Sản xuất công nghiệp đóng góp trên 85% tăng trưởng chung của tỉnh
Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song sản xuất công nghiệp của tỉnh phục hồi nhanh và phát triển. Chỉ số sản xuất (IIP) cả năm ước tăng 20,2%. Giá trị sản xuất ước đạt 541 nghìn tỷ đồng, tăng 22%, vượt 6,6% kế hoạch. Cơ cấu ngành công nghiệp dịch chuyển đúng định hướng với vai trò dẫn dắt đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 98,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh).
Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực đóng góp chính vào phát triển công nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực này đạt hơn 437 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm 2022, chiếm 81,1% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Sản xuất công nghiệp chủ yếu tại các khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp lớn như: Luxshare, Fuhong, Hosiden, Siflex, Hana Micron, Newwing, Fuyu của Tập đoàn Foxconn…
Đến nay, trong các khu công nghiệp có 474 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó 424 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất và kinh doanh. Tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp năm 2023 ước đạt 453 nghìn tỷ đồng (chiếm 84%). Hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp đã tạo việc làm cho 195 nghìn lao động, trong đó tạo việc làm mới cho khoảng 10 nghìn lao động, với thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Với việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án và phát triển sản xuất trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang hiện là địa phương được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao và ngày càng thu hút được nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, do đó đã thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.
Ông Min Young Sik - Tổng Giám đốc Công ty TNHH JMC Việt Nam cho biết, Bắc Giang đang thay đổi từng ngày, khác xa so với thời điểm 20 năm trước. Cảm nhận rõ rệt nhất của tôi đó chính là sự năng động của chính quyền tỉnh. Chúng tôi đã luôn được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Và khi chúng tôi triển khai dự án mới, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các thủ tục hành chính, nhanh gọn hơn, chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều…
Những khó khăn, thách thức đối với hoạt động sản xuất công nghiệp
Năm 2024, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động tiêu cực kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với cả nước, Bắc Giang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ “tốt lên” song vẫn còn nhiều khó khăn, trong điều kiện nền kinh tế của tỉnh ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới sẽ tác động đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại của nền kinh tế không thể khắc phục được ngay sẽ là những “rào cản” ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp
Để công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển công nghiệp bền vững.
Về thu hút đầu tư, với các dự án FDI, tỉnh tập trung thu hút đối tác có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; chú trọng đối với các dự án có công nghệ tiên tiến, quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Với đầu tư trong nước, ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, doanh nghiệp thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đầu tư dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở chi nhánh tại Bắc Giang, qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các các nguồn vốn chất lượng với công nghệ tiên tiến theo định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực.
Ông Đào Xuân Cường - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tập trung cao cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, trọng tâm là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới tư duy, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau cấp phép. Thường xuyên nắm bắt tình hình, hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư./.