Trái với ở Việt Nam, việc các đội bóng đá đổi sân tập, sân thi đấu chính thức không có gì là lạ ở Ý, đặc biệt là với những đội chơi ở giải Serie B. Từ lâu, các kiến trúc sư đã phải đau đầu tìm cách thiết kế được các sân bóng giúp giảm chi phi và thời gian các đội bóng phải bỏ ra khi thực hiện di chuyển sân. Trong số những sáng kiến đã được đưa ra, mô hình xây dựng sân vận động toàn bằng gỗ là giải pháp khả thi nhất hiện nay, và đang được đưa vào triển khai ở sân vận động Bear Stadium tại thủ đô Roma.
Sân vận động Bear Stadium được xây hoàn toàn bằng gỗ thông lá kim và gỗ ép. Sức chứa của sân nằm trong khoảng 15.000 - 20.000 ghế. Không chỉ bóng đá, mà trong tương lai sân vận động này còn có thể phục vụ các môn thể thao như bóng bầu dục và cricket.
Nhà thầu chính của sân Bear Stadium, công ty Rubner Holzbau, có kinh nghiệm nhiều năm trong việc xây dựng các công trình lớn bằng gỗ trên khắp châu Âu. Công ty này tin rằng Bear Stadium sẽ chỉ là sân vận động đầu tiên báo trước xu hướng sử dụng gỗ trong việc xây dựng các công trình thể thao.
Khác với gạch và bê tông, chỉ có một lượng rất nhỏ khí nhà kính bị thải ra trong quá trình xây dựng với gỗ. Ngoài ra, ngoại trừ hệ thống đèn chiếu sáng, toàn bộ điện năng sân Bear Stadium sử dụng được tạo ra bởi hệ thống pin điện mặt trời và turbine gió lắp đặt trên mái sân vận động.
Giới kiến trúc châu Âu đã từ lâu ưa dùng gỗ ép về tính bền mà nhẹ của vật liệu này. Trái với suy nghĩ thông thường, các công trình cao tầng hoàn toàn xây được bằng gỗ ép. Công trình gỗ ép được xây xong có thể vững bền tương đương gạch hay bê tông, trong khi trọng lượng có khi chỉ bằng một nửa. Khi phải chịu lực quá mạnh, đơn cử như khi có động đất diễn ra, gỗ ép sẽ tự biến dạng (bị uốn cong) để phân bố lực chứ không nứt vỡ, đổ sập lên người bên trong công trình.
Dựa theo kết cấu kiểu module, khu vực ghế ngồi trên sân được chia làm các ô vuông nhỏ cỡ 6m2, chứa 36 ghế (cứ hai module kiểu này xếp vừa trong một thùng container). Các modules lắp vào một bộ khung có xà và cột làm bằng gỗ ép. Phần chân của bộ khung này được đóng chặt vào trong các khối bê tông chôn dưới đất. Kết quả là sân Bear Stadium vừa chắc chắn mà lại vừa mềm dẻo, gần như không thể bị quật ngã trong điều kiện gió bão hay động đất. Thời gian sử dụng dự kiến của sân Bear Stadium là 50 năm.
Theo Rubner Holzbau, nhiều đội bóng hiện đang chơi tại Serie A và Serie B đang tỏ ra quan tâm đến dự án Bear Stadium. Chi phí xây dựng sân vận động bằng gỗ rẻ hơn rất nhiều so với khi xây bằng bê tông cốt thép, không chỉ vì thời gian xây dựng ngắn (sân cỡ trung như Bear Stadium cần chưa đến 1 năm), giá vật liệu rẻ, mà còn bởi để xây sân vận động bằng gỗ, nhà thầu có thể thuê công nhân không chuyên thực hiện lắp đặt.
Khán giả đến sân Bear Stadium không cần phải lo về sự thiếu tiện nghi. Bear Stadium có đầy đủ hệ thống công trình phụ trợ gồm trạm xá, quán bars, nhà hàng, phòng nghỉ,... tất cả đều được bài trí theo xu hướng nội thất hiện đại nhất.
Khi đội bóng chuyển đi nơi khác, sân Bear Stadium có thể bị tháo dỡ ra từng phần, rồi các bộ phận được chuyển đến vị trí mới để lắp ráp lại. Chỉ có gỗ mới làm được việc này - khi bị chuyển đi giữa hai khu vực có nhiệt độ khác nhau, thanh thép sẽ thay đổi độ dài hình dáng. Còn bê tông lại hấp nhiệt quá nhiều, hoàn toàn không phù hợp với thời tiếp nóng ẩm của nước Ý.
Mỗi năm, một sân vận động có thể được dùng trong khoảng thời gian chưa đến một tháng, còn lại hoàn toàn bị bỏ hoang. Trong khi đó, ban quản lý sân vẫn bị mất tiền bảo dưỡng hằng tháng. Nếu như các sân vận động trong tương lai được xây dựng bằng gỗ theo kiểu module như Bear Stadium thì chúng hoàn toàn có khả năng đóng vai trò như một trung tâm sự kiện thay vì bị lãng phí quanh năm.