lợi trong công tác thu hồi, đền bù. Có cơ chế này, nếu người dân không đồng thuận, chính quyền có thể xử lý, cưỡng chế. Đơn giá đền bù cũng sẽ rõ ràng với từng loại mặt bằng theo quy định. 

Báo cáo kế hoạch thi công trước ngày 15/1

Nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ngày 30/12/2022, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các Ban QLDA khẩn trương chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công tổng thể, kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, kèm theo kế hoạch huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm… trình tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/1/2023.

Các Ban QLDA cũng được giao nhiệm vụ chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành có liên quan trong công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Đồng thời, phối hợp với các nhà thầu thi công khẩn trương làm việc với các cấp chính quyền của địa phương để hoàn tất các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải bảo đảm đủ trữ lượng, chất lượng.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu tại hiện trường ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, thành lập phòng thí nghiệm hiện trường để kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình theo quy định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top